Thủ tướng khảo sát thực tế nhiều bệnh viện tuyến cuối trên địa bàn Hà Nội
Mục đích chuyến đi lần này của Thủ tướng nhằm kiểm tra việc thực hiện các nghị quyết, nghị định của Chính phủ, thông tư của Bộ Y tế, tiếp tục nắm bắt, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để bảo đảm thuốc, vật tư, sinh phẩm, trang thiết bị y tế.
Thủ tướng lắng nghe ý kiến và động viên các y bác sĩ Trung tâm Cấp cứu A9 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Thủ tướng và đoàn công tác đã tới kiểm tra, khảo sát tại Trung tâm Cấp cứu A9 - Bệnh viện Bạch Mai. Tại đây, BS. Nguyễn Anh Tuấn - Giám đốc Trung tâm Cấp cứu A9 - cho biết, trung tâm mỗi ngày tiếp nhận tới 400 bệnh nhân nhưng các cán bộ, y bác sĩ cảm thấy yên tâm làm việc hơn nhiều sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 30 và nghị định 07 tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về mua sắm, đấu thầu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế. Hàng loạt khó khăn, vướng mắc đã từng bước được giải quyết, thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế đến nay đã được bảo đảm tương đối đầy đủ.
Tuy nhiên, lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai cũng chia sẻ, một số loại máy móc chẩn đoán vẫn chưa thể đáp ứng đầy đủ, tốt nhất nhu cầu khám chữa bệnh, nhất là tại các đơn vị khác của bệnh viện, cần tiếp tục khắc phục.
Theo đó, lãnh đạo bệnh viện đề nghị cần sớm ban hành các nghị định, thông tư hướng dẫn về mua sắm, đấu thầu với hiệu lực pháp lý cao hơn; đồng thời sớm triển khai việc tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế.
Bệnh viện cũng đề nghị Bộ Y tế lập các kho thuốc hiếm ở 3 miền, khi cần thiết như trường hợp ngộ độc do botulinum khi người dân ăn cá chép muối ủ chua ở Quảng Nam, các bệnh viện lớn sẽ hỗ trợ chuyên môn và thuốc cho các địa phương, các cơ sở y tế khác; đồng thời quan tâm tiếp tục đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất của bệnh viện.
Tiếp đó, Thủ tướng đã đi kiểm tra, khảo sát đột xuất tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Tại đây, lãnh đạo Bệnh viện Nhi Trung ương nêu những khó khăn liên quan tới quy định trước đây đã được tháo gỡ, không còn vướng mắc gì lớn trong việc mua sắm, đấu thầu. Bệnh viện đã tiến hành mở 27 gói thầu về vật tư tiêu hao, sửa chữa lớn các trang thiết bị… Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng các loại thuốc hiếm chưa được đáp ứng hoàn toàn đầy đủ, kịp thời.
Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, lãnh đạo bệnh viện cho hay, các khó khăn, vướng mắc về mua sắm, đấu thầu cơ bản đã được giải quyết, song một số loại sinh phẩm, vật tư có thể không đáp ứng đủ khi nhu cầu tăng đột biến, một số loại dịch bệnh truyền nhiễm bùng phát.
Bên cạnh đó, lãnh đạo bệnh viện cũng nêu nhiều khó khăn, vướng mắc khác trong hoạt động, nhất là cơ chế tự chủ; xử lý một số loại sinh phẩm, thuốc… phục vụ phòng chống Covid-19 còn tồn đọng…
Lắng nghe các ý kiến, Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương nỗ lực và kết quả rất đáng trân trọng mà các bệnh viện đã đạt được thời gian qua; đồng thời đề nghị các bệnh viện tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm trong đấu thầu, đấu giá thuốc, vật tư, sinh phẩm, thiết bị y tế, vừa chống tình trạng "sợ trách nhiệm", vừa bảo đảm công khai, minh bạch, chống tiêu cực, lợi ích nhóm, đáp ứng tốt nhất nhu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân.
Thủ tướng giao Bộ Y tế khẩn trương hướng dẫn, trong quý II/2023 phải ban hành thông tư để triển khai việc tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế; nghiên cứu, thành lập ngay các trung tâm chuyên dự trữ thuốc hiếm, đặt tại 6 vùng kinh tế - xã hội trên cả nước, giao một bệnh viện hàng đầu tại đó quản lý, điều phối.
Bộ Y tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tiếp tục hoàn thiện cơ chế hợp tác công tư trong lĩnh vực y tế trên tinh thần hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp; nghiên cứu tạo cơ chế thuận lợi, phù hợp với cơ chế thị trường, tinh thần là mọi người chung tay, doanh nghiệp chung tay, người bệnh đóng góp.
Thủ tướng đề nghị các bệnh viện, đội ngũ cán bộ, y bác sĩ tiếp tục tổng kết thực tiễn, tham gia xây dựng chính sách về đầu tư, chính sách với y bác sĩ, chính sách với bệnh nhân; tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang của ngành, đề cao y đức, trách nhiệm của "thầy thuốc như mẹ hiền", "sâu y lý, giỏi y thuật, sáng y đức", đặt tính mạng sức khỏe người dân lên trên hết, trước hết…