Thừa Thiên Huế: Phát triển làng nghề truyền thống gắn với du lịch
Đa dạng các làng nghề, nghề truyền thống
Qua thống kê, hiện Thừa Thiên Huế có 86 làng nghề, 57 nghề truyền thống hoạt động riêng lẻ, được phân bố trên 123 địa điểm có nghề hoạt động theo địa bàn cấp huyện. Đến nay, tỉnh Thừa Thiên Huế đã công nhận 7 nghề truyền thống, 10 làng nghề và 20 làng nghề truyền thống tại 8/9 huyện, thị xã, thành phố.
Du khách trải nghiệm và chụp ảnh tại làng nghề hương trầm tại phường Thuỷ Xuân. TP. Huế. Ảnh: Nguyễn Tuấn |
Ngoài 37 nghề, làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận, vẫn đang phát triển, có khoảng 12 làng nghề cũng đang trên đà phát triển, chiếm khoảng 57% tổng số nghề, làng nghề truyền thống. Số lượng nghệ nhân trong các nghề và làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh đã được Nhà nước công nhận là 41 người, trong đó, TP. Huế có 31 nghệ nhân (3 nghệ nhân nhân dân; 10 nghệ nhân ưu tú và 18 nghệ nhân cấp tỉnh).
Bên cạnh đó, Chương trình mỗi xã mỗi sản phẩm (OCOP) đã góp phần quan trọng trong phát triển sản phẩm truyền thống của các làng nghề, trong đó nhóm “Dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch” được ưu tiên triển khai để phát huy tính cộng đồng, khai thác tiềm năng sản phẩm du lịch nông thôn. Hiện, toàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã có 56 sản phẩm nghề và làng nghề truyền thống được đánh giá, công nhận và phê duyệt kết quả chấm điểm theo tiêu chí sản phẩm OCOP, trong đó, có 4 sản phẩm OCOP về lĩnh vực du lịch: điểm du lịch sinh thái cộng đồng Làng Anor, Du lịch sinh thái Suối Tiên tại huyện Phú Lộc, Du lịch sinh thái gắn với tài nguyên bản địa tại huyện Nam Đông và Dịch vụ du lịch cộng đồng Ngư Mỹ Thạnh.
Du khách nước ngoài thích thú tự tay làm những cánh hoa sen giấy. Ảnh: Hoa giấy Thanh Tiên |
Trao đổi với Báo Công Thương, Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phúc cho biết, sau 8 kỳ tổ chức Festival nghề truyền thống Huế, những nghề và làng nghề truyền thống được hỗ trợ đầu tư máy móc, thiết bị, tăng năng lực sản xuất, bao bì nhãn mác, xúc tiến thương mại..., phát triển rất tốt vừa cung cấp sản phẩm cho đời sống xã hội, đưa vào phục vụ du lịch, làm quà tặng lưu niệm, vừa hình thành điểm đến thu hút các chương trình du lịch như: mây tre đan Bao La, mộc mỹ nghệ Mỹ Xuyên, An Bình, hoa giấy Thanh Tiên, đúc đồng Phường Đúc, gốm Phước Tích, nghề may áo dài truyền thống, giấy trúc chỉ, nghề thêu tranh, nón lá, chế tác kim hoàn, sơn son thếp vàng, nghề pháp lam…
Xây dựng các sản phẩm du lịch từ làng nghề, nghề truyền thống
Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phúc cho biết, hiện nay, có 27 làng nghề đã có các tour tuyến kết hợp hoặc riêng lẻ đến trải nghiệm làng nghề (chiếm 31,4% tổng số làng nghề truyền thống) trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Những năm gần đây, công tác định hướng gắn phát triển làng nghề với các hoạt động du lịch được tỉnh quan tâm, chú trọng nhiều hơn. Các làng nghề cũng chủ động thích ứng linh hoạt với bối cảnh mới, tận dụng có hiệu quả sự hỗ trợ từ chủ trương, chính sách của tỉnh nói trên để phát triển bền vững.
Các tour du lịch làng nghề được hình thành; lồng ghép, kết hợp phát triển du lịch cộng đồng tại các điểm du lịch có nghề, làng nghề như: Chương trình khám phá làng cổ Phước Tích; lưu trú, trải nghiệm các dịch vụ ẩm thực, thưởng trà, vãn cảnh và trải nghiệm kết hợp làng nghề Mộc mỹ nghệ Mỹ Xuyên - Đệm bàng Phò Trạch - Rèn Hiền Lương - Kim hoàn Kế Môn và Mây tre đan Bao La; Chương trình trải nghiệm làng Thanh Tiên với nghề làm hoa giấy và nghề làm tranh dân gian làng Sình…
Theo Giám đốc Sở Du lịch, Thừa Thiên Huế có nhiều nghề và làng nghề truyền thống với những sản phẩm kết tinh giá trị văn hóa của một vùng đất đã được bảo tồn, khôi phục phát triển, hình thành nên những điểm tham quan hấp dẫn phục vụ du khách trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, thời gian qua, việc khai thác tiềm năng, lợi thế trong việc phát triển du lịch gắn với làng nghề và kết nối tour tuyến, đưa du khách về với các nghề, làng nghề còn nhiều hạn chế: phát triển du lịch làng nghề còn mang tính tự phát. Số làng nghề được chọn làm điểm du lịch còn hạn chế so với số lượng các làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh hiện nay.
Thích thú các mô hình làm từ tre tại nhà trưng bày mây, tre đan Bao La. Ảnh: Nguyễn Tuấn |
“Quy hoạch phát triển nghề truyền thống và làng nghề trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 là phát triển nghề truyền thống và làng nghề phải gắn với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, gắn hoạt động sản xuất của làng nghề với các hoạt động du lịch dịch vụ, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Vì vậy, để tiếp tục khai thác phát triển nghề, làng nghề gắn với các hoạt động du lịch theo hướng bền vững, trong thời gian tới ngành du lịch và các ngành liên quan sẽ tiếp tục thực hiện tốt những cơ chế, chính sách về bảo tồn và phát triển làng nghề cũng như phát triển du lịch của tỉnh đã ban hành. Đồng thời thực hiện đồng bộ các giải pháp để tiếp tục đẩy mạnh phát triển du lịch gắn với nghề, làng nghề truyền thống; phát huy giá trị làng nghề vừa có thể phát triển giá trị sản xuất vừa phục vụ phát triển du lịch; trở thành một điểm đến, trở thành loại hình, sản phẩm du lịch thực thụ với nền tảng bề dầy rất hấp dẫn, đặc trưng của làng nghề Huế” - Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh.
Năm 2023, ngành du lịch Thừa Thiên Huế đạt nhiều kết quả khả quan, lượng khách đến địa phương tiếp tục tăng cao, doanh thu từ du lịch ước đạt 6.606 tỷ đồng, đạt mục tiêu đề ra. Trong đó, lượt khách có kết hợp tham quan một trong các nghề, làng nghề truyền thống chiếm khoảng 31% tổng lượt khách. Hàng năm, Thừa Thiên Huế đón khoảng hơn 450.000 lượt khách đến với loại hình du lịch cộng đồng; doanh thu, thu nhập từ dịch vụ và du lịch nông thôn ước đạt 85 tỷ đồng/năm; thu hút được nhiều lao động của vùng nông thôn, các thôn, bản tham gia vào dịch vụ du lịch tại cộng đồng.