Ảnh minh họa |
So với niên vụ trước, sản lượng đường giảm 180.500 tấn (giảm 12,73%), đây là năm thứ hai liên tiếp sản lượng đường sụt giảm. Tổng lượng đường bán ra trong 6 tháng đầu năm 2016 là 821.291 tấn, giảm 204.479 tấn so với cùng kỳ năm 2015...
Có một vấn đề gây nhiều phản ứng, tranh luận: Các doanh nghiệp (DN) mía đường trong nước phải đối mặt với hai “cánh quân” đường ngoại đang và sẽ vào thị trường Việt Nam - đường nhập lậu và đường nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan - hai thử thách lớn cho khả năng “tranh đấu” và “sinh tồn” của DN mía đường nội.
Về “cánh quân” thứ nhất, có DN khẳng định, hiện nay, vùng biên giới Tây Nam bộ nhập lậu đường rất dữ, hàng năm khoảng 250.000 - 300.0000 tấn, nhất là khi giá đường trong nước lên cao. Đáng chú ý, mức góp quỹ chống buôn lậu đường chỉ có 2 đồng/kg nhưng vẫn có DN chối từ, cho rằng đó là nhiệm vụ của các cơ quan chức năng.
Vậy, DN mía đường nội làm gì để tự bảo vệ mình trước đường nhập lậu? Đứng cách bờ nhìn lửa cháy chăng?
Với “cánh quân” thứ hai, các DN mía đường nội vừa phản ứng vừa “khẩn cầu... đừng vội nhập đường để ổn định cung cầu”, khi Thông tư 09/2016/TT-BCT ngày 1/7/2016 quy định việc bổ sung hạn ngạch thuế quan nhập khẩu mặt hàng đường năm 2016 với số lượng 100.000 tấn, không kể 85.000 tấn theo cam kết WTO, đường của Hoàng Anh Gia Lai từ Lào đưa về.
Thật khó hiểu với lời “khẩn cầu” cứu nguy đó! Theo thông tin của chính Hiệp hội Mía đường, sản lượng đường niên vụ 2015 - 2016 giảm 180.500 tấn, nếu không nhập khẩu thì lấy gì bù đắp lượng đường thiếu hụt trên thị trường, ổn định cung cầu? Đã vậy, đường tiêu thụ giảm do đâu khi đường nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan chưa về Việt Nam? Phải chăng do giá đường trong nước tăng cao so với đường nhập lậu?
Thực tế, tháng 6/2016, dù đường tồn kho vẫn cao, giá bán buôn đường kính trắng đã vượt ngưỡng 15.000 đồng/kg, cao hơn khoảng 2.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước, nguyên nhân: Các nhà máy đường tăng giá bán để bù đắp chi phí sản xuất. Bên cạnh đó, một số nhà buôn đường trung gian găm hàng, đẩy giá đường lên. Có lẽ đây mới là lý do chính khiến DN mía đường phản ứng với chủ trương nhập khẩu đường?
Khẩn cầu chặn “cánh quân” thứ hai, tạo những khoảng trống trên thị trường, đây là phương thức “tranh đấu” DN mía đường nội để vừa bảo toàn lực lượng vừa tiếp tục đẩy giá đường lên tầm cao mới chăng?
TIN LIÊN QUAN | |
Năm 2016: Nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan 85.000 tấn đường | |
Đấu thầu NK đường theo hạn ngạch thuế quan: Công khai, minh bạch |