Thúc đẩy nông nghiệp xanh, phát triển bền vững chuỗi rau quả
Ngày 27/2, tại Gia Lai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đã tổ chức hội thảo tổng kết hoạt động năm 2023 và lập kế hoạch năm 2024 của Nhóm công tác PPP (đối tác công tư) về rau quả và ngày hội thu hoạch khoai tây ở Gia Lai.
Hội thảo diễn ra với chủ đề “Thúc đẩy nông nghiệp xanh phát triển bền vững các chuỗi liên kết sản xuất-tiêu thụ và xuất khẩu rau quả".
Tham dự hội thảo có Lãnh đạo các Cục, Vụ, Viện trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lãnh đạo sở, ban, ngành địa phương, thành viên Nhóm công tác PPP về rau quả, các doanh nghiệp quốc tế và trong nước đang đầu tư và kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp- rau quả, các viện/trung tâm nghiên cứu- trường đại học, các tổ chức quốc tế và phi chính phủ có liên quan khác cùng đông đảo bà con nông dân.
Quang cảnh hội thảo |
Phát triển bền vững các chuỗi liên kết sản xuất-tiêu thụ và xuất khẩu rau quả
Những năm vừa qua, ngành nông nghiệp đã có nhiều sáng kiến hợp tác-liên kết, lấy các cụm liên kết sản xuất-chế biến-tiêu thụ làm động lực tăng trưởng. Ngành đã có các giải pháp thu hút các doanh nghiệp “đầu tàu” để dẫn dắt chuỗi giá trị, nâng cao giá trị nông sản và gia tăng thu nhập cho người nông dân, đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào sản xuất, tiết kiệm tài nguyên và giảm phát thải theo hướng nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp công nghệ cao.
Đối với sự phát triển của ngành rau quả nói riêng và toàn ngành nông nghiệp nói chung, hợp tác công tư (PPP) là một công cụ quan trọng để thu hút đầu tư vào chế biến sâu, gia tăng giá trị và đảm bảo an toàn thực phẩm cũng như phát triển các mô hình liên kết chuỗi giá trị ngành hàng tiên tiến, hiệu quả.
Đông đảo nhân viên, đại lý và Ban lãnh đạo của Syngenta có mặt tại sự kiện để chia sẻ niềm vui được mùa của bà con nông dân |
Hội thảo tổng kết 2023 và lập kế hoạch 2024 Nhóm rau quả của PSAV do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (khối Công) và PepsiCo, Syngenta (khối Tư) phối hợp tổ chức với chủ đề “Thúc đẩy nông nghiệp xanh phát triển bền vững các chuỗi liên kết sản xuất-tiêu thụ và xuất khẩu rau quả".
Một trong những hoạt động nổi bật trong khuôn khổ hội thảo này là phiên thảo luận sôi nổi về kế hoạch 2024 của Nhóm Công tác PPP Rau quả với những ý kiến xác đáng từ các thành viên nhóm khối công và tư, các nhà nghiên cứu – trường đại học, lãnh đạo các doanh nghiệp Việt Nam và quốc tế tích cực trong chuỗi giá trị ngành hàng rau quả cũng như các tổ chức quốc tế nhằm phát huy thế mạnh của khối công, khối tư và khắc phục những khó khăn, thách thức nhằm thúc đẩy nông nghiệp xanh, phát triển bền vững các chuỗi giá trị nông sản rau quả.
Ông Lê Quốc Thanh -Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tham gia thu hoạch khoai tây cùng bà con nông dân |
Tại hội thảo, ngoài việc được chia sẻ kinh nghiệm hợp tác thành công trong việc kết nối các đối tác trong chuỗi giá trị sản xuất khoai tây bền vững, giảm phát thải, các đại biểu còn được tham quan mô hình liên kết sản xuất khoai tây bền vững để tìm hiểu các giải pháp về giống; giải pháp canh tác/phân bón; giải pháp quản lý sâu bệnh cũng như các giải pháp về công nghệ drone, tưới, SFI… và tham gia thu hoạch khoai tây chất lượng quốc tế cùng với hàng trăm nông dân tham gia mô hình.
