Tiêu thụ đồ uống có cồn tăng nhanh, cần phương pháp tính thuế mới?
Tiêu thụ đồ uống có cồn tăng hơn gấp đôi trong 10 năm
Theo ông Nguyễn Hoa Cương – Phó Viện trưởng CIEM, báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vào năm 2018 cho thấy, lượng đồ uống có cồn tiêu thụ ở Việt Nam, trong cả khu vực chính thức và phi chính thức có tốc độ tăng rất nhanh trong 10 năm trở lại đây.
Cụ thể, giai đoạn 2003-2005, lượng đồ uống có cồn tiêu thụ ở Việt Nam chỉ đạt trung bình 3,8 lít/ người/năm; giai đoạn 2008-2010 là 6,6 lít/ người/năm và đạt 8,3 lít/ người/năm trong giai đoạn 2015-2017.
“Như vậy, trong khoảng 10 năm, lượng tiêu thụ đồ uống có cồn bình quân của một người trong năm đã tăng hơn gấp đôi, với tốc độ tăng trung bình lên tới 8,1% năm” – ông Nguyễn Hoa Cương thông tin.
Nhiều kết quả nghiên cứu về đồ uống có cồn và khuyến nghị chính sách đối với mặt hàng này đã được đưa ra tại hội thảo |
Trình bày báo cáo nghiên cứu của CIEM về Chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ngành đồ uống có cồn tại Việt Nam, bà Đặng Thị Thu Hoài – Trưởng ban Ban Nghiên cứu kinh tế ngành và lĩnh vực (CIEM) – cho rằng: Cùng với tỷ lệ tiêu thụ đồ uống có cồn tăng nhanh, tỷ lệ người lạm dụng rượu, bia trên tổng dân số (tiêu thụ ít nhất 60 gram cồn nguyên chất ít nhất 1 lần/1 tháng-HED) tăng từ 1,4% vào năm 2010 lên tới 14,4% vào năm 2016.
“Tỷ lệ dân số uống rượu bia cũng chưa bao giờ giảm, năm 2010 là 49,3% tổng dân số chưa bao giờ sử dụng rượu bia, nhưng đến năm 2016 tỷ lệ này chỉ còn 38,6%” – bà Đặng Thị Thu Hoài chia sẻ.
Tuy nhiên, vấn đề đáng quan tâm nhất hiện nay đó là, tỷ lệ tiêu thụ đồ uống có cồn tại khu vực phi chính thức rất cao. Giai đoạn 2003-2005, khu vực phi chính thức tiêu thụ 2,5 lít/người/năm trong khi khu vực chính thức là 1,2 lít/người/năm; giai đoạn 2008-2010 là 4,6 lít và 2 lít và giai đoạn 2015-2017 là 5,3 lít và 3,1 lít.
Phát biểu tại hội thảo, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh – nguyên Viện trưởng CIEM cho rằng, việc sử dụng quá nhiều đồ uống có cồn không chỉ gây ảnh hưởng đến sức khoẻ, tính mạng của người dân mà còn gây ảnh hưởng đến trật tự xã hội.
Trên thực tế, để hạn chế sử dụng, tiêu thụ đồ uống có cồn, bảo vệ sức khoẻ người dân và giảm những tác động xã hội tiêu cực khác từ tiêu thụ đồ uống có cồn đến mức nguy hại, thời gian qua, chính sách quản lý nhà nước đối với ngành sản xuất rượu đã có nhiều sửa đổi. Ví dụ như, quy định về thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), quy định quảng cáo đồ uống có cồn.
Trong vòng 15 năm qua, ngành công nghiệp rượu vang, rượu mạnh đã chịu tác động của 5 lần thay đổi thuế TTĐB. Mới đây nhất, thuế suất loại này đã tăng từ 50% vào năm 2015 lên 55% vào năm 2016 và 65% vào năm 2018. Đồng thời, giá tính thuế cũng bị thay đổi từ giá nhập khẩu thành bán buôn.
Tuy nhiên, tỷ lệ sử dụng đồ uống có cồn vẫn tăng lên rất nhanh trong thời gian qua, và có câu hỏi đặt ra rằng, liệu chính sách quản lý đối với đồ uống có cồn nói chung và chính sách thuế TTĐB với đồ uống có cồn nói riêng đã đạt được như kỳ vọng đề ra?. Nguyên nhân của vấn đề này là do đâu?.
Thay đổi cách tính thuế TTĐB với đồ uống có cồn?
