Thứ bảy 23/11/2024 07:39

Thủ tướng thăm Campuchia: Đường lối đối ngoại nhất quán của Việt Nam

Việc Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 40-41 và các hội nghị liên quan là cơ hội để Việt Nam khẳng định nhất quán đường lối đối ngoại

Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ Vương quốc Campuchia, Chủ tịch ASEAN 2022 Samdech Techo Hun Sen, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ thăm chính thức Campuchia từ ngày 8-9/11, dự Hội nghị Cấp caoASEAN lần thứ 40-41 và các hội nghị liên quan từ 10-13/11/2022.

Hình ảnh và thông tin về chuyến thăm chính thức Vương quốc Campuchia của Thủ tướng Phạm Minh Chính đã được Đài Truyền hình quốc gia Campuchia (TVK) công bố trên các nền tảng phát sóng từ ngày 31/10 (ảnh chụp màn hình). (Ảnh: Huỳnh Thảo/TTXVN)

Đây là chuyến thăm đầu tiên của ông Phạm Minh Chính trên cương vị Thủ tướng Chính phủ và có ý nghĩa quan trọng nhiều mặt. Chuyến thăm diễn ra trong Năm Hữu nghị Việt Nam-Campuchia 2022, chào mừng 55 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.

Đây cũng là dịp hai Thủ tướng rà lại tổng thể quan hệ, từ đó xác định những xung lực mới, động lực mới, biện pháp mới, nhằm thúc đẩy quan hệ hai nước đi vào giai đoạn mới thực chất, hiệu quả, tin cậy hơn.

Việc Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 40-41 và các hội nghị liên quan là cơ hội để Việt Nam khẳng định nhất quán đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước trên tinh thần độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng, đóng góp thực chất cho công việc chung của ASEAN.

Quan hệ thực chất, hiệu quả

Việt Nam và Campuchia thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 24/6/1967. Năm 2005, lãnh đạo cấp cao hai nước đã thống nhất đề ra phương châm mới trong phát triển quan hệ song phương là “Láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài.”

Với định hướng đó, quan hệ hai nước không ngừng được củng cố, phát triển trên mọi lĩnh vực, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước, đóng góp tích cực vào hòa bình, ổn định, hợp tác ở khu vực và trên thế giới.

Trong những năm gần đây, quan hệ chính trị Việt Nam-Campuchia tiếp tục phát triển tốt đẹp. Lãnh đạo cấp cao hai nước duy trì các chuyến thăm, tiếp xúc và trao đổi dưới nhiều hình thức kể cả khi dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp.

Quan hệ hợp tác giữa các bộ, ngành, địa phương hai nước với các cơ chế thiết thực được triển khai ngày càng hiệu quả, đưa quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực ngày càng đi vào chiều sâu.

Các hoạt động ngoại giao nhân dân của Mặt trận, Nhóm nghị sỹ hữu nghị, Hội hữu nghị, các tổ chức đoàn thể quần chúng của hai nước, nhất là tại các tỉnh biên giới diễn ra sôi nổi và rộng khắp, góp phần nâng cao sự hiểu biết của nhân dân, nhất là thế hệ trẻ về truyền thống đoàn kết, hữu nghị, hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau giữa hai dân tộc và nhân dân hai nước.

Hợp tác trên lĩnh vực an ninh, quốc phòng giữa hai nước được tăng cường. Hai bên luôn khẳng định không cho phép bất kỳ lực lượng thù địch nào sử dụng lãnh thổ của mình để gây phương hại cho an ninh của nước kia.

Trên cơ sở các Hiệp ước, Hiệp định và thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao hai nước, các cơ quan chức năng, chính quyền, nhân dân địa phương biên giới hai bên đang phối hợp tích cực triển khai công tác phân giới cắm mốc trên đất liền.

Năm 2019, hai bên đã ký hai văn kiện pháp lý ghi nhận thành quả phân giới cắm mốc khoảng 84% đường biên giới trên đất liền Việt Nam-Campuchia. Hai bên đang nỗ lực đàm phán giải quyết 16% chưa hoàn thành phân giới cắm mốc để tiếp tục xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển bền vững.

Chính phủ hai nước cũng cam kết tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho kiều dân hai bên sinh sống trên lãnh thổ của nhau, phù hợp với luật pháp mỗi nước.

Bài viết "Điểm nhấn tình hữu nghị Campuchia-Việt Nam" của học giả Uch Leang trên trang chủ của Viện Hàn lâm Hoàng gia Campuchia, ngày 5/11 (ảnh chụp màn hình). (Ảnh: Huỳnh Thảo/TTXVN)

Bên cạnh đó, hợp tác kinh tế thương mại, đầu tư giữa hai nước phát triển nhanh chóng và đạt được những kết quả đáng khích lệ. Kim ngạch thương mại hai chiều năm 2021 đạt 9,54 tỷ USD, tăng 79,1% so với năm 2020; 9 tháng của năm 2022 đạt 8,45 tỷ USD, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó Việt Nam xuất siêu sang Campuchia với giá trị 487,7 triệu USD.

