Thúc đẩy tiến độ Dự án Nhà máy điện sử dụng khí Lô B – Ô Môn
Ngày 13/11/2018, Bộ Công Thương đã có Công văn số 9218/BCT-ĐL báo cáo Thủ tướng Chính phủ về nội dung thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi các dự án Nhà máy điện Ô Môn III và Ô Môn IV, theo đó tiến độ vận hành thương mại của Dự án Nhà máy điện Ô Môn IV là quý IV/2023 và của Dự án Nhà máy điện Ô Môn III là quý II/2025.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh tiếp Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành cấp cao Mitsui & Co.,Ltd |
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, dự án hạ nguồn quan trọng như Nhà máy điện Ô Môn III và IV luôn dành sự quan tâm, ưu tiên đối với các đối tác tin cậy. Nhất là việc đẩy nhanh tiến độ các dự án, để khớp tiến độ dự án thượng nguồn liên quan đến khí lô B. Ngoài ra, Nhà máy điện Ô Môn III và IV là thành tố quan trọng trong tổng sơ đồ điện VII nhằm đảm bảo cân bằng khuôn khổ điện trong 2 - 3 năm sau đó.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, cần thêm ý kiến của các cơ quan chức năng về hai dự án này. Đối với Dự án Nhà máy điện Ô Môn III, cần làm rõ chi tiết liên quan đến vốn vay ODA của Nhật Bản. Còn đối với Nhà máy điện Ô Môn IV, Thủ tướng Chính phủ đã thống nhất thông qua chủ trương cho phép triển khai các bước tiếp theo của dự án, theo tinh thần sử dụng các vốn vay thương mại. Trong 2 dự án này, Mitsui hoàn toàn có đủ điều kiện tham gia dưới các hình thức khác nhau đặc biệt là các thế mạnh về thiết bị công nghệ.
“Đối với các dự án thượng nguồn, Bộ Công Thương muốn đẩy nhanh tiến độ hơn nữa, triển khai đồng thời cả đàm phán Thỏa thuận bảo lãnh và cam kết của Chính phủ (GGU), đàm phán các nội dung trong Hợp đồng mua bán khí (GSPA), Hợp đồng bán khí (GSA), Hợp đồng vận chuyển khí (GTA), cũng như công tác đấu thầu EPC. Trong tầm trách nhiệm của mình, Bộ sẽ có những chỉ đạo kịp thời, nhất là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) để đẩy nhanh tiến độ dự án. Đồng thời sẽ có báo cáo kịp thời với Thủ tướng và các cơ quan hữu quan” - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định.
Về phía Mitsui, ông Tatsuo Yasunaga cũng nhấn mạnh, Dự án khí lô B là dự án quan trọng và Mitsui luôn thúc đẩy tiến độ dự án này trong những tháng vừa qua. Hiện, vấn đề đàm phán GGU đang ở giai đoạn cuối.
“Mặc dù có một số vấn đề nhỏ cần đàm phán, tuy nhiên, vấn đề lớn hầu như không có. Điều đó có nghĩa là, chúng tôi sẽ phát triển song song cả dự án đầu nguồn và cuối nguồn” - ông Tatsuo Yasunaga cho biết thêm.
Ngoài Dự án Nhà máy điện Ô Môn III và IV, Dự án Cụm khí – điện – đạm Cà Mau cũng được phía doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, theo thiết kế ban đầu, khí lô B sẽ tập trung cung cấp khí cho Trung tâm điện lực ô Môn và Cụm khí – điện – đạm Cà Mau. Dự án Trung tâm điện lực Kiên Giang chỉ được triển khai khi có đủ nguồn khí.
Tuy nhiên, qua tính toán sơ bộ, khí lô B có thể hạn chế về chất lượng, do vậy cung không đủ đáp ứng. Quan điểm của Chính phủ là khí lô B tập trung cho Trung tâm Điện lực Ô Môn. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, trong tương lai, bản thân khí của mỏ tự nhiên không đủ điều kiện duy trì, cân đối cung cầu năng lượng, vì vậy cần sự hợp tác trong lĩnh vực LNG. Bộ trưởng đề nghị Mitsui phối hợp chặt chẽ với Tập đoàn dầu khí Việt Nam triển khai các nội dung đã ký kết trong Bản ghi nhớ về lĩnh vực LNG.
Cũng tại buổi tiếp, ông Tatsuo Yasunaga còn thông tin thêm về việc Mitsui quyết định đầu tư 100 triệu USD vào Công ty Minh Phú chuyên về chế biến thủy sản, đặc biệt là tôm.
“Việc đầu tư vào Công ty Minh Phú của Mitsui với mong muốn nâng cao năng lực sản xuất, tăng cường công nghệ, trang thiết bị về đông lạnh, mở rộng thị trường xuất khẩu tôm của Việt Nam ra nước ngoài. Điều đó cũng thể hiện cam kết của Mitsui trong việc đóng góp vào sự phát triển kinh tế của Việt Nam” - ông Tatsuo Yasunaga nhấn mạnh.