Tiếp tục tái cơ cấu, đổi mới doanh nghiệp nhà nước
Tạo thị trường cho sản phẩm công nghiệp
Thời gian qua, Bộ Công Thương đã đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 97/NQ-CP của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TW của Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, lần thứ 5 về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DN nhà nước.
Bộ Công Thương đã tích cực, chủ động phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN để xử lý các tồn tại, vướng mắc tại các dự án, DN chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương. Cụ thể, đã phối hợp trình Thủ tướng Chính phủ Hồ sơ báo cáo đề xuất đưa Dự án Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng ra khỏi danh sách 12 dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả. Đồng thời, tiếp tục xử lý các vấn đề về cơ chế, chính sách để tạo thuận lợi về thị trường cho sản phẩm của các ngành công nghiệp, trong đó có sản phẩm của dự án, DN về sắt thép, nhiên liệu sinh học, phân bón, xơ sợi.
Hoạt động sản xuất, kinh doanh của Nhà máy Sản xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng ổn định trở lại |
Đáng chú ý, để bảo đảm quyền lợi chính đáng của các DN, tuân thủ luật pháp trong nước và cam kết quốc tế, Bộ Công Thương rà soát và kịp thời ban hành các quyết định áp dụng biện pháp tự vệ đối với một số sản phẩm khi thấy có dấu hiệu tác động gây thiệt hại cho sản xuất trong nước. Qua đó, các ngành sản xuất trong nước từng bước ổn định, một số DN cải thiện tình hình sản xuất, kinh doanh, thoát khỏi thua lỗ như Dự án Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng, Công ty thép Việt - Trung…
Bên cạnh đó, việc ban hành kịp thời các biện pháp phòng vệ thương mại đã góp phần ngăn chặn những tác động tiêu cực của hàng nhập khẩu ồ ạt, cạnh tranh không lành mạnh với hàng hóa trong nước, góp phần ổn định giá đầu vào cho một số ngành sản xuất. Ví dụ, đối với mặt hàng tôn mạ trước đây, mỗi năm nhập khẩu đều tăng gấp đôi so với năm trước thì sau khi áp dụng biện pháp chống bán phá giá, lượng nhập khẩu giảm đáng kể.
Đối với mặt hàng nhiên liệu sinh học, Bộ Công Thương nỗ lực chủ trì, phối hợp cùng các bộ, ngành quyết liệt tổ chức thực hiện và đã hoàn thành triển khai việc thay thế xăng khoáng RON 92 bằng xăng E5 RON 92.
Nỗ lực tái cơ cấu các tập đoàn
Về công tác xây dựng, định hướng triển khai tái cơ cấu các DN, Bộ Công Thương đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định thông qua Đề án tổng thể tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn các DN thuộc Bộ cho giai đoạn 2017 - 2020 và quyết định phê duyệt 3 đề án riêng cho từng tập đoàn thuộc Bộ giai đoạn 2017 - 2020 gồm: Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam và hiện đang trình Thủ tướng Chính phủ đối với Đề án tái cơ cấu toàn diện Tập đoàn Dầu khí Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025. Hiện nay, các DN này thuộc diện quản lý của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN theo Nghị định 131/2018/NĐ-CP.
Ngoài ra, Bộ Công Thương đã có Văn bản số 4904/BCT-BĐMDN quán triệt chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác cổ phần hóa tới các tập đoàn, tổng công ty, DN thuộc Bộ, trong đó nhấn mạnh việc các DN đã cổ phần hóa khẩn trương thực hiện đăng ký giao dịch, niêm yết trên sàn chứng khoán khi đủ điều kiện trong thời hạn 1 năm kể từ ngày phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng.
Bộ Công Thương cũng đã ban hành nhiều quy định, hướng dẫn và lãnh đạo, chỉ đạo các DN thuộc Bộ tiếp tục cụ thể hóa nhiều quy chế, quy định, giải pháp về công tác cán bộ; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc tuyển dụng, bổ nhiệm qua thi tuyển cạnh tranh, công khai, minh bạch đối với các chức danh quản lý, điều hành và các vị trí công việc khác trong các DN thuộc Bộ... Công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý nhìn chung đã được các DN trong Bộ triển khai hiệu quả, bảo đảm các quy định hiện hành của Đảng và Nhà nước về quy hoạch cán bộ