Hiệp hội Titan Việt Nam: Phát huy vai trò cầu nối, hỗ trợ doanh nghiệp Hiệp hội Titan Việt Nam: Hợp tác phát triển, chung tay vượt khó |
Đại hội có sự tham dự của đại diện lãnh đạo Bộ Công Thương và Bộ Nội Vụ cùng 26 hội viên VTA là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khoáng sản titan đến từ khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước.
Một nhiệm kỳ "sóng gió"
Phát biểu khai mạc đại hội ông Lê Văn Lịch - Chủ tịch Hiệp hội Titan Việt Nam nhiệm kỳ 2019-2024 cho biết, nhiệm kỳ vừa qua, Hiệp hội đã cơ bản thực hiện được các nhiệm vụ mà Đại hội lần thứ VIII đề ra. Theo đó, Hiệp hội đã có những kiến nghị, đề xuất với nhà nước thay đổi một số cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị hội viên, góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp titan, tạo việc làm và góp phần phát triển kinh tế - xã hội các địa phương.
Ông Lê Văn Lịch báo cáo tình hình hoạt động nhiệm kỳ 2019-2024. Ảnh: Thu Hường |
Nhìn lại chặng đường vừa qua, ngành công nghiệp khai khoáng nói chung và ngành khai thác, chế biến quặng titan nói riêng đã gặp nhiều biến động, khó khăn về nhu cầu thị trường, về cơ chế, chính sách, giao thoa/chồng chéo giữa quy hoạch ngành titan với quy hoạch các ngành kinh tế - xã hội khác… Đây là những khó khăn đã tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của toàn bộ các doanh nghiệp trong Hiệp hội.
Cùng với đó là đại dịch Covid-19 đã khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp titan thêm nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp đã phải dừng hoạt động, ra khỏi Hiệp hội, một số ít doanh nghiệp chưa có khả năng hoạt động trở lại nên cũng chưa tham gia đầy đủ các hoạt động của Hiệp hội.
“Bên cạnh đó, các loại thuế, phí và lệ phí đối với các sản phẩm khai thác, chế biến khoáng sản titan luôn ở mức cao, công tác quản lý khoáng sản, quản lý môi trường ngày càng chặt chẽ, chi phí sản xuất tăng cao, trong lúc giá bán sản phẩm trên thị trường không ổn định, dẫn đến đã có một số hội viên phải giảm hoặc dừng sản xuất”- ông Lê Văn Lịch nhấn mạnh.
Trong điều kiện đó, nhiều đơn vị của thành viên đã hợp tác, chia sẻ, hỗ trợ nhau để vượt qua khó khăn duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Một số đơn vị thành viên đã mạnh dạn đầu tư mới, đầu tư mở rộng và đã thành công trong các dự án chế biến sâu, làm chủ công nghệ, sản xuất ra sản phẩm chất lượng cao, mang lại hiệu quả kinh tế cho bản thân doanh nghiệp và đóng góp vào sự phát triển của ngành Công Thương nói riêng và nền kinh tế đất nước nói chung.
Đặc biệt ngày 18/7/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định 866/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050- đây là cơ sở pháp lý quy hoạch ngành đã tháo gỡ được một số khó khăn nhất định, nhất là trong việc chồng lấn các quy hoạch ngành năng lượng, du lịch,… với các vùng có khoáng sản titan, tạo tiền đề cho các doanh nghiệp xác định quy mô đầu tư phát triển.
Tuy nhiên theo ông Đào Công Vũ - Tổng thư ký VTA cho biết, mặc dù Quyết định 866 đã kịp thời tháo gỡ phần nào khó khăn trong hoạt động của các doanh nghiệp nhưng các đơn vị vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn.
Theo báo cáo của Hiệp hội Titan Việt Nam, nếu như trước năm 2019 có 6 nhà máy luyện xỉ titan đã đầu tư và đi vào sản xuất với tổng công suất thiết kế lên đến 111.000 tấn xỉ/năm, trong đó có 3 nhà máy đã đầu tư mở rộng giai đoạn 2. Tuy nhiên, đến nay đã có 4 nhà máy dựng hoạt động, 1 nhà máy chuyển đổi chủ sở hữu và đang được cải tạo, nâng công suất.
Ông Đào Duy Anh - Trưởng ban bầu cử trình bày phương án nhân sự của Đại hội. Ảnh: Thu Hường |
Hiệp hội Titan cho hay, hầu hết các doanh nghiệp khai thác - chế biến titan đều đầu tư các dây chuyền chế biến zircon siêu mịn. Trong đó nhiều doanh nghiệp đã lựa chọn thiết bị hiện đại, công nhệ tiên tiến của các đối tác có uy tín, có thương hiệu nổi tiếng trên thế giới. Qua đó đã làm gia tăng giá trị của sản phẩm zircon, cung cấp nguyên liệu có chất lượng cao cho các ngành sản xuất men sứ, sản xuất kính, vật liệu xây dựng cao cấp, công nghiệp điện tử...
Phát huy vai trò cầu nối doanh nghiệp và cơ quan quản lý
Phát biểu tại Đại hội, bà Thang Thị Hạnh, Vụ trưởng Vụ Tổ chức phi chính phủ, Bộ Nội Vụ cho biết: Thời gian qua VTA đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển của ngành công nghiệp khai khoáng Việt Nam, đặc biệt Hiệp hội đã phát huy cầu nối giữa doanh nghiệp với cơ quan quản lý trong việc đề xuất các kiến nghị, tham gia góp ý trong xây dựng ban hành các chính sách về khoáng sản.
