Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư: Cần 8 nhóm giải pháp và định hướng ưu tiên năm 2023 |
Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao
Sáng 4/1/2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự hội nghị.
Thủ tướng tham dự Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư |
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Năm 2022, mặc dù có nhiều khó khăn thách thức, nhưng nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự điều hành linh hoạt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tình hình kinh tế - xã hội nước ta đã phục hồi tích cực và đạt những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực; ước cả năm đạt và vượt 13/15 chỉ tiêu kế hoạch đề ra, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng kinh tế phục hồi tích cực, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ước cả năm khoảng 3,15%.
Tăng trưởng GDP ước cả năm đạt khoảng 8,02% (mục tiêu là 6-6,5%). Cùng với đó, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và 3 chương trình mục tiêu quốc gia được tích cực chỉ đạo triển khai thực hiện. Công tác an sinh xã hội được triển khai thiết thực, kịp thời, hiệu quả; quốc phòng, an ninh được tăng cường; độc lập, chủ quyền quốc gia được giữ vững; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm…
Trình bày báo cáo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho rằng, năm 2022, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã kịp thời nghiên cứu, theo dõi, đánh giá và dự báo sát tình hình, tích cực tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các kịch bản phát triển phù hợp, những giải pháp ứng phó kịp thời, giảm thiểu các tác động tiêu cực và đạt được kết quả rất tích cực. Trong đó, nổi bật nhất: Trình Chính phủ báo cáo Bộ Chính trị, Quốc hội ban hành các văn bản quan trọng như Đề án chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; 3 Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển cho địa phương (Cần Thơ, Khánh Hòa, thành phố Buôn Ma Thuột tỉnh Đắk Lắk), các Nghị quyết về phát triển vùng kinh tế - xã hội…
Xây dựng trình Chính phủ ban hành Nghị quyết về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2022; Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, tham mưu và tổ chức tốt công tác triển khai, điều hành kế hoạch đầu tư công năm 2022; xây dựng và giao kế hoạch đầu tư công năm 2023, kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021-2025; xây dựng danh mục và mức vốn cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Tham mưu nhiều các giải pháp mạnh, có trọng tâm, đủ độ sâu và linh hoạt, phù hợp với yêu cầu trong ngắn hạn và trung hạn nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đẩy mạnh liên kết vùng, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, phát triển doanh nghiệp, thu hút dòng vốn FDI chất lượng cao; Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tiếp tục nghiên cứu, cụ thể hóa các chính sách phát huy mô hình kinh tế mới (kinh tế ban đêm, kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn...) và các yêu cầu phát triển bền vững hậu Covid-19; Thực hiện tốt công tác thống kê, bảo đảm thông tin thống kê luôn chính xác, đầy đủ, kịp thời để phục vụ tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý và điều hành kinh tế - xã hội của Đảng, Quốc hội và Chính phủ…
“Kế hoạch và Đầu tư đã hoàn thành xuất sắc, có chất lượng, đúng tiến độ các nhiệm vụ được giao, hoàn thành nhiều đề án, báo cáo lớn theo phân công của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao” – Thứ trưởng Trần Quốc Phương thông tin và cho biết, tính đến ngày 31/12/2022, Bộ đã hoàn thành 565/565 nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.
Đánh giá về báo cáo tổng kết của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bà Nguyễn Thị Hồng – Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng: Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao trong năm 2022. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã phối hợp rất chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước trong việc đưa ra những điều hành chính sách tài chính, tiền tệ, giúp Ngân hàng Nhà nước có thể ứng phó linh hoạt với tình hình, biến động mới của nền kinh tế.
Tăng trưởng GDP ước cả năm đạt khoảng 8,02%, cao hơn mục tiêu là 6-6,5% |
9 nhiệm vụ trong năm 2023
Năm 2023, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết sẽ tập trung vào 9 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, bao gồm: Thứ nhất, tiếp tục cụ thể hóa, triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng XIII và các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương về đổi mới mô hình tăng trưởng, thực hiện hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, phát triển kinh tế tư nhân, định hướng thu hút đầu tư nước ngoài. Tổ chức thực hiện hiệu quả Chiến lược quốc gia về Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư.
Thứ hai, tiếp tục đổi mới phương thức chỉ đạo, điều hành, bám sát tình hình kinh tế thế giới và trong nước để kịp thời tham mưu giải pháp, chính sách phù hợp nhằm thực hiện có hiệu quả mục tiêu, nhiệm vụ của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 đã đề ra.
Thứ 3, rà soát cơ chế chính sách để kịp thời tham mưu điều chỉnh, xử lý những vấn đề thực tiễn đặt ra trong quản lý đầu tư công, rà soát, sửa đổi theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phân công, phân nhiệm bảo đảm quản lý thống nhất, hiệu lực, hiệu quả hoạt động; đồng thời phát huy tính chủ động, sáng tạo, đề cao tinh thần trách nhiệm của từng cấp, từng ngành gắn với cơ chế kiểm soát quyền lực hiệu quả.
Thứ tư, tiếp tục chủ trì tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thực hiện các mục tiêu dài hạn về cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, đẩy mạnh thực hiện ba đột phá chiến lược, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.
Thứ 5, tiếp tục nghiên cứu, cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh để tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp và nhà đầu tư dễ dàng gia nhập thị trường theo quy định của pháp luật. Phối hợp với địa phương về chuyển đổi số trong lĩnh vực đăng ký kinh doanh; có các giải pháp tích cực khuyến khích, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ đăng ký kinh doanh qua mạng điện tử; tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý về đăng ký doanh nghiệp.
Thứ sáu, đẩy mạnh thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong các lĩnh vực do Bộ quản lý; thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, gắn liền với công tác đánh giá, quy hoạch, bổ nhiệm, điều động và luân chuyển cán bộ.
Thứ bảy, nghiên cứu, tham mưu các mô hình kinh tế mới và xây dựng các quy định về cơ chế thử nghiệm các mô hình kinh tế này trình cấp có thẩm quyền ban hành.
Thứ 8, tăng cường công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, nghiêm túc triển khai các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị; tập trung nâng cao hiệu quả công tác quản lý đảng viên; tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Đảng cho bí thư chi bộ và cấp ủy viên. Tiếp tục phát huy hiệu quả công tác dân vận và lãnh đạo các tổ chức đoàn thể, quần chúng. Phối hợp với chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lào động phát huy truyền thống đoàn kết, ý thức trách nhiệm, tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam và Nghị quyết Đại hội V Công đoàn Viên chức Việt Nam.
Thứ 9, khẩn trương ban hành ngay chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP năm 2023 của Chính phủ, tiếp tục chỉ đạo sát sao, đôn đốc việc triển khai thực hiện có hiệu quả các đề án, báo cáo theo Chương trình công tác đã đăng ký, phát huy và nâng cao hơn nữa chất lượng công tác phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan trong thực thi công vụ, bảo đảm hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao.