Bị tố kê khai giá khám chữa bệnh "trên trời", đại diện Bệnh viện K nói gì? Bệnh viện kêu bất ngờ với giá trần khám chữa bệnh theo yêu cầu, Bộ Y tế nói gì? |
Giá dịch vụ điều chỉnh giảm mạnh
Thông tư 13/2023/TT-BYT quy định khung giá dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu tại cơ sở y tế công lập có hiệu lực từ ngày 15/8/2023. Theo khung giá mới, giá khám chữa bệnh theo yêu cầu tối đa là 500.000 đồng/lượt; giá giường bệnh theo yêu cầu tối đa 4.000.000 đồng/ngày.
Thực hiện Thông tư 13/2023/TT-BYT: Nhiều bệnh viện kêu khó (Ảnh minh họa) |
Cũng theo thông tư này, 1.937 loại dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm theo yêu cầu được quy định mức giá tối đa và tối thiểu. Trong đó, dịch vụ có giá cao nhất là phẫu thuật nội soi robot điều trị các bệnh lý lồng ngực, giá tối đa hơn 134 triệu đồng và tối thiểu hơn 91 triệu.
Thực hiện Thông tư 13/2023/TT-BYT nhiều bệnh viện đã công khai giá dịch vụ khám chữa bệnh theo quy định mới, có dịch vụ mức giá mới giảm khá sâu. Cụ thể tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức: Trước ngày 15/8/2023, giá khám theo yêu cầu tại bệnh viện này tối đa 2 triệu đồng/lượt nếu người bệnh yêu cầu khám chuyên gia thì nay chỉ áp dụng một mức 500.000 đồng. Đây là mức kịch trần của Thông tư 13/2023/TT-BYT và nhiều bệnh viện đang áp dụng mức này.
Theo bảng giá niêm yết của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, giá nhiều dịch vụ đã giảm kể từ ngày 15/8, như: Tiêm, truyền tĩnh mạch giảm từ 100.000 đồng xuống 46.000 đồng; siêu âm giảm từ 300.000 đồng xuống 196.000 đồng; siêu âm tim giảm từ 500.000 đồng xuống 380.000 đồng; siêu âm đầu dò âm đạo, trực tràng giảm từ 500.000 đồng xuống 287.000 đồng; chụp X-quang số hóa giảm từ 300.000 đồng xuống 227.000 đồng…
Đặc biệt, nhiều dịch vụ kỹ thuật cũng giảm sâu, như: Kỹ thuật điều trị thoát vị đĩa đệm qua da dưới hướng dẫn của cắt lớp hoặc cộng hưởng từ giảm từ 13 triệu đồng xuống còn gần 2,4 triệu đồng; chụp cắt lớp vi tính trên ổ bụng tầng thường quy giảm từ 5,6 triệu xuống còn gần 2,4 triệu đồng; phẫu thuật nối tắt tĩnh mạch chủ-động mạch phổi điều trị bệnh tim bẩm sinh phức tạp từ 61 triệu xuống còn hơn 37 triệu; phẫu thuật thay động mạch chủ từ 74 triệu xuống còn 35,2 triệu đồng...
Còn tại Bệnh viện Bạch Mai, từ ngày 15/8, giá khám giáo sư, phó giáo sư, bác sĩ cao cấp là 400 nghìn đồng; giá khám tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa II là 350 nghìn đồng; khám thạc sĩ, bác sĩ là 300 nghìn đồng. Về mức giường dịch vụ được quy định giá mức cao nhất là 4 triệu đồng/ngày.
Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cũng đã điều chỉnh bảng giá mới của dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu từ ngày 15/8. Theo đó, tổng chi phí cho mỗi dịch vụ y tế theo yêu cầu ở bệnh viện giảm nhiều so với trước đây. Ví dụ: Gói sinh mổ (phẫu thuật lấy thai lần đầu) có giá dịch vụ giảm từ 16 triệu đồng còn hơn 6,7 triệu đồng. Gói sinh thường khu dịch vụ giảm từ 14 triệu đồng xuống còn hơn 4,3 triệu đồng…
Bên cạnh đó vẫn còn không ít bệnh viện chưa thực hiện theo Thông tư 13 vì còn đang chờ hướng dẫn của Bộ Y tế.
