Tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được thu, quyết toán ra sao?
Hạn chế đầu cơ, giữ mỏ để chuyển nhượng
Ngày 12/8, tại Phiên họp Chuyên đề pháp luật tháng 8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản. Ảnh: QH |
Về tiền cấp quyền khai thác khoáng sản (Điều 102), Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết, có ý kiến cho rằng, quy định về tiền cấp quyền là không khả thi và chưa phù hợp với thực tiễn; một số ý kiến đề nghị bỏ nội dung thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, đồng thời xem xét tăng mức thu thuế tài nguyên khoáng sản để bù đắp cho ngân sách nhà nước, tiết kiệm thời gian, chi phí của tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản, tiết kiệm chi phí nhân lực quản lý nhà nước, không giảm nguồn thu từ khai thác khoáng sản để nộp vào ngân sách nhà nước.
Về vấn đề này, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho rằng, thực tiễn, qua hơn 13 năm triển khai quy định pháp luật về “Tiền cấp quyền khai thác khoáng sản” cho thấy, đây một trong những giải pháp nhằm hạn chế đầu cơ, giữ mỏ để chuyển nhượng, lựa chọn được nhà đầu tư có đủ năng lực về tài chính, bảo đảm trách nhiệm của tổ chức, cá nhân được giao đặc quyền khai thác tài nguyên khoáng sản, đồng thời tiền cấp quyền khai thác khoáng sản là một nguồn thu đáng kể cho ngân sách nhà nước.
Qua đánh giá tổng kết cho thấy, quy định về tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đến nay vẫn bảo đảm tính khả thi, phù hợp; do vậy chưa thể bỏ quy định này để tăng mức thuế tài nguyên. Tuy nhiên, còn tồn tại những hạn chế, vướng mắc, bất cập về phương thức thu tiền, vướng mắc khách quan, tạo ra gánh nặng về tài chính cho tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản.
Để giải quyết những hạn chế, vướng mắc, bất cập hiện nay, dự thảo Luật đã quy định theo hướng thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo năm và được quyết toán theo sản lượng khai thác thực tế.
Với quy định này, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản sẽ không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố liên quan tới trữ lượng địa chất, trữ lượng không được khai thác, hoặc trong quá trình khai thác không thể khai thác hết, hoặc trường hợp vì lý do khách quan chưa thể đưa mỏ vào khai thác. Theo đó, đã tháo gỡ bất cập của Luật Khoáng sản năm 2010, bảo đảm tính khả thi của chính sách về tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.
Phương thức thu, quyết toán tiền cấp quyền khai thác khoáng sản
Về phương pháp xác định, phương thức thu, quyết toán tiền cấp quyền khai thác khoáng sản (Điều 103), có ý kiến băn khoăn đối với nội dung quy định về việc quyết toán tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo sản lượng khai thác thực tế do khó kiểm soát về sản lượng mà doanh nghiệp khai thác được, có thể dẫn đến thất thu ngân sách.
Về nội dung này, theo Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, kết quả thăm dò trữ lượng khoáng sản có độ tin cậy nhất định, mức độ sai số có thể từ 20% đến 50% tùy theo cấp trữ lượng thăm dò, dẫn đến việc tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản hoặc nhà nước có thể chịu rủi ro lớn là sản lượng khai thác thực tế thấp hơn nhiều so với trữ lượng được phê duyệt, cấp phép.
Trong trường hợp không thực hiện quyết toán theo sản lượng khai thác thực tế mà chỉ thu theo trữ lượng quy định trong giấy phép mà công tác kiểm soát sản lượng khai thác không chặt chẽ thì vẫn có nguy cơ gây thất thoát nếu tổ chức, cá nhân khai báo không trung thực.
Do đó, dự thảo Luật quy định quyết toán tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo sản lượng khai thác thực tế để bảo đảm công bằng giữa các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản và Nhà nước.Đồng thời, dự thảo Luật đã bổ sung các chế tài, các công cụ quản lý (trách nhiệm của UBND cấp tỉnh quy định tại khoản 1 Điều 112) nhằm giám sát chặt chẽ hoạt động khai thác khoáng sản của tổ chức, cá nhân, trong đó có quản lý về sản lượng khai thác. Vì vậy, đề nghị giữ nội dung như tại Điều 103 dự thảo Luật.
Có ý kiến đề nghị nghiên cứu bổ sung việc phân kỳ hay giãn nộp tiền cấp quyền khai thác cho phù hợp để tạo điều kiện cho doanh nghiệp, các nhà đầu tư muốn được cấp quyền khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường
Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã bổ sung khoản 3 Điều 103 (Việc quản lý tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý thuế) và giao Chính phủ quy định chi tiết điều này. Theo đó, việc quản lý tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được thực hiện theo pháp luật về quản lý thuế, trong đó đã bao gồm quy định việc phân kỳ hoặc giãn nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.
Có ý kiến đề nghị quy định một bảng giá tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản cụ thể cho các loại khoáng sản khác nhau, áp dụng chung cho cả nước để bảo đảm tính công bằng, thuận lợi, thống nhất trong thực hiện.
Về nội dung này, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho hay, tiếp thu ý kiến của đại biểu, Dự thảo Luật đã chỉnh lý điểm b khoản 1 Điều 103 là “Giá tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản”, đồng thời giao Chính phủ quy định chi tiết.
Theo báo cáo của Cơ quan chủ trì soạn thảo, dự thảo Nghị định quy định chi tiết đang theo hướng xác định giá tính tiền cấp quyền trên cơ sở giá tính thuế tài nguyên vì việc ban hành bảng giá tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản riêng, độc lập với giá tính thuế tài nguyên có thể dẫn đến một loại khoáng sản trong cùng một mỏ nhưng lại có 2 giá (giá tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; giá tính thuế tài nguyên).
Mặt khác, giá của khoáng sản phụ thuộc nhiều vào yếu tố như nhu cầu sử dụng, vị trí địa lý, điều kiện khai thác, yếu tố thị trường… Do đó, việc xây dựng bảng giá tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản áp dụng chung cho các địa phương trong cả nước là không phù hợp. Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu ý kiến của đại biểu Quốc hội khi xây dựng dự thảo Nghị định quy định chi tiết.