Tiếp tục hoàn thiện chủ trương chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa
Ngày 2/8/2022, tại Ban Kinh tế Trung ương đã diễn ra Hội nghị lần thứ nhất Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án “Chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” với sự chủ trì của Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải tham dự hội nghị.
Ông Trần Tuấn Anh- Trưởng ban kinh tế Trung ương phát biểu tại hội nghị |
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, ông Trần Tuấn Anh- Trưởng ban kinh tế cho biết, Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, Bộ Chính trị giao Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương, xây dựng Đề án "Chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” trình Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII vào tháng 10 tới.
Trong thời gian vừa qua, Ban Chỉ đạo đã chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết triển khai công việc cũng như quy định phân công trách nhiệm, nhiệm vụ của thành viên Ban chỉ đạo. Tuy thời gian không nhiều nhưng Ban Chỉ đạo đã triển khai được một khối lượng công việc rất lớn, đúng kế hoạch.
Trên cơ sở Đề cương Đề án và các báo cáo chuyên đề của các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức trong nước và quốc tế, Thường trực Ban Chỉ đạo đã giao Tổ Biên tập nghiên cứu, rà soát, tổng hợp, chắt lọc xây dựng dự thảo báo cáo Đề án.
Trưởng ban kinh tế Trung ương nêu, trong quá trình triển khai xây dựng đề án, đã có rất nhiều các chương trình làm việc, cụ thể là đã có một diễn đàn công nghiệp, 10 phiên hội thảo chuyên đề, sau đó là một số buổi làm việc giữa Thường trực của Ban chỉ đạo và Tổ biên tập với một số bộ, ban, ngành có chức năng, nhiệm vụ trực tiếp trong quản lý nhà nước về công nghiệp, thương mại, về các lĩnh vực có liên quan đến công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thẳng Hải tham dự hội nghị |
Theo đó, ông Trần Tuấn Anh đề nghị các đại biểu tham dự cho ý kiến vào những nội dung như: Cơ sở lý luận công nghiệp hóa, hiện đại hóa; Kinh nghiệm quốc tế; Đánh giá kết quả thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở nước ta thời gian qua; Đề xuất mô hình công nghiệp hóa, hiện đại hóa dựa trên kinh nghiệm quốc tế và xu thế địa chính trị, nền tảng khoa học công nghệ, đồng thời làm rõ thêm động lực, các phương thức thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa; Một số chủ trương, chính sách đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030 và tầm nhìn 2045.
Trưởng ban kinh tế Trung ương nhấn mạnh, đất nước ta đang trong một giai đoạn lịch sử, đứng trước những cơ hội lớn để phát triển, trong đó công nghiệp hóa, hiện đại hóa đóng vai trò quan trọng. Việc đóng góp của các đại biểu có ý nghĩa quan trọng cho việc xây dựng Đề án, trình Trung ương đề ra những chủ trương, định hướng lớn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng nước ta trong thời kỳ mới.
Tai hội nghị, các ý kiến thảo luận, góp ý, đề xuất với Ban Chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện việc xây dựng Đề án một cách toàn diện, sâu sắc, qua đó xác định được định hướng phát triển mới cho giai đoạn tới. Trong đó, các đại biểu đã phát biểu tập trung vào các vấn đề quan trọng như cơ sở lý luận, tính thực tiễn, tạo ra giá trị mới, đột phá cho việc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; các chủ trương, chính sách cụ thể của Dự thảo Đề án; nghiên cứu tác động địa chính trị thế giới, cách mạng công nghiệp 4.0. Một số ý kiến góp ý về cơ chế đặc thù cho công nghiệp quốc phòng an ninh, nguồn lực thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước…
Kết luận hội nghị, ông Trần Tuấn Anh đánh giá và ghi nhận ý kiến của các đại biểu. “Rất nhiều vấn đề không chỉ giới hạn trong phạm vi của đề án nữa mà cả những nội dung mới cần trao đổi, thảo luận, xem xét để bổ sung, hoàn thiện. Cơ bản các ý kiến tán thành và đánh giá tích cực với quá trình làm việc, triển khai của Ban Chỉ đạo và Tổ biên tập”- Trưởng ban kinh tế Trung ương khẳng định và đề nghị Tổ Biên tập nghiêm túc tiếp thu các ý kiến tại Hội nghị, những vấn đề cần tiếp tục bổ sung, nhất là những vấn đề cần kế thừa, phát triển, những quan điểm, giải pháp mới cho giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 để tiếp tục hoàn thiện Đề án trình Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII, đảm bảo đúng thời gian, tiến độ đã đề ra.