Thừa Thiên Huế: Các hồ chứa thuỷ điện đảm bảo cắt lũ ứng phó bão số 6
Chiều ngày 26/10, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai (PCTT) và tìm kiếm cứu nạn Thừa Thiên Huế có báo cáo nhanh về công tác triển khai, ứng phó với bão số 6(TRAMI).
Theo tin từ Đài Khí tượng thuỷ văn tỉnh Thừa Thiên Huế, hồi 13 giờ ngày 26/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,0 độ Vĩ Bắc; 112,2 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Bắc quần đảo Hoàng Sa, cách Đà Nẵng khoảng 440km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11-12 (103-133km/h), giật cấp 15. Dự báo từ sáng ngày 27/10, trên đất liền ven biển từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi có gió mạnh dần lên cấp 6-7, vùng gần tâm bão cấp 8-9, giật cấp 12. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3.
Hiện tại, mực nước tại các hồ chứa thuỷ điện thấp nên đảm bảo công tác cắt lũ về hạ du. Ảnh: Nguyễn Tuấn |
Từ đêm 26/10 đến ngày 29/10, tại tỉnh Thừa Thiên Huế có mưa to, mưa rất to. Tổng lượng mưa phổ biến 200-350mm, có nơi trên 550mm. Dự báo tác động của mưa lớn có khả năng gây ra lũ quét, sạt lở, trượt lở đất đá ở vùng đồi núi và ven các sông suối nhỏ ở các huyện A Lưới, Nam Đông, Phong Điền, Phú Lộc, thị xã Hương Trà...
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế trực tiếp chỉ đạo và triển khai công tác ứng phó bão số 6, mưa lũ, cảnh báo các vị trí sạt lở đất đến từng sở, ban ngành, địa phương.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, tính đến 16 giờ ngày 26/10, tất cả 1.884 phương tiện tàu thuyền với khoảng 10.685 lao động đã vào bờ neo đậu an toàn. Tàu hàng hải đang neo đậu tại cảng Thuận An, Chân Mây là 20 phương tiện/166 lao động/1999 tấn hàng.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo Chi cục Thủy sản kiểm tra phương án đảm bảo an toàn ao nuôi thuỷ sản, lồng bè, khu neo đậu tránh trú bão trên sông, đầm phá, vũng vịnh…
Về công tác di dời dân, để chuẩn bị ứng phó bão số 6, tỉnh Thừa Thiên Huế lên kế hoạch di dời khoảng 16.349 hộ/52.186 khẩu ứng phó với bão, lụt, lũ quét và sạt lở đất, nước dâng.
Hiện nay, mực nước các hồ thủy lợi, thuỷ điện lớn như Tả Trạch, Hương Điền, Bình Điền đang ở mức thấp, các hồ đang vận hành đảm bảo an toàn. Với dung tích phòng lũ hiện tại, các hồ có khả năng cắt lũ hoàn toàn với trận mưa từ 400-600mm/24h. Trước đó, Sở Công Thương Thừa Thiên Huế đã ban hành công văn về chủ động ứng phó bão số 6 gửi các chủ đập thuỷ điện, các công ty điện lực.
Về phương án dự trữ lương thực, tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành kế hoạch về dự trữ hàng hóa phục vụ phòng chống lụt bão năm 2024 trên địa bàn tỉnh với 100 tấn gạo, 100 tấn mỳ ăn liền. Các cấp, các ngành vận động nhân dân chủ động dự trữ hàng hoá thiết yếu từ 7-10 ngày liên tục để phòng khi thiên tai, lụt bão xảy ra.
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh cho biết, đơn vị sẵn sàng có 30 xe chỉ huy; 11 xe ô tô các loại: 1 xuồng ST-1200; 04 xuồng ST-750; 10 xuồng ST-660; 16 xuồng ST- 450; 01 tàu chữa cháy, 6 thuyền cao su các loại; 3.762 thiết bị cứu sinh; 1.775 áo phao; 1.940 137 nhà bạt… Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đã bố trí 2.000 cán bộ chiến sỹ, 50 ca nô, 60 xuồng, 24 xe chữa cháy, 57 cưa máy, 141 máy nổ, 2.000 áo phao và các dụng cụ, thiết bị khác… để ứng phó với bão số 6...