Thừa Thiên Huế: Hỗ trợ máy móc tiên tiến phục vụ sản xuất
Trong năm 2021 có 8 đề án ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào các lĩnh vực ưu tiên về chế biến nông sản, chế biến thực phẩm, cơ khí như sản xuất nấm khô đông trùng hạ thảo, sản xuất mỳ lát khô, miến gạo khô, sản phẩm phù trúc... đã tạo ra sản phẩm có chất lượng tốt hơn, giảm chi phí sản xuất, tăng sức cạnh tranh, hiệu quả kinh tế của các cơ sở sản xuất và tăng thu nhập cho người lao động. Ngoài ra, qua việc triển khai đề án, các cơ sở đã nâng cao nhận thức và hoàn thiện các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng sản phẩm tại cơ sở.
Nghiệm thu đề án khuyến công tại hộ kinh doanh thực phẩm chay Phú Lộc |
Theo Trung tâm, đến nay 5 đề án đã được bàn giao và nghiệm thu, với số vốn hỗ trợ khoảng hơn 400 triệu đồng, bao gồm: Đề án ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất mỳ lát khô của Cơ sở sản xuất mỳ lát khô Nguyễn Phi Trung; đề án đầu tư máy móc, tiên tiến vào sản xuất miến gạo khô của Cơ sở Châu Văn Bắc, đề án ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất nấm đông trùng hạ thảo của Hợp tác xã Nông nghiệp xanh NASARA; đề án ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất cửa nhôm của Công ty TNHH SX TM và DV Hưng Thịnh Window và đề án ứng dụng thiết bị tiên tiến vào sản xuất sản phẩm phù trúc của Hộ kinh doanh thực phẩm chay Phú Lộc… Phấn đấu đến hết năm 2021 có thêm 3 đề án sẽ được bàn giao nghiệm thu.
Ông Võ Đại Thọ - Chủ hộ sản xuất, kinh doanh thực phẩm chay Phú Lộc - cho biết, được sự hỗ trợ từ nguồn vốn khuyến công trong việc xây dựng kho đông đã giúp cơ sở tăng thêm sản lượng, doanh thu, bên cạnh đó chất lượng sản phẩm được đảm bảo và giải quyết thêm công ăn việc làm cho người dân.
“Nếu không có sự hỗ trợ thì chúng tôi chưa thể đầu tư kho đông này, do dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến quá trình sản xuất, kinh doanh của cơ sở. Ngành Công Thương không chỉ hỗ trợ về thiết bị, máy móc mà quan trọng hơn hướng dẫn cơ sở hoàn thiện các hồ sơ pháp lý như đảm bảo công tác an toàn vệ sinh thực phẩm, kết nối tiêu thụ sản phẩm, giá trị thương hiệu cơ sở được nâng lên rõ rệt” - ông Thọ cho biết thêm.
Tỉnh Thừa Thiên Huế đang triển khai đề án “Phát triển CNNT tính đến năm 2025” với tổng nhu cầu vốn gần 1.900 tỷ đồng. Trong đó, sẽ ưu tiên tập trung phát triển các nhóm ngành, sản phẩm CNNT có thế mạnh của địa phương về nguồn tài nguyên, lao động thân thiện với môi trường...
Lãnh đạo Sở Công Thương Thừa Thiên Huế cho biết, cùng với đề án phát triển CNNT, định hướng của Thừa Thiên Huế trong thời gian tới là phát triển công nghiệp bền vững theo hướng phát triển kinh tế xanh trên cơ sở khai thác tiềm năng, thế mạnh về nguồn nguyên liệu tại chỗ, nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển theo hướng tăng cường hiệu quả sử dụng nguyên vật liệu và bảo vệ môi trường. Mặt khác, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ nhằm nâng cao trình độ kỹ thuật trong sản xuất CNNT, coi trọng chất lượng và tính đa dạng của sản phẩm, kết hợp giữa công nghệ cổ truyền, tiên tiến để nâng cao chất lượng và tăng năng lực cạnh tranh của sản phẩm CNNT trên thị trường.
Tỉnh Thừa Thiên Huế đang triển khai Đề án “Phát triển CNNT tính đến năm 2025” với tổng nhu cầu vốn gần 1.900 tỷ đồng. Trong đó, sẽ ưu tiên tập trung phát triển các nhóm ngành có thế mạnh của địa phương về nguồn tài nguyên, lao động và thân thiện với môi trường. |