Chiến thắng dịch bệnh là chiến thắng của Nhân dân
Công điện 1102 nhấn mạnh yêu cầu đẩy mạnh huy động sử tham gia của nhân dân trong phòng, chống Covid-19. Theo đó kết hợp linh hoạt, hiệu quả giữa tập trung chỉ đạo và phân cấp thực hiện, bảo đảm đáp ứng các yêu cầu về phòng, chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương. Lấy xã, phường, thị trấn là “pháo đài”, người dân là “chiến sỹ”, là trung tâm phục vụ, là chủ thể phòng, chống dịch. Sự tham gia, chấp hành, tuân thủ quy định của người dân đóng vai trò quyết định thành công trong phòng, chống dịch; đây là trách nhiệm, là nghĩa vụ và quyền lợi của mỗi người dân để bảo vệ sức khỏe cho chính mình, gia đình mình và cộng đồng.
“Chiến thắng dịch bệnh là chiến thắng của Nhân dân”- Công điện khẳng định.
Đặc biệt Công điện 1102 yêu cầu, người đứng đầu cấp ủy phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm về kết quả công tác phòng, chống dịch trên địa bàn. Bảo đảm lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất, xuyên suốt, dứt khoát, quyết liệt, hiệu quả. Thành lập Trung tâm chỉ huy phòng, chống dịch các cấp do đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân đứng đầu, quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, ban hành quy chế hoạt động; phân công ứng trực 24/24 giờ để kịp thời tiếp nhận, xử lý, báo cáo theo thẩm quyền mọi vấn đề liên quan phòng, chống dịch trên địa bàn.
Công điện 1102 cũng đặt ra yêu cầu “phải ưu tiên cao nhất cho công tác phòng, chống dịch bệnh. Tuy nhiên, tùy tình hình, cần quan tâm chỉ đạo phát triển các mặt kinh tế - xã hội và các công việc quan trọng khác trên nguyên tắc bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng, chống dịch”.
Công tác vaccine được xem là giải pháp mang tính chiến lược hiện nay- Ảnh: Cấn Dũng |
Huy động sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Công đoàn Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, các đoàn thể xã hội, tổ chức tôn giáo, các tổ chức khác và cộng đồng doanh nghiệp trong công tác phòng, chống dịch, nhất là vận động, hướng dẫn, giải thích, thuyết phục và yêu cầu người dân chấp hành nghiêm việc tăng cường giãn cách xã hội và các biện pháp phòng, chống dịch.
Ưu tiên hàng đầu hiện nay là giảm tử vong
Trong việc tổ chức thực hiện các giải pháp phòng, chống Covid-19 hiện nay, Công điện 1102 đánh giá, tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu, nhất là ở một số xã, phường, thị trấn.
Trong bối cảnh đó, cần tổ chức thực hiện quyết liệt hơn, nghiêm hơn, hiệu quả hơn các giải pháp. Giãn cách xã hội là yếu tố quyết định để hạn chế tối đa lây nhiễm dịch bệnh. Phải tranh thủ “thời gian vàng” giãn cách để kiểm soát dịch bệnh nhanh nhất có thể, không để dịch bệnh lây lan.
Thần tốc xét nghiệm trên diện rộng là then chốt để phát hiện sớm, cách ly nhanh, phân loại kịp thời và điều trị phù hợp, hiệu quả người nhiễm Covid-19 theo quy định của Bộ Y tế.
Đặc biệt, Công điện 1102 nhấn mạnh yêu cầu điều trị giảm tử vong là ưu tiên hàng đầu. Các địa phương chuẩn bị đầy đủ về cơ sở thu dung, chăm sóc điều trị người bệnh và người nhiễm Covid-19, bảo đảm đủ ô xy y tế, thuốc, trang thiết bị, vật tư và nhân lực y tế cho các cơ sở này.
“Tại các xã, phường, thị trấn đang thực hiện tăng cường giãn cách xã hội phải khẩn trương thiết lập các trạm y tế lưu động để bảo đảm hỗ trợ y tế, điều trị người nhiễm COVID-19”- Công điện 1102 nêu rõ
Cùng với việc nhấn mạnh nhiệm vụ vảo đảm an sinh xã hội là trọng yếu, không để bất cứ người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc, Công điện 1102 nêu rõ, vaccine, thuốc điều trị là chiến lược. Tiếp tục đẩy mạnh “ngoại giao vắc xin” để có sớm nhất, nhiều nhất vaccine. Thúc đẩy mạnh mẽ và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất vắc xin trong nước.