Theo một số chuyên gia, việc giá nhiều dịch vụ theo yêu cầu tại một số cơ sở y tế giảm nhiều so với mức giá trần của Thông tư 13 là do trước đó, khi xây dựng giá, các bệnh viện đã tính đủ yếu tố cấu thành khi thực hiện dịch vụ và sử dụng những vật tư tốt nhất. Ngoài ra, còn do nhu cầu của người bệnh muốn lựa chọn khung giờ hoặc chuyên gia thực hiện dịch vụ cho mình, nhất là các bệnh viện tuyến cuối. Do đó, mỗi bệnh viện có một khung giá yêu cầu khác nhau. Khi Thông tư 13 có hiệu lực, không còn tình trạng mỗi bệnh viện một mức giá.
Đúng nhưng chưa hợp lý
Đề cập đến Thông tư 13/2023/TT-BYT quy định khung giá và phương pháp định giá khám bệnh theo yêu cầu do bệnh viện công cung cấp, ông Nguyễn Duy Ánh - Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội - cho rằng, Bộ Y tế có quy định về giá viện phí theo yêu cầu là đúng nhưng việc ban hành khung giá cố định như hiện nay chưa hợp lý.
Ông Ánh ví dụ, những ca bệnh yêu cầu "đặt hàng" bác sĩ mổ, chọn giờ mổ vào 3-4h sáng, theo hướng dẫn của Thông tư 13, giá dịch vụ là gần 7 triệu đồng, sau khi trừ chi phí các loại thì còn khoảng 500.000 đồng cho cả ê kip mổ. Với giá này, việc yêu cầu một bác sĩ tay nghề cao, mổ trong hoàn cảnh đêm hôm rất khó. Người bệnh sẽ thiệt thòi vì không yêu cầu được bác sĩ tốt mổ, còn bệnh viện có thể phải đối mặt với chảy máu chất xám.
Cùng nhận định khung giá theo tại Thông tư 13 chưa phù hợp với chi phí thực tế, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cho hay: Ở Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, chi phí khấu hao tại Trung tâm Kỹ thuật cao và tiêu hóa Hà Nội lớn, do đầu tư cơ sở hạ tầng và máy móc đắt tiền. Nếu tính đủ chi phí thì vượt giá tối đa của Bộ Y tế, việc thu trong khung giá dẫn đến thu không đủ chi phí kết cấu trong giá dịch vụ, dẫn đến khó khăn trong vấn đề tự chủ.
Trước lo lắng của nhiều bệnh viện hạng 1 trở lên về việc điều chỉnh giảm giá nhiều dịch vụ kỹ thuật theo yêu cầu sẽ khiến bệnh viện thu không đủ bù chi, ông Vũ Thanh Nam - Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Y tế) cho hay, hiện các bệnh viện, kể cả bệnh viện thuộc Bộ Y tế đang tiếp cận giá này theo hướng "giá được xây dựng để bù đắp chi phí bỏ ra cộng thêm lợi nhuận theo kỳ vọng", trong khi thực tế không phải vậy. Các bệnh viện cần phải tách biệt chi phí và giá. Giá hình thành từ chi phí, cộng với tác động của quy luật cung cầu thị trường, quản lý nhà nước, chính sách, đạo đức, thói quen, hành vi…
Vụ Kế hoạch - Tài chính và Thanh tra Bộ Y tế, Cục Quản lý Khám chữa bệnh sẽ giám sát việc triển khai Thông tư 13 tại các cơ sở y tế, bảo đảm tránh được lạm dụng, ảnh hưởng đến sự phát triển của các bệnh viện, đặc biệt ảnh hưởng đến người bệnh tham gia khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế.
Theo Bộ Y tế, mục đích ban hành Thông tư là tạo cơ sở pháp lý để các cơ sở khám chữa bệnh phát triển và cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu theo đúng định hướng xã hội hóa công tác y tế; hướng dẫn cơ sở khám, chữa bệnh xây dựng bảng giá dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu đúng quy định của pháp luật; khuyến khích cơ sở khám, chữa bệnh nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh, phát huy cơ sở vật chất và đội ngũ y bác sỹ có trình độ chuyên môn cao; góp phần cải thiện thu nhập để cán bộ nhân viên y tế yên tâm phục vụ lâu dài.
Theo Bộ Y tế, giá dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu chỉ áp dụng cho đối tượng là người tự nguyện đăng ký sử dụng các dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu, chiếm tỷ lệ từ 5-10% tại các bệnh viện tuyến tỉnh và Trung ương, tuyến huyện gần như không có. |