Câu chuyện thành công về chuỗi sản xuất khoai tây khép kín
Chương trình sản xuất khoai tây bền vững do Syngenta, PepsiCo - đồng trưởng Nhóm công tác PPP về rau quả, phối hợp với các đối tác Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Yara, Mimosatek, Netafim_Khang Thịnh, USAIDS, Resonance-dự án GDA và Care-Dự án She Feeds The World (SFtW) triển khai từ năm 2019. Lấy người nông dân là trọng tâm, các doanh nghiệp và đối tác đã xây dựng mô hình sản xuất khoai tây khép kín từ: Chăm sóc đất - giống - Xử lý hạt giống - Thuốc BVTV - Phân bón - Tưới tiêu - Kỹ thuật canh tác - Bao tiêu đầu ra - Chế biến sản phẩm sử dụng năng lượng tái tạo.
Những giải pháp công nghệ trong mô hình liên kết sản xuất khoai tây bền vững đã mang lại những kết quả vượt trội trong 5 năm qua. Cụ thể, năng suất khoai thu hoạch trung bình đạt 23-26 tấn/ha, cao gấp 3 lần so với canh tác truyền thống, thậm chí nơi cao nhất đạt 52 tấn/ha. Mỗi năm tiết kiệm hơn 5 triệu mét khối nước; thu nhập nông dân tăng lên gần 3 lần. Bên cạnh đó, mỗi năm, dự án triển khai tập huấn sản xuất an toàn cho gần 6.000 lượt nông dân, diện tích trồng khoai tây tăng trung bình 20% hàng năm, số hộ nông dân tham gia vào chương trình tăng 10%/năm.
Mô hình hợp tác liên kết sản xuất và tiêu thụ khoai tây bền vững do Syngenta, PepsiCo và các đối tác triển khai từ năm 2019 |
Năm 2023, PepsiCo, Syngenta và các đối tác trong chuỗi giá trị ứng dụng hàng loạt các giải pháp công nghệ mới trong sản xuất khoai tây. Kết quả cho thấy năng suất khoai thu hoạch trung bình đạt 30-34 tấn/ha.
Năm 2023 cũng đánh dấu năm đầu tiên mô hình xuất khẩu 6.000 tấn khoai tây tươi và được khách hàng đánh giá chất lượng cao hơn khoai nhập từ Úc, Canada hay Đức, đồng thời mô hình này đã được nhân rộng ra miền Bắc giúp cải thiện sinh kế cho người nông dân tại các tỉnh trọng điểm trồng khoai tây tại phía Bắc.
Thành công của dự án sản xuất khoai tây bền vững giúp nâng cao thu nhập của người dân, hướng đến phát triển nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải carbon và ô nhiễm môi trường.
Đây là một trong những đóng góp của Nhóm Công tác PPP về rau quả trong quá trình hiện thực hóa chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 và cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của Việt Nam.
Năng suất khoai tây của mô hình khi thu hoạch trung bình đạt 23-26 tấn/ha, cao gấp 3 lần so với canh tác truyền thống |
Ông Nguyễn Việt Hà, Tổng giám đốc PepsiCo Việt Nam chia sẻ, các cơ chế, chính sách trong hợp tác công-tư được xem là nền tảng và là khung pháp lý giúp các đối tác trong quá trình sản xuất khoai tây bền vững. Hợp tác công-tư cũng đưa ra những gợi ý cho doanh nghiệp thấy được những cơ hội và thách thức, đưa thêm những giải pháp hỗ trợ nông dân để có thể là thực hiện tốt nhất quá trình hợp tác công-tư là mang lại hiệu quả tốt nhất cho người nông dân một cách bền vững.
“Doanh nghiệp tự hào và đồng hành với nông dân không chỉ là ở khu vực Tây Nguyên mà sẽ còn mở rộng ra khu vực miền bắc trong thời gian tới. Chúng tôi cần xây dựng vùng nguyên liệu khoai tây chất lượng quốc tế để cung cấp thêm nhà máy thực phẩm mới của công ty sắp xây dựng tại tỉnh Hà Nam, với tổng vốn đầu tư 90 triệu đô-la, dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào khoảng quý 3 năm 2025” - ông Nguyễn Việt Hà cho biết thêm.
Ông Trần Thanh Vũ, Tổng giám đốc Công ty Syngenta Việt Nam cho biết: Dự án sản xuất khoai tây bền vững ở khu vực Tây Nguyên đã thành công, kết nối đầy đủ các đối tác đa dạng trong chuỗi. Nhờ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và các giải pháp nông học mới trong sản xuất, năng suất khoai tây đã tăng mạnh, từ đó gia tăng thu nhập cho người nông dân. Thông qua dự án, đã hình thành vùng nguyên liệu sản xuất bền vững với những sản phẩm bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng. Dự án cũng góp phần giảm phát thải, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu, hướng tới nền nông nghiệp xanh.