Thực phẩm Nhật được ưa chuộng
Theo thống kê thương mại của Bộ Tài chính Nhật Bản, 5 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu thực phẩm và nông - thủy sản nước này vào thị trường Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ, khoảng 24,8% so với cùng kỳ năm trước. Năm 2017, xuất khẩu 2 nhóm hàng này từ Nhật Bản vào Việt Nam đã vượt qua Thái Lan, đứng thứ 6 toàn cầu với kim ngạch 39,5 tỷ Yên (khoảng 350 triệu USD).
Nhiều thương hiệu thực phẩm, nhà hàng Nhật đang nhanh chóng mở rộng kinh doanh tại thị trường Việt Nam |
Đánh giá của Tổ chức Xúc tiến ngoại thương Nhật Bản (JETRO) cho thấy, vài năm trở lại đây, hàng tiêu dùng, thực phẩm Nhật Bản ngày càng "len lỏi" mạnh vào thị trường tiêu dùng Việt. Xu hướng lựa chọn hàng Nhật Bản cũng được người tiêu dùng Việt ưu tiên bởi sản phẩm an toàn, chất lượng bảo đảm, truy xuất được nguồn gốc kèm giá cạnh tranh. Vì thế, hàng loạt siêu thị, cửa hàng tiện ích, nhà hàng như AEON, Ministop, Family Mart, Tokyo Deli, Gyu kaku, Oshaka Ohsho... mở ra đã nhận được sự ủng hộ từ phía khách hàng.
Nhằm thúc đẩy xuất khẩu và chiếm lĩnh thị trường, một số DN sản xuất hàng tiêu dùng, kinh doanh thực phẩm của Nhật Bản còn có xu hướng Việt hóa một số tiêu chí sản phẩm để phù hợp với thị hiếu, khẩu vị của người Việt. Bà Lê Vân Mây - Chủ tịch Lotus Group - cho biết, nhiều DN Nhật Bản đã và sẽ mở thêm nhiều các nhà hàng phong cách ẩm thực Nhật Bản, xây dựng nhà máy chế biến thực phẩm xuất khẩu sang Nhật và phân phối tại thị trường nội địa nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường Việt Nam.
Doanh nghiệp Việt cần nâng cao năng lực cạnh tranh
Thời gian qua, JETRO thường xuyên tổ chức các chương trình kết nối giúp DN Nhật Bản giới thiệu sản phẩm thực phẩm, nông - lâm thủy sản tới nhà nhập khẩu, phân phối và nhà hàng, khách sạn Việt Nam; qua đó, thúc đẩy tiêu thụ thực phẩm Nhật tại Việt Nam.
Ông Nakajima Hayato - đại diện Công ty Thực phẩm Middis (Nhật Bản) - cho hay, năm 2017, công ty tham gia chương trình kết nối của JETRO với sản phẩm sữa trẻ em. Qua đó, công ty đã ký kết hợp tác phân phối với 3 công ty Việt Nam và xuất khẩu được số sữa mang thương hiệu Bean Stalk trị giá 100 triệu Yên sang Việt Nam. Với kết quả tích cực đạt được, công ty mong muốn tăng gấp đôi lượng tiêu thụ sữa Bean Stalk tại Việt Nam trong năm 2018.
Từ năm 2017, Công ty Nông nghiệp Oitaken cũng xuất khẩu thành công trái lê Kosui vào thị trường Việt Nam với sản lượng khoảng 5 tấn. Năm nay, Oitaken tiếp tục giới thiệu thêm sản phẩm lê Niitaka và Hosui. Đại diện Oitaken cho biết, trước khi đến Việt Nam, trái lê Niitaka và Hosui đã được xuất khẩu tới nhiều thị trường như: Đài Loan, Hồng Kông, Singapore, Thái Lan và Hàn Quốc.
Theo ông Takimoto Koji - Trưởng đại diện JETRO tại TP. Hồ Chí Minh - sự tin tưởng của người tiêu dùng Việt Nam vào hàng hóa Nhật Bản cùng với xu hướng đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ, tiêu dùng, ẩm thực của DN Nhật Bản tại Việt Nam đang mở ra rất nhiều cơ hội phát triển ngành hàng này. "Điều này đặt các DN Việt vào thế phải hoàn thiện chính mình để tăng sức cạnh tranh với những sản phẩm an toàn, đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng, nhu cầu của người tiêu dùng" - ông Takimoto Koji nhấn mạnh.
Đánh giá của JETRO cho thấy, Việt Nam đang được coi là điểm đến đầy tiềm năng của DN thực phẩm Nhật. Năm 2017, nhập khẩu thực phẩm của Việt Nam từ Nhật (đặc biệt là các mặt hàng sữa bột trẻ em, các sản phẩm thủy sản như cá bào, cá ngừ…) tăng 22,4%; 5 tháng đầu năm 2018 tăng 24,8% so với cùng kỳ năm trước. |