Tiếp tục lấy ý kiến về dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi)
Hội thảo “Lấy ý kiến về dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi)” là hoạt động thực hiện chương trình công tác của Ủy ban Kinh tế, tiếp thu giải trình ý kiến Đại biểu Quốc hội về dự án Luật Dầu khí (sửa đổi), chuẩn bị báo báo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 14 (tháng 8/2022) và trình Quốc hội xem xét thông qua vào tháng 10/2022.
Theo ông Nguyễn Ngọc Bảo - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, việc sửa đổi "Luật Dầu khí" là cấp thiết |
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Ngọc Bảo – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, Luật Dầu khí ban hành năm 1993, sửa đổi bổ sung vào các lần 2000, 2008, và 2018, điều chỉnh các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện hiệu quả Luật Dầu khí. Tuy nhiên, trong bối cảnh quốc tế và Việt Nam có nhiều thay đổi, môi trường đầu tư lĩnh vực dầu khí đang kém hấp dẫn.
Kể từ năm 2019 đến nay không kí kết được hợp đồng dầu khí nào mới, trữ lượng các mỏ giảm sâu, lượng khai thác dầu thô giảm dần trong giai đoạn năm 2016 – 2020, các mỏ mới phát hiện có tiềm năng hạn chế, trữ lượng nhỏ, nằm tại vùng nước sâu, xa bờ, địa chất phức tạp. Bên cạnh đó, thế giới cũng thay đổi trong hoạt động khai thác và nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch bao gồm dầu thô và khí đốt theo hướng sử dụng các nhiên liệu mới thân thiện hơn với môi trường. Các dạng dầu khí phi truyền thống được khai thác và tiêu thụ ở nhiều quốc gia… Những điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết phải sửa đổi Luật Dầu khí nhằm hoàn thiện khung khổ pháp lý, cải thiện môi trường đầu tư.
Ông Nguyễn Việt Sơn - Vụ trưởng Vụ Dầu khí & Than (Bộ Công Thương) tham dự hội thảo |
Tại Hội thảo, sau khi lắng nghe đại diện Bộ Công Thương trình bày tóm tắt dự kiến nội dung tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi), các Đại biểu Quốc hội sẽ tập trung thảo luận vào 8 nội dung sửa đổi chính trong Luật gồm: Áp dụng luật dầu khí và các luật liên quan (đang được quy định tại điều 4, so với dự thảo Luật cũ bổ sung khoản 2, khoản 3); Đối tượng, chính sách ưu đãi, chính sách khai thác tận thu dầu khí – đây là nội dung mới (được quy định chương 6, dự thảo luật); Đề xuất hợp đồng dầu khí mới trước khi hợp đồng dầu khí hết thời hạn và tiếp nhận mỏ, khu mỏ, lô dầu khí từ nhà thầu khi hợp đồng dầu khí hết thời hạn (quy định tại điều 32a và điều 33 của dự thảo luật); Dự án phát triển mỏ dầu khí trên đất liền, dự án phát triển dầu khí có hàm lượng công trình ở trên đất liền (quy định tại điều 34b của dự thảo luật); Lập thẩm định kế kế hoạch, đại cương phát triển mỏ dầu khí, kế hoạch mỏ dầu khí, kế hoạch khai thác sâu các mỏ dầu khí đầu tư xây dựng trên đất liền (quy định tại điểm o khoản 2 điều 38, điểm o khoản 2 và điểm g khoản 4 điều 39, điểm q khoản 2 và khoản g khoản 4 điều 40 dự thảo luật); Phê duyệt hợp đồng dầu khí – căn cứ pháp lý để triển khai các hoạt động dầu khí; Chức năng, quyền và nghĩa vụ của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trong kiểm tra cơ bản về dầu khí, hoạt động dầu khí (chương 9, dự thảo luật); và Quản lý nhà nước về dầu khí, trách nhiệm của cơ quan đại diện, chủ sở hữu (quy định tại chương 10, dự thảo luật).
Dự thảo Luật Dầu khí sẽ được trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022) |
Sau Hội thảo, chiều 2/8, các đại biểu tham dự hội thảo sẽ đến khảo sát thực tế tại nhà máy lọc dầu Dung Quất (Quảng Ngãi).