Bà Thang Thị Hạnh, Vụ trưởng Vụ Tổ chức phi chính phủ phát biểu tại Đại hội. Ảnh: Thu Hường |
Trong tháng 9/2024, Bộ Nội vụ đã có kiểm tra hoạt động của Hiệp hội và đánh giá cao kết quả hoạt động của VTA nhất là trong công tác đoàn kết, tập hợp các thành viên trong hoạt động hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho các thành viên nhất là trong giai đoạn vừa qua
Đại diện lãnh đạo Bộ Nội vụ kỳ vọng nhiệm kỳ mới, Ban chấp hành tiếp tục làm tốt vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp với cơ quan quả lý trong tập hợp ý kiến, tham gia phản biện chính sách. Đồng thời, đẩy nhanh công tác kiện toàn Ban chấp hành để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
Phát biểu tại Đại hội, đại diện Bộ Công Thương - ông Đỗ Nam Bình, Trưởng phòng Khoáng sản - Luyện kim, Cục Công nghiệp khẳng định: Với 30 năm hoạt động VTA luôn là cầu nối quan trọng giữa nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực titan. Đại hội lần này không chỉ là dịp để các đơn vị thành viên của VTA đánh giá lại những kết quả đạt được mà còn là cơ hội để cùng nhận nhận những thách thức, khó khăn mà ngành titan đang đối mặt trong bối cảnh hiện nay.
Ông Đỗ Nam Bình, Trưởng phòng Khoáng sản - Luyện kim, Cục Công nghiệp phát biểu tại đại hội |
Theo ông Đỗ Nam Bình, thời gian qua ngành titan đã có sự phát triển vượt bậc, đóng góp đáng kể vào nền kinh tế đất nước. Là một trong những quốc gia có trữ lượng khoáng sản titan hàng đầu thế giới, Việt Nam còn nhiều dư để để phát triển một ngành công nghiệp khai thác chế biến titan và sản phẩm từ titan.
"Tuy nhiên, ngành titan hiện đang phải đối mặt với không ít khó khăn và thách thức. Biến động thị trường toàn cầu, sự cạnh tranh khốc liệt và những vấn đề liên quan đến công nghệ sản xuất, thị trường tiêu thụ gắn với chuỗi giá trị cung ứng toàn cầu đang là rào cản lớn cho sự phát triển bền vững của ngành titan Việt Nam"- ông Bình cho hay.
Để ngành titan tiếp tục phát triển bền vững, tại đại hội, các hội viên của VTA đã có những kiến nghị đề xuất đến Bộ Công Thương, Bộ Nội vụ hỗ trợ và phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội trong việc định hướng, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc mà ngành đang gặp phải. Điều này sẽ góp phần tạo động lực để ngành titan mở rộng sản xuất, ứng dụng công nghệ tiên tiến và đầu tư chế biến sâu.
Ban Chấp hành Hiệp hội Titan nhiệm kỳ 2024-2029. Ảnh: Thu Hường |
Đại hội Đại biểu toàn quốc Hiệp hội Titan Việt Nam lần thứ IX đã bầu ra Ban chấp hành gồm 23 thành viên (sẽ bổ sung thêm 2 thành viên trong quá trình hoạt động), đồng thời Đại hội cũng đã bầu 6 Phó Chủ tịch, ông Lê Văn Lịch tiếp tục được Đại hội bầu làm Chủ tịch VTA nhiệm kỳ 2024-2029.
Ban lãnh đạo Hiệp hội nhiệm kỳ 2024-2029. Ảnh: Thu Hường |
Thay mặt Ban Chấp hành nhiệm kỳ 2024-2029, tân Chủ tịch Hiệp hội Titan Việt Nam khẳng định, khóa IX sẽ là nhiệm kỳ mà các doanh nghiệp trong hiệp hội cần tiếp tục đổi mới, phát huy sức mạnh tập thể và đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, khai thác và chế biến titan một cách hiệu quả, bền vững. “Đồng thời, đẩy mạnh hợp tác quốc tế, đầu tư các dự án chế biến sâu, nâng cao giá trị tài nguyên và bảo vệ tốt môi trường, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững và kinh tế tuần hoàn”- ông Lê Văn Lịch nhấn mạnh.
Các đại biểu dự đại hội chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: Thu Hường |
Tân Chủ tịch Hiệp hội nhiệm kỳ 2024-2029 cam kết, sẽ luôn lắng nghe ý kiến đóng góp từ các hội viên, từ các Uỷ viên Ban chấp hành để xây dựng Hiệp hội ngày càng vững mạnh. Tăng cường kết nối hợp tác giữa các doanh nghiệp trong và ngoài ngành titan. Đại diện tiếng nói của Hiệp hội với các cơ quan quản lý nhà nước, đảm bảo lợi ích chính đáng của hội viên.
Đồng thời, cùng với Ban Lãnh đạo, Ban chấp hành và các hội viên, đẩy mạnh công tác ứng dụng công nghệ trong đầu tư các dự án để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và bảo vệ môi trường trong hoạt động ngành công nghiệp titan của Việt Nam.