Tích hợp dịch vụ tài chính: Lo "lỗ hổng" bảo mật
Theo TS. Vũ Đình Ánh, thực tiễn tích hợp ngân hàng – bảo hiểm đã cho thấy hoạt động phát sinh bất cập. Đã có khá nhiều phản ứng từ phía khách hàng, về việc một số đơn vị đưa ra điều kiện bắt buộc phải mua bảo hiểm mới được tiếp cận các dịch vụ của ngân hàng, nhất là đối với các khoản cho vay. Điều này, gây ra xung đột lợi ích giữa 3 bên (khách hàng - công ty bảo hiểm - ngân hàng). Hoạt động tích hợp giữa các ngân hàng với các công ty chứng khoán, cũng nảy sinh mối quan hệ rủi ro dây chuyền.
Ở góc độ tích hợp tài chính trong bối cảnh kinh tế số, PGS.TS Nguyễn Thúy Mùi - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia - đánh giá: Hệ thống ngân hàng còn gặp nhiều thách thức về tính an toàn, bảo mật thông tin, khai thác dữ liệu. Sản phẩm số giao dịch qua các thiết bị di động, rất dễ bị lộ lọt thông tin dẫn đến rủi ro, thiệt hại không chỉ cho khách hàng. Quản trị dữ liệu lớn (bigdata) cũng chưa theo quy chuẩn nào, rất phân tán, hầu hết các ngân hàng chưa có bộ phận chuyên nghiệp về quản trị dữ liệu…
Để tích hợp tài chính mang lại lợi ích toàn diện, nhóm nghiên cứu của Học viện Ngân hàng, khuyến nghị: Nhà nước cần xây dựng hành lang pháp lý quản lý có lộ trình về tích hợp tài chính, đảm bảo bình đẳng cơ hội và cạnh tranh. Đổi mới công tác quản lý, theo hướng hợp nhất thực hiện giám sát hoạt động của tất cả các loại hình trung gian tài chính. Các trung gian tài chính cần phải lựa chọn được các mô hình tích hợp hiệu quả, phòng ngừa rủi ro, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Chú trọng bảo mật, an toàn, tránh gây thiệt hại cho khách hàng...
Các chuyên gia cho rằng, tích hợp tài chính đặt ra khá nhiều thách thức liên quan đến lựa chọn cấu trúc doanh nghiệp do có nhiều bộ phận khác biệt; quản lý tài chính (dòng tiền đầu tư); xung đột lợi ích; rủi ro lan truyền khi một công ty con hay đơn vị trong hệ thống gặp sự cố… |