Thứ năm 24/04/2025 01:00

'Thống nhất đất nước' trong từng khoảnh khắc đời thường

Từ chiếc bánh hình đất nước đến lá cờ trước hiên nhà, người Việt thể hiện tình yêu nước theo cách riêng, lặng lẽ nhưng sâu sắc trong những ngày lễ lớn.

Sáng tạo từ trái tim

Trong những ngày cuối tháng Tư, khi cả nước rộn ràng chuẩn bị chào đón ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, từng con phố, góc quán, mái nhà bỗng trở thành những "bảo tàng sống" - nơi mỗi người dân thể hiện niềm tự hào dân tộc theo cách riêng.

Tại quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), quán cafe K5 đã trở thành điểm hẹn của những ai muốn đắm mình trong không gian đậm chất Việt Nam nhưng cũng không kém phần sáng tạo, thu hút khách hàng ở mọi lứa tuổi.

Quán cafe K5 trang trí những quả bóng có hình cờ đỏ, sao vàng.

Chị Phương Linh - chủ quán cho biết: "Tôi từng nghĩ yêu nước là việc lớn lao lắm. Nhưng rồi tôi nhận ra, đôi khi chỉ cần một ly cà phê mang hình lá cờ Tổ quốc, cũng đủ để ai đó gợi nhớ đến lịch sử".

Tự tay pha những cốc đồ uống với trang trí hình lá cờ, chị Hoàng Anh - chủ quán cafe Leelaa (phố Ô Chợ Dừa - Đống Đa) - chia sẻ: “Khách nước ngoài hỏi tôi tại sao người Việt lại tự hào đến vậy về ngày 30/4. Tôi chỉ nói: Bởi vì chúng tôi từng bị chia cắt. Mỗi điều nhỏ bé kết nối hôm nay đều là thành quả lớn’".

Chị Hoàng Anh - chủ quán cafe Leelaa đang pha chế những món đồ uống với trang trí độc đáo.

Cùng một lòng tự tôn dân tộc, chị Dương Thu Đông - chủ tiệm bánh Cun Cake (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cũng đang tất bật với những mẻ bánh đặc biệt. Mỗi chiếc bánh là một thông điệp, có chiếc mang hình đất nước, có chiếc được khắc hình cờ, có chiếc đơn giản in dòng chữ “Mừng ngày Giải phóng”, “30 -4”...

Tôi làm bánh và tôi kể chuyện đất nước bằng bột, đường, khuôn và lửa”, chị Đông nói, tay lau vội mồ hôi trong lúc sắp xếp bánh lên kệ.

Nhiều khách hàng mua bánh mang về như một món quà lưu niệm đặc biệt. Có người gửi ra Bắc, có người mang vào Tây Nguyên, có người chỉ muốn thắp lên bàn thờ tổ tiên như một lời nhắc nhớ: Đất nước này đã từng chia đôi, nay liền một dải.

Những chiếc bánh kem đậm chất Việt Nam được phân phối tới các quán cafe, nhà hàng.

Chị Trương Nguyễn Thùy Linh (23 tuổi, Hà Nội) lại chọn cách gửi gắm tình yêu nước vào từng chiếc bánh nướng có hình lãnh thổ Việt Nam. Đó không chỉ là một sản phẩm thủ công, mà còn là kết tinh của tinh thần dân tộc và văn hóa ẩm thực bền vững.

Tôi không tự sản xuất, nhưng chọn làm nhà phân phối chính thức cho dòng bánh đặc biệt này, vì tôi tin nó mang thông điệp ý nghĩa”, chị Linh mở đầu buổi trò chuyện. “Mỗi chiếc bánh là hình bản đồ Việt Nam có đầy đủ đất liền, Hoàng Sa, Trường Sa, Phú Quốc. Với tôi, bán sản phẩm này là lan toả sự tự hào dân tộc”.

Chiếc bánh được chế tác từ những thứ từng quen thuộc trong bếp nhà người Việt xưa: củ dền, mật ong, gạo lứt, mè đen, bột nếp, dừa… Từng nguyên liệu nhỏ tưởng như mộc mạc ấy, dưới bàn tay của người thợ khéo léo, lại hóa thành một hình ảnh bản đồ Việt Nam hoàn chỉnh, với đầy đủ đất liền, quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và Phú Quốc.

