Thương hiệu Việt: Tìm vị trí trong cuộc chơi hội nhập
Vinamilk được người tiêu dùng Nga ưa chuộng |
Các chuyên gia đánh giá, doanh nghiệp (DN) Việt Nam đã dần bắt kịp xu thế toàn cầu trong việc đầu tư vào giá trị vô hình trong DN mà tiêu biểu là giá trị thương hiệu.
Vấn đề thương hiệu càng trở nên bức thiết với giới DN Việt Nam khi gần đây trong việc thiết kế chính sách với DN, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã không ít lần nhấn mạnh, phải giữ cho bằng được các thương hiệu lớn của đất nước. “Thông điệp đó của Thủ tướng có nghĩa là bán vốn chứ không được bán tên, bán tiếng” - một chuyên gia nói.
Nghiên cứu của Brand Finance đã cung cấp bức tranh tổng thể về việc các thương hiệu Việt đã và đang nỗ lực giành vị thế trong cuộc chơi hội nhập. Theo đó tốc độ tăng trưởng trung bình của từng thương hiệu trong Top 50 là 20%, vượt xa các công ty thuộc các nước trong khối ASEAN có tốc độ tăng trưởng ổn định hoặc âm. Riêng các công ty hàng đầu đạt được tốc độ tăng trưởng thương hiệu, thậm chí cao hơn (ví dụ tăng trưởng 39% trong Top 5). Điều này có nghĩa là các công ty có tốc độ tăng trưởng dưới 10 - 12% phải thực hiện điều gì đó về thương hiệu của mình nhằm duy trì tính cạnh tranh hoặc tăng giá trị thương hiệu trong tương lai.
Các thương hiệu Top 5 đã duy trì vị thế hàng đầu, chiếm gần một nửa (47%) tổng giá trị thương hiệu của toàn bộ các công ty trong Top 50. Bên cạnh đó, các ngành ngân hàng và viễn thông Việt Nam cho thấy kết quả ngoạn mục trong việc củng cố vị thế của họ trong ngành.
Câu chuyện thương hiệu giờ đây đã mang nhiều nội hàm mới, thay vì chỉ đơn thuần là có được một cái tên và “thâm canh” dựa vào thương hiệu đó, nhất là trong bối cảnh các hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) không chỉ đến từ các DN nước ngoài mà còn ngay cả từ các “ông lớn” trong nước.
Ông Samir Dixit - Giám đốc điều hành Brand Finance châu Á Thái Bình Dương - cho rằng, hiện là thời điểm các thương hiệu trong nước rơi vào sự xâm lấn của những thương hiệu nước ngoài mạnh hơn, hoặc bị những đối thủ nước ngoài mua với giá rất rẻ. “Cách duy nhất để khắc phục hiện tượng này là đầu tư vào thương hiệu và hiểu biết rõ về giá trị thương hiệu của mình, cũng như yếu tố tác động giá trị chứ không chỉ là lao vào bán hàng” - ông Samir nói.
Trước đây và cả hiện nay, rất nhiều DN Việt Nam vẫn chưa ý thức được đầy đủ giá trị tài sản vô hình là thương hiệu và đã bỏ lỡ rất nhiều cơ hội trong quá trình mua bán sáp nhập, khi mà giá trị thương hiệu chưa được tính toán đầy đủ vào giá trị thương vụ. Kinh nghiệm từ cuộc chơi hội nhập cho thấy, các DN cần phải hiểu và khai thác hiệu quả, hưởng lợi thỏa đáng trên khối tài sản vô hình là thương hiệu của mình.
Bởi như đánh giá của tổ chức Brand Finance, Việt Nam đang tiến tới quốc tế hóa ở tầm cao mới, bao gồm hiệu lực của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC). Các DN trong nước cần thực hiện các biện pháp chuẩn bị cho sự xâm nhập của các thương hiệu quốc tế từ các quốc gia trong Hiệp định Thương mại tự do và thương hiệu cần được cân nhắc là một phần quan trọng trong việc chuẩn bị.
Danh sách 50 thương hiệu hàng đầu Việt Nam xem tại http://brandirectory.com/league_tables/table/vietnam-50-2016. |