Vaccine tốt nhất là vaccine được tiêm sớm nhất- Ảnh: Cấn Dũng |
“Khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân nhập khẩu vaccine nhưng phải bảo đảm vắc xin thuộc danh mục Bộ Y tế cấp phép và rõ nguồn gốc xuất xứ. Bộ Y tế chịu trách nhiệm cấp phép nhập khẩu, kiểm định và tổ chức tiêm chủng”- Công điện chỉ đạo.
Tổ chức tiêm chủng miễn phí, an toàn, kịp thời, hiệu quả, không phân biệt các loại vaccine; không tổ chức tiêm dịch vụ có thu tiền. Trong Công điện, Thủ tướng chỉ đạo thông tin đến người dân tinh thần vaccine tốt nhất là vaccine được tiêm sớm nhất; khắc phục ngay tình trạng chờ đợi lựa chọn vắc xin.
Nhiệm vụ bảo đảm an dân, an ninh, trật tự an toàn xã hội là được nhấn mạnh tại Công điện 1102 là nhiệm vụ quan trọng, nhất là tại các địa phương thực hiện giãn cách xã hội, tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, các cơ sở sản xuất khác... cũng như bảo đảm an toàn, an ninh trên không gian mạng.
Duy trì nguyên tắc“an toàn mới sản xuất, sản xuất phải an toàn”
Thủ tướng yêu cầu các địa phương chịu trách nhiệm chủ động bảo đảm nhân lực, cơ sở vật chất theo phương châm “4 tại chỗ” để thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo đúng chỉ đạo của Trung ương, nhất là tại các địa phương thực hiện tăng cường giãn cách xã hội.
Đồng thời, ưu tiên nguồn lực, tăng cường tiết kiệm chi thường xuyên, nhất là các khoản chi chưa cần thiết, các khoản chi sự nghiệp có tính chất đầu tư, sử dụng tiết kiệm quỹ dự phòng ngân sách, quỹ dự trữ tài chính để tập trung cho phòng, chống dịch. Có phương án và sẵn sàng về nhân lực, trang thiết bị, vật tư y tế, phương tiện, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để kịp thời hỗ trợ các địa phương khác khi có yêu cầu.
Trong Công điện 1102, Thủ tướng chỉ đạo bảo đảm vận tải, lưu thông hàng hóa kịp thời, thông suốt mọi lúc, mọi nơi. Các địa phương thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ với tinh thần chỉ kiểm tra tại điểm đi, điểm đến và bảo đảm các quy định an toàn phòng, chống dịch; bãi bỏ ngay các quy định không phù hợp. Phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các bộ, ngành và các địa phương để xử lý linh hoạt, tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận tải, lưu thông hàng hóa, nhất là hàng hóa thiết yếu phục vụ phòng, chống dịch, phục vụ đời sống nhân dân và nguyên vật liệu sản xuất, hàng hóa xuất nhập khẩu...
Đồng thời, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh ở những nơi đủ điều kiện theo nguyên tắc “an toàn mới sản xuất, sản xuất phải an toàn”. Các bộ, ngành, địa phương lắng nghe phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp, người dân và căn cứ tình hình thực tế, hướng dẫn, tổ chức sản xuất, kinh doanh an toàn. Tăng cường các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp thiết thực, hiệu quả; kịp thời đánh giá, sơ kết, tổng kết các mô hình như: “3 tại chỗ”, “3 cùng”, “1 cung đường 2 điểm đến”, “doanh nghiệp xanh”… để rút kinh nghiệm, hoàn thiện và tổ chức thực hiện phù hợp với diễn biến tình hình.
“Lãnh đạo các cấp ở địa phương thường xuyên gặp gỡ, tiếp nhận, xử lý, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp tại địa phương. Tăng cường kiểm tra, giám sát bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh tại các doanh nghiệp”- Công điện viết.
Cùng đó Công điện 1102 của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, tăng cường công tác truyền thông, bảo đảm thống nhất, kịp thời, chính xác. Giao 1 đầu mối có thẩm quyền ở các cấp chủ động cung cấp thông tin thường xuyên cho người dân về tình hình và các biện pháp phòng, chống dịch.
“Chú ý lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, phản ánh của người dân; kịp thời hướng dẫn, cổ vũ, động viên để Nhân dân biết, hiểu, đồng cảm, tin tưởng và tự giác thực hiện giãn cách xã hội và các biện pháp phòng, chống dịch. Kiên quyết đấu tranh, phản bác các thông tin sai trái, xấu độc”- Công điện viết.