"Mỗi chiếc bánh như một tác phẩm, có đủ hình hài đất nước. Nếu thiếu một phần lãnh thổ thì tôi nhất định không nhập về bán", chị Linh cười nói, ánh mắt đầy cương quyết. “Đó là tôn trọng sự toàn vẹn lãnh thổ, là danh dự của cả dân tộc".

Những chiếc bánh được chế tác từ những thứ từng quen thuộc trong bếp nhà người Việt xưa. Ảnh: NVCC

Mỗi chiếc bánh có giá 130.000 đồng, phù hợp với giới trẻ cũng chính là nhóm khách hàng chủ lực của thương hiệu này. "Bạn trẻ rất thích. Họ chụp hình, check-in, tặng bạn bè quốc tế. Đó là sự lan tỏa tích cực. Có bạn còn nói: ‘Ăn một miếng bánh là thấy một phần Tổ quốc’".

Một sản phẩm vừa ngon, vừa truyền cảm hứng, vừa mang lại cảm giác tự hào dân tộc. Với tôi, đó là điều đáng quý”, chị Linh chia sẻ.

Yêu nước không cần khuôn mẫu

Kỷ niệm ngày thống nhất không chỉ gói gọn trong những quán cà phê hay tiệm bánh, mà lan tỏa trong đời sống hàng ngày, nơi mỗi người. Từ công sở đến người lao động, từ người già đến người trẻ, đều chọn một cách riêng để thể hiện lòng yêu nước.

Tại một con ngõ nhỏ trên phố Yên Phụ, một không gian vừa truyền thống vừa sáng tạo đã trở thành địa điểm check-in nổi bật. Những dãy tường vàng, mái ngói cũ xen lẫn với các tác phẩm trẻ trung và sắc màu đã biến con ngõ nhỏ trở thành nơi giao thoa giữa ký ức và hiện đại.

Bạn Trần Khánh Huyền đang chụp ảnh với những lá cờ tại con ngõ nhỏ trên phố Yên Phụ.

"Chúng em chụp ảnh ở một nơi vừa giống quê hương xưa, lại vừa như không gian nghệ thuật đương đại. Mỗi tấm hình là một lời nhắn gửi: tuổi trẻ chúng em tự hào là người Việt Nam, ở thế hệ mới nhưng không quên quá khứ", bạn Trần Khánh Huyền (22 tuổi) chia sẻ.

Không chỉ người trẻ, nhiều nhóm trung niên, thậm chí là cao tuổi cũng hòa vào không khí đó. Trước cửa trụ sở Báo Hànộimới, cô Thanh Nhã đang cùng bạn chụp những bức ảnh lưu niệm tại một địa điểm mang đậm dấu ấn của Hà Nội.

Đã 50 năm kể từ ngày đất nước được thống nhất, được sống trong độc lập, chúng tôi trân trọng và mong muốn được lưu giữ khoảnh khắc bình yên này”, cô Lê Thanh Nhã (50 tuổi) nói.

Cô Thanh Nhã cùng bạn chụp ảnh trước trụ sở Báo Hànộimới.

Tại Hồ Gươm, Nhà Hát Lớn... cũng không khó để bắt gặp những nhóm bạn mặc áo dài trắng - màu áo gắn liền với hình ảnh thiếu nữ Việt Nam xưa rạng rỡ tạo dáng bên quốc kỳ.

"Chúng em chọn mặc áo dài trắng và mang theo chiếc nón vẽ hình quốc kỳ ra Nhà Hát Lớn hôm nay vì muốn lan tỏa một vẻ đẹp rất Việt Nam. Áo dài trắng gắn liền với hình ảnh thiếu nữ Việt thời xưa - dịu dàng, tự tôn và đầy bản sắc. Đứng dưới lá cờ Tổ quốc trong ngày thống nhất, em cảm thấy mình được kết nối với quá khứ và hiểu hơn giá trị của hòa bình hôm nay" - chị Linh Kim (20 tuổi) chia sẻ.

Chị Linh Kim (ngoài cùng bên trái) chụp ảnh cùng nhóm bạn trước Nhà Hát Lớn.

Không kèn trống, không cần quá cầu kỳ, nhiều hộ gia đình ở Hà Nội thể hiện lòng yêu nước theo cách đơn giản nhất - treo một lá cờ lớn trước cửa nhà. Lá cờ tung bay trong nắng tháng Tư vừa bình dị, vừa đầy biểu tượng, gợi lại hình ảnh quen thuộc suốt chiều dài kháng chiến và hòa bình.