Theo ông Nguyễn Hoa Cương, một trong những nguyên nhân khiến kết quả đạt được của chính sách không được như kỳ vọng, đó là: Phương pháp tính thuế tương đối theo giá bán buôn của sản phẩm đang áp dụng đối với ngành đồ uống có cồn tại Việt Nam không hiệu quả nếu xét trên khía cạnh giảm lượng cồn nguyên chất tiêu thụ vào và bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng, cũng như bảo đảm nguồn thu ngân sách nhà nước.
Cũng đồng tính với quan điểm này, bà Đặng Thị Thu Hoài cho rằng, hiện có 3 phương pháp tính thuế TTĐB phổ biến đối với ngành đồ uống có cồn: Thứ nhất, thuế tương đối: Là cách áp dụng thuế TTĐB dựa trên giá trị của sản phẩm. Cụ thể là mức thuế suất % trên giá bán của sản phẩm. Giá tính thuế có thể là giá bán xuất xưởng, giá bán buôn hoặc bán lẻ.
Thứ hai, thuế tuyệt đối là cách áp dụng một mức thuế TTĐB cố định (một giá trị tiền cụ thể) dựa trên sản lượng sản phẩm tiêu thụ. Phương pháp này có 2 cách, một là, áp thuế trên số lít tiêu thụ và 2 là, áp thuế dựa rên lượng cồn nguyên chất – LPA tiêu thụ. Phương pháp thứ ba là thuế hỗn hợp, đây là sự kết hợp giữa hai phương pháp tính tương đối hoặc tuyệt đối.
“Các quốc gia trên thế giới và khu vực có xu hướng áp dụng thuế hỗn hợp và tuyệt đối, vì có thể đáp ứng tốt hơn cách mục tiêu đối với quản lý nhà nước về đồ uống có cồn. Trong khi đó, tại Việt Nam đang áp dụng thuế TTĐB với đồ uống có cồn theo hướng thuế tương đối quy định tại Nghị định 108/2016/NĐ-CP”. – bà Đặng Thị Thu Hoài cho biết thêm.
Liên quan đến vấn đề này, ông Ludovic Ledru - đại diện Tiểu ban Rượu vang và Rượu mạnh (Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam) - nhận định: Mô hình đánh thuế theo phương pháp tương đối không đảm bảo công bằng giữa sản phẩm chất lượng cao và sản phẩm chất lượng thấp, thậm chí còn khuyến khích người tiêu dùng chuyển sang tiêu thụ các sản phẩm giá rẻ với nồng độ cồn từ trung bình đến cao.
Trên cơ sở đó, nhóm nghiên cứu của CIEM cho rằng, để phù hợp với xu hướng chung của thế giới và khu vực, Việt Nam cũng cần đề xuát một phương pháp tính thuế TTĐB mới đối với ngành đồ uống có cồn là cần thiết, nhằm đáp ứng hiệu quả hơn các mục tiêu quản lý nhà nước đối với lĩnh vực này. Trong đó, trước mắt, có thể áp dụng phương pháp tính thuế hỗn hợp dựa trên lít cồn nguyên chất thay cho thuế tương đối đang áp dụng hiện nay do những ưu điểm vượt trội của phương pháp này và phù hợp với bối cảnh, khả năng thích ứng của Việt Nam.
Liên quan đến việc Quốc hội đang dự định tăng thuế TTĐB với đồ uống có cồn trong thời gian tới, một số ý kiến tại hội thảo cho rằng, 2 năm qua, với sự xuất hiện của dịch bệnh Covid-19, các doanh nghiệp ngành đồ uống chịu thiệt hại rất nặng nề. Vì vậy việc tăng thuế thời điểm này cũng cần cân nhắc, bởi sự ổn định về chính sách thuế sẽ giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, đồng thời nuôi dưỡng nguồn thu, hướng tới tăng thu ngân sách trong dài hạn.
Đặc biệt, trong bối cảnh đồ uống có cồn tại khu vực phi chính thức vẫn gia tăng mạnh và chiếm tỷ lệ cao như hiện nay, nhà nước cần đẩy mạnh quản lý khu vực này. Đây được đánh giá là yếu tố sống còn giúp Chính phủ đạt được các mục tiêu chính sách cả về việc giảm tiêu thụ đồ uống có cồn nói chung và giảm lạm dụng đồ uống có cồn nói riêng, cũng như tăng thu ngân sách.