Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng:“Dân như điện còn mình là ắc quy. Họ nạp điện thì ắc quy chạy được. |
Sức mạnh của Quốc hội có được từ sự ủng hộ của nhân dân
Dự thảo Báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIII do Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội (VPQH) Nguyễn Hạnh Phúc trình bày cho biết, trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường; tình hình trong nước có những thuận lợi, thời cơ đan xen với nhiều khó khăn, thách thức trong phát triển KT-XH và bảo vệ độc lập, chủ quyền đất nước, Quốc hội Khóa XIII đã thể hiện rõ và xứng đáng với vị trí, vai trò là cơ quan đại biểu của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Quốc hội Khóa XIII đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, trí tuệ, đổi mới mạnh mẽ, bám sát thực tiễn triển khai thực hiện một khối lượng công việc rất lớn trong công tác lập hiến, lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao… góp phần đưa đất nước vượt qua khó khăn, tiếp tục phát triển, tạo nền tảng đẩy mạnh công cuộc đổi mới, xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước trong những năm tới, tạo niềm tin tưởng, ủng hộ của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, hoạt động của Quốc hội và bộ máy Nhà nước.
Cho ý kiến vào Báo cáo này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, phần đánh giá cần cố gắng đề cập tới những con số cụ thể, nhất là trong công tác hoàn thiện bộ máy, hoàn thiện thể chế thông qua việc ban hành các dự án luật.
Cũng theo Chủ tịch Quốc hội, Báo cáo cần phân tích sâu hơn về vai trò của đại biểu Quốc hội và khích lệ được trách nhiệm của họ vì họ mang trên mình sức mạnh của nhân dân, ý chí, nguyện vọng của nhân dân đến với diễn đàn Quốc hội.
“Chủ tịch Quốc hội hay đại biểu Quốc hội cũng là cử tri, là công dân. Sức mạnh, sự ủng hộ và giám sát của nhân dân đã giúp đại biểu Quốc hội làm tốt chức năng của mình, tạo nên sức mạnh của Quốc hội” - Chủ tịch Quốc hội khẳng định và so sánh: “ Dân như điện còn mình là ắc quy. Họ nạp điện thì ắc quy chạy được”.
Kỳ họp thứ 11, Quốc hội sẽ thông qua 7 dự án luật quan trọng
“Với vị trí quan trọng của kỳ họp thứ 11 - kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XIII - các cơ quan hữu quan cần nỗ lực, tích cực chuẩn bị, hoàn tất các nội dung để đảm bảo kỳ họp diễn ra thuận lợi, thành công” - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu.
Trước đó, về công tác chuẩn bị cho kỳ họp thứ 11 - Kỳ họp cuối cùng của Quốc hội Khóa XIII, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, dự kiến trong 22,5 ngày làm việc, Quốc hội Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 7 dự án luật (Gồm: Luật tiếp cận thông tin; Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (sửa đổi); Luật báo chí (sửa đổi); Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi); Luật dược (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật quản lý thuế; Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi)).
Cũng trong kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội, giám sát và các vấn đề quan trọng khác. Trong đó, Quốc hội sẽ xem xét, đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2015; xem xét, đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015 và quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020; Quyết định kế hoạch sử dụng đất 5 năm giai đoạn 2016-2020; xem xét các báo cáo tổng kết nhiệm kỳ 2011-2016 của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Tổng kiểm toán Nhà nước, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân; Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII....
Bên cạnh đó, dự kiến trong kỳ họp thứ 11 sẽ bổ sung 2 nội dung: Trình Quốc hội phê chuẩn Thỏa thuận về việc cấp thị thực giữa Việt Nam và Hoa Kỳ và Báo cáo về kết quả đàm phán và ký kết Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và các vấn đề có liên quan.
Đặc biệt, theo dự kiến Chương trình, kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII, vào tháng 4 tới, Quốc hội sẽ dành 12 ngày xem xét, quyết định về công tác nhân sự Nhà nước thay vì 7 ngày như kế hoạch trước đó. Cụ thể, từ ngày 4/4 đến 16/4, Quốc hội sẽ dành thời gian xem xét, quyết định về công tác nhân sự Nhà nước. Chương trình cụ thể sẽ được trình Quốc hội tại phiên họp trù bị. Như vậy thời gian dành cho công tác nhân sự ngày một tăng lên, lúc đầu dự kiến chỉ trong 3 ngày, sau đó nâng lên 7 ngày và đến phiên họp 46 này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nâng lên 12 ngày.