Thu hút FDI: Cần cách tiếp cận phù hợp
4 tháng đầu năm, Việt Nam thu hút FDI được 10,8 tỷ USD. Trong đó, vốn đầu tư tăng thêm là 5,29 tỷ USD, tăng 92,5% so với cùng kỳ năm trước.
Việt Nam đang được đánh giá là điểm đến hấp dẫn của nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, để thu hút được những tập đoàn lớn, bên cạnh hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đẩy nhanh tiến trình thực thi chính sách, cần có cách tiếp cận phù hợp.
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông, năm 2021, dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều địa phương trên cả nước phải thực hiện giãn cách xã hội, nhưng dòng vốn FDI vào Việt Nam vẫn đạt 31,15 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2020. Trong đó, vốn đầu tư đăng ký mới và điều chỉnh tăng mạnh, đặc biệt vốn FDI đầu tư mở rộng tăng tới 40,5%.
"4 tháng đầu năm, Việt Nam thu hút được 10,8 tỷ USD vốn FDI. Trong đó, vốn đầu tư tăng thêm là 5,29 tỷ USD, tăng 92,5% so với cùng kỳ năm trước. Điều đó cho thấy, sự tin tưởng của các nhà đầu tư vào môi trường đầu tư, kinh doanh, cũng như chính sách phục hồi kinh tế của Việt Nam sau đại dịch Covid-19" - ông Trần Duy Đông thông tin.
Công nghiệp chế biến, chế tạo hấp dẫn vốn FDI |
Đánh giá cao môi trường đầu tư tại Việt Nam, ông Lance Li – Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển công nghiệp BW - cho rằng: Với việc kiểm soát dịch Covid-19 hiệu quả và tín hiệu tích cực từ bức tranh kinh tế quý I/2022, Việt Nam đã thu hút được cả các nhà đầu tư từ thị trường truyền thống và thị trường mới nổi. Rất nhiều nhà đầu tư đã đến Việt Nam để đặt cơ sở sản xuất.
"Việt Nam đang hấp dẫn nhiều nhà đầu tư nước ngoài, và tôi tin rằng, sẽ ngày càng có nhiều nhà đầu tư coi Việt Nam là một nơi đáng để đầu tư và đến đây để tìm kiếm cơ hội"- ông Lance Li bày tỏ.
Cũng đánh giá cao về môi trường đầu tư tại Việt Nam, ông Pao Jirakulpattana - Phó Chủ tịch Warbung Pincus - Singapore - cho rằng: Việt Nam là sự lựa chọn đang được rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm trong khu vực ASEAN bởi những lợi thế riêng, trong đó, tăng trưởng GDP trung bình mỗi năm lên đến gần 6% chính là cơ hội để Việt Nam thu hút dòng vốn ngoại.
Dù vậy, môi trường đầu tư Việt Nam bên cạnh những mặt tích cực, vẫn còn những "điểm nghẽn" liên quan đến cơ sở hạ tầng, thủ tục hành chính và cả những hạn chế trong thực thi chính sách. Liên quan đến cơ sở hạ tầng, bà Trang Bùi - Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam - cho rằng: Việt Nam đang dành 5,8% GDP mỗi năm để đầu tư cho cơ sở hạ tầng, các chính sách đầu tư cho cơ sở hạ tầng của Việt Nam được quyết định rất nhanh, nhưng quá trình thực thi lại rất chậm so với kế hoạch. Chưa kể, Việt Nam mới tập trung phát triển cơ sở hạ tầng ở một số tỉnh, thành phố, trong khi rất nhiều địa phương có tiềm năng nhưng hạ tầng chưa phát triển, khiến cơ hội thu hút đầu tư vào những địa phương này bị hạn chế.
Còn theo ông Pao Jirakulpattana, hiện một số lĩnh vực của Việt Nam đang nhận được sự quan tâm của các tập đoàn lớn trên thế giới, điển hình như lĩnh vực bán lẻ. Tuy nhiên, vấn đề của Việt Nam hiện nay là thiếu cách tiếp cận với những nhà đầu tư lớn, cùng với đó, thiếu các sản phẩm tài chính và giải pháp tài chính để thu hút được nguồn vốn FDI từ các tập đoàn lớn. Theo đó, Việt Nam cần có những giải pháp để khắc phục tình trạng này.
Để thu hút được dòng vốn đầu tư, ngoài tạo ra môi trường đầu tư, kinh doanh tốt, Việt Nam cũng cần xây dựng một môi trường sống tốt, vì môi trường sống tốt cũng tạo ra những cơ hội thuận lợi để Việt Nam thu hút thêm được dòng vốn đầu tư. |