Đến nay, Việt Nam có 198 dự án đầu tư còn hiệu lực ở Campuchia với tổng vốn đăng ký đạt 2,92 tỷ USD, đứng đầu ASEAN và trong tốp 5 nước có đầu tư trực tiếp lớn nhất tại Campuchia, đứng thứ hai trong số 79 quốc gia và vùng lãnh thổ Việt Nam có đầu tư.

Các hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam tại Campuchia đã và đang đóng góp tích cực vào công tác an sinh xã hội, sự phát triển thịnh vượng của Vương quốc Campuchia.

Các lĩnh vực hợp tác khác về giáo dục-đào tạo, giao thông-vận tải, văn hóa, y tế, viễn thông... cũng được quan tâm, đẩy mạnh. Hàng năm, Việt Nam cấp hàng trăm suất học bổng dài hạn cho sinh viên Campuchia sang học; số lượng sinh viên Việt Nam sang học tập tại Campuchia ngày càng nhiều.

Hai nước cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, nhất là ở các địa phương giáp biên giới. Việt Nam duy trì các đoàn bác sỹ tình nguyện sang khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho nhân dân nước bạn; các bệnh nhân Campuchia khi sang khám, điều trị bệnh tại Việt Nam được hưởng mức lệ phí khám chữa bệnh như người Việt. Đặc biệt, hai nước luôn quan tâm, giúp đỡ hỗ trợ lẫn nhau trong ứng phó với đại dịch COVID-19.

Hai nước cũng phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn quốc tế, khu vực, tiểu vùng, nhất là Liên hợp quốc, ASEAN và các cơ chế do ASEAN dẫn dắt…, góp phần nâng cao uy tín, vị thế của mỗi nước ở khu vực và trên thế giới.

Đánh giá về triển vọng quan hệ hai nước thời gian tới, Đại sứ Campuchia tại Việt Nam Chay Navuth cho rằng, mục tiêu của hai nước thời gian tới là tiếp tục củng cố tình đoàn kết, hợp tác ngày càng vững mạnh.

Khi các quốc gia trên thế giới vừa mới kiểm soát được dịch COVID-19, đây là cơ hội tốt để hai nước cùng phát triển trên mọi diễn đàn, tiếp tục hỗ trợ lẫn nhau trong các hoạt động đối ngoại ở khu vực cũng như trên thế giới.

Cả Việt Nam và Campuchia đều là thành viên của ASEAN, thành công của Campuchia trên cương vị là Chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2022 không thể thiếu sự đóng góp của Việt Nam, dựa trên tinh thần “giúp đỡ lẫn nhau” của ASEAN.

Năm 2022, hai nước kỷ niệm 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, được chọn là Năm Hữu nghị Việt Nam-Campuchia 2022; Lễ kỷ niệm 55 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Campuchia được tổ chức tại Hà Nội ngày 24/6 với sự tham dự của nhiều lãnh đạo cấp cao của hai nước.

Về định hướng hợp tác trong thời gian tới, Đại sứ Việt Nam tại Campuchia Nguyễn Huy Tăng cho rằng, hai nước tiếp tục thúc đẩy hợp tác mạnh mẽ trong lĩnh vực chính trị để đảm bảo định hướng tổng thể quan hệ hai nước, đẩy mạnh việc giáo dục các tầng lớp nhân, nhất là thế hệ trẻ về vai trò, tầm quan trọng, ý nghĩa chiến lược của mối quan hệ Việt Nam-Campuchia cũng như ý nghĩa sống còn của mối quan hệ này.

Cùng với đó, củng cố, nâng cao niềm tin chính trị, tạo nền tảng xã hội vững chắc cho việc thúc đẩy, tăng cường quan hệ toàn diện hai nước; đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực an ninh, quốc phòng, đối ngoại.

Đây là những trụ cột quan trọng trong quan hệ hai nước, góp phần giữ vững môi trường cho sự phát triển của hai quốc gia; đẩy mạnh hợp tác kinh tế, tạo ra động lực mới, tạo ra nguồn lực đảm bảo cho sự phát triển bền vững quan hệ Việt Nam-Campuchia.

Củng cố đoàn kết, thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN

Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 40-41 và các hội nghị liên quan diễn ra trong bối cảnh thế giới và khu vực chứng kiến nhiều biến động, bất ổn. Đại dịch COVID-19 kéo dài, tình hình Biển Đông, Myanmar, xung đột Nga-Ukraine, Bán đảo Triều Tiên diễn biến phức tạp, đặt ra nhiều hệ lụy đối với hòa bình, an ninh, ổn định và phát triển.

Kinh tế thế giới có những dấu hiệu phục hồi sau dịch bệnh nhưng chưa bền vững, cơ bản do tắc nghẽn chuỗi cung ứng, dịch chuyển trong phương thức hoạt động của các nền kinh tế và thiếu hụt lao động… Châu Á-Thái Bình Dương nổi lên là khu vực phục hồi nhanh song do chịu nhiều tác động nên kinh tế khu vực cũng chưa thực sự bền vững.

