Cùng vợ loại bỏ những cây quất bị rụng trái, ông Cao Minh Thanh (thôn Bầu Ốc, xã Cẩm Hà, TP. Hội An) ngậm ngùi: “Năm nay 10 vườn thì hư hết 3 vườn, có những vườn hư toàn bộ, nguyên nhân chính là bị bão dập, ngã hư hỏng cây; mưa lũ quá nhiều gây úng gốc. Hơn 300 cây quất của gia đình vì thế đã hư hỏng”.
Ông Cao Minh Thanh hy vọng, từ giờ đến Tết thời tiết ít mưa để số quất còn lại trong vườn phát triển tốt, bán được giá thành cao hơn, bù lại phần nào chi phí.
Đang chăm sóc công đoạn cuối vườn quất chín rộ, bà Nguyễn Thị Xê, thôn Bầu Ốc, xã Cẩm Hà, TP. Hội An trải lòng: “Qua một năm thiên tai, nhiều trận lụt do mưa lớn kéo dài, vườn quất gia đình có cả ngàn cây bị hư hỏng. May mắn số quất còn lại ở khu đất cao ráo nên sinh trưởng rất tốt, dự kiến sẽ cho trái chín đều, đẹp mọng cho ngày Tết”.
Theo người dân địa phương, cứ bắt đầu từ tháng 10 âm lịch thì thương lái các tỉnh như Đà Nẵng, Thừa Thiên-Huế, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi… tìm đến các nhà vườn để đặt mua. Các thương lái thường mua từ vài trăm đến cả nghìn chậu với nhiều mức giá khác nhau. Chậu quất bình thường thì có giá vài trăm nghìn, chậu to, đẹp thì giá lên đến vài triệu đồng.
"Thường thị trường bị hao hụt về cây thì giá sẽ tăng nhưng năm nay giá mềm hơn năm ngoái; nếu như những năm trước bán hơn 1 triệu đồng/1 cây lớn thì năm nay thương lái trả giá từ 700.000-800.000 đồng/cây", bà Xê cho biết.
Bà Võ Thị Thu Lợi, chủ nhà vườn Nguyễn An, thôn Bầu Ốc, xã Cẩm Hà, TP. Hội An cho biết: Năm nay gia đình trồng hơn nghìn chậu quất. Vào thời điểm này mọi năm, người trồng quất cảnh ở Hội An cơ bản đã "chốt đơn" xong và tập trung vào chăm sóc để giao hàng cho thương lái đúng chất lượng và đúng thời gian. Năm nay, do dịch bệnh COVID-19 khiến ngành du lịch Hội An điêu đứng nên nhiều khách sạn, nhà hàng ở đây cũng chưa nghĩ đến việc trang trí quất lớn, giá cao. Các đơn hàng ở xa cũng đang đắn đo xem xét, đợi tín hiệu tốt từ thị trường. Hiện vườn của gia đình mới có 2 thương lái tới đặt loại cây giá vừa phải.
“Nhìn trước mắt thì thấy khó khăn, nhưng bản thân tôi không cảm thấy lo lắng bởi quy luật thị trường lúc lên lúc xuống, đặc biệt năm nay là một năm kinh tế khó khăn, mình cũng chấp nhận khó khăn chung. Người dân chúng tôi vẫn lạc quan, hy vọng qua tháng Chạp thị trường khởi sắc, quất tiêu thụ tốt, giá cao, chúng tôi vẫn có một mùa Tết ấm", bà Lợi hy vọng.
Ông Nguyễn Thành Được, Chủ tịch Hội Nông dân xã Cẩm Hà cho hay, toàn xã Cẩm Hà có hơn 500 hộ dân chuyên trồng quất cảnh và bán vào dịp Tết Nguyên đán. Sau bão, người dân cố gắng chăm sóc số quất còn lại để bán Tết nhưng tình hình tiêu thụ rất khó khăn. “Vụ quất Tết Nguyên đán 2021, cả xã dự kiến xuất bán 65.000 chậu. Tuy nhiên, thiên tai, dịch bệnh đã khiến 30% quất cảnh bị hư hại. Mấy ngày qua, một vài tiểu thương tới đặt hàng nhưng đưa ra giá cũng thấp hơn 20% so với năm trước”, ông Được cho hay.