Ngày 3/11, trang thông tin điện tử Freshnews đưa hình ảnh Thủ tướng Việt Nam và thông cáo về chuyến thăm chính thức Vương quốc Campuchia của Thủ tướng Phạm Minh Chính (ảnh chụp màn hình). (Ảnh: Huỳnh Thảo/TTXVN)

Trong bối cảnh đó, ASEAN đoàn kết, thống nhất trên nhiều vấn đề, đạt được những kết quả tích cực trong tiến trình xây dựng Cộng đồng.

Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 40-41 và các hội nghị cấp cao liên quan diễn ra tại Phnom Penh (Campuchia), từ ngày 10-13/11/2022 đánh dấu sự nối lại các trao đổi, đối thoại trực tiếp giữa các lãnh đạo sau hơn hai năm bị gián đoạn do dịch COVID-19.

Đây sẽ là dịp các lãnh đạo trao đổi về nỗ lực xây dựng Cộng đồng ASEAN, tăng cường đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN, kiểm điểm và định hướng quan hệ giữa ASEAN với các đối tác, thảo luận về nhiều vấn đề chiến lược ở khu vực, thế giới.

Trong khuôn khổ các hội nghị cấp cao, dự kiến sẽ có hơn 20 hoạt động với sự tham dự của Lãnh đạo các nước ASEAN và 10 đối tác, trong đó có Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 40, Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 41, các Hội nghị Cấp cao ASEAN+1, ASEAN+3 và Cấp cao Đông Á (EAS).

Đối thoại Toàn cầu ASEAN lần thứ 2 cũng sẽ diễn ra với sự tham dự của lãnh đạo các nước ASEAN, đại diện các tổ chức quốc tế lớn để trao đổi về các nỗ lực phục hồi kinh tế ở toàn cầu và khu vực.

Dịp này, ASEAN dự kiến thông báo thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện (CSP) với Mỹ và Ấn Độ. Lãnh đạo các nước cũng dự kiến sẽ thông qua, ghi nhận hơn 100 văn kiện về nhiều lĩnh vực hợp tác quan trọng trong ASEAN, giữa ASEAN với các đối tác.

Nhận lời mời của Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 40, 41 và các Hội nghị Cấp cao liên quan. Chuyến công tác có ý nghĩa quan trọng. Đây là lần đầu tiên Thủ tướng trực tiếp dự các hoạt động của Lãnh đạo ASEAN và giữa ASEAN với nhiều đối tác.

Tại các hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ có các bài phát biểu quan trọng, chia sẻ quan điểm, lập trường, các đề xuất của Việt Nam củng cố đoàn kết, thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN, đẩy mạnh liên kết khu vực, thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực cùng quan tâm, tăng cường quan hệ giữa ASEAN với các đối tác, trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực với cách tiếp cận cân bằng, hài hòa.

Với phương châm chủ động, tích cực và có trách nhiệm, Việt Nam khẳng định nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng, đóng góp thực chất cho công việc chung của ASEAN.

Đây cũng là dịp để Việt Nam thông tin, chia sẻ về các chính sách, nỗ lực, những thành công trong công cuộc phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam sau dịch bệnh.

Cùng với các hoạt động trong khuôn khổ ASEAN, Thủ tướng sẽ có nhiều cuộc gặp, tiếp xúc với lãnh đạo các nước và đối tác để trao đổi về các vấn đề cùng quan tâm./.

www.vietnamplus.vn

Tin cùng chuyên mục

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long thị sát một số dự án trọng điểm tại tỉnh Quảng Trị

Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Ngô Đông Hải được bổ nhiệm giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương

Xung lực mới nâng tầm quan hệ hữu nghị, hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam - Bulgaria

Bộ Công Thương tiên phong cắt giảm, đơn giản thủ tục kinh doanh

Tổng Bí thư Tô Lâm thăm và phát biểu tại Trường Đại học Quốc gia Malaya

Bế mạc Hội nghị ngành Công Thương 15 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên lần thứ X

Thứ trưởng Trương Thanh Hoài: Cần đẩy nhanh đầu tư các dự án năng lượng tái tạo

Đề xuất lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia

Kinh doanh trên sàn thương mại điện tử phải nộp thuế

Nhiều tham luận tại Hội nghị ngành Công Thương 15 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên

Chuyến công tác của Thủ tướng khẳng định uy tín, tạo động lực mới cho quan hệ Việt Nam-Brazil và Việt Nam-Dominica

Báo chí chất lượng cao trong bối cảnh chuyển đổi số

Khai mạc Hội nghị ngành Công Thương 15 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên lần thứ X

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Quan hệ Việt Nam - Cộng hòa Dominica đang mở ra nhiều triển vọng hợp tác

Thủ tướng đề nghị triển khai ngay các dự án thương mại, đầu tư Việt Nam-Dominica

Tuyên bố chung giữa Thủ tướng Việt Nam và Tổng thống Cộng hòa Dominica

Tổng Bí thư Tô Lâm hội kiến Chủ tịch Thượng viện Malaysia

Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị Hạ viện Malaysia tăng cường hợp tác chặt chẽ với Quốc hội Việt Nam

Việt Nam và Malaysia nhất trí thúc đẩy hợp tác hải quân

Tuyên bố chung nâng cấp quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam-Malaysia