"Không cần nói nhiều, chỉ cần treo cờ thôi là cả xóm biết nhà này đang cùng cả nước tưởng nhớ ngày đất nước thống nhất", bác Nguyễn Văn Hùng (65 tuổi) ở quận Hoàng Mai, Hà Nội chia sẻ.

Các hộ gia đình treo cờ những lá cờ trước nhà để kỷ niệm ngày Giải phóng.

Trong các tòa nhà cao tầng hay văn phòng hiện đại, ngày 30/4 cũng là dịp để bày tỏ lòng thành kính. Trang trí văn phòng làm việc bằng những lá cờ Tổ quốc, anh Nguyễn Anh Quân - nhân viên thiết kế tại 1 công ty truyền thông tại quận Bắc Từ Liêm - Hà Nội nhấn mạnh, điều quan trọng là tinh thần lan tỏa.

"Chúng tôi không làm rầm rộ, chỉ chọn cách trang trí gọn gàng, tinh tế để mỗi ngày làm việc trong dịp này là một ngày nhắc nhớ về lịch sử. Điều quan trọng là tinh thần lan tỏa, từ lãnh đạo đến nhân viên đều tự hào, đều giữ vững giá trị dân tộc" - anh Quân chia sẻ.

Tại tòa soạn Báo Công Thương, không ai bảo ai, mỗi người tự mang theo một lá cờ Tổ quốc nhỏ, cắm lên bàn làm việc của mình. Cả không gian như hoà chung một nhịp, đồng điệu và trang nghiêm, rực rỡ sắc đỏ thiêng liêng của quốc kỳ, gợi nhắc về một ngày lịch sử không bao giờ phai trong ký ức người Việt.

Những lá cờ đỏ sao vàng xuất hiện trên các dãy bàn làm việc tại toà soạn Báo Công Thương

Thống nhất đất nước không chỉ là ngày 30/4 được đánh dấu trên lịch, mà là dòng chảy trong ký ức và tình cảm của mỗi người Việt. Không ai bắt buộc ai phải thể hiện lòng yêu nước theo một khuôn mẫu.

Có người vẽ cờ trên ly cà phê, có người tạo hình đất nước từ bột bánh, có người mặc áo dài in sao vàng đi dạo phố và cũng có người chỉ lặng lẽ treo lá cờ trước cửa nhà. Nhưng tất cả đều có điểm chung: đó là lòng tự hào dân tộc không thể lay chuyển.

"Yêu nước là chuyện dài lâu. Mỗi người như một chiếc đèn nhỏ. Ghép lại, sẽ thành một bầu trời rực sáng", chị Thu Đông - chủ tiệm bánh Cun Cake khẳng định.

Trong kỷ nguyên hội nhập, giữa bao biến động của đời sống hiện đại, vẫn có một điều không đổi: tình yêu Tổ quốc. Ngày 30/4, với mỗi người dân Việt Nam, luôn là lời nhắc nhở rằng chúng ta đã đi qua chia cắt và nhờ những trái tim không ngừng yêu nước, đất nước mãi thống nhất trong từng nhịp sống đời thường.
Minh Trang
Bài viết cùng chủ đề: Báo Công Thương

Tin cùng chuyên mục

Người dân tất bật chuyển đồ trước ngày dỡ Hàm Cá Mập

Trang sử bằng công nghệ, Báo Nhân Dân công bố đợt truyền thông lớn chưa từng có

Tín dụng chính sách thúc đẩy mô hình nông thôn mới

Thủy điện A Vương đồng hành Quỹ học bổng Vừ A Dính

50 năm thống nhất đất nước và dấu ấn ngành ngoại giao

Chùm ảnh: Tổng hợp luyện diễu binh lần 2 trong không khí hào hùng, trang nghiêm

Thời tiết hôm nay 23/4: Nắng gắt tại nhiều khu vực

Thời tiết biển hôm nay 23/4/2025: Nam Biển Đông có mưa, dông

Hà Nội: Thành lập cụm công nghiệp làng nghề, vốn đầu tư 502 tỷ đồng

Học viện Hải quân đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất

Biển người chào đón các chiến sĩ tham gia luyện diễu binh tối 22/4

Xuất hiện 2 xe tăng T-54 trong chương trình 'Hẹn ước Bắc - Nam'

Bộ Tài chính chuẩn bị cho vận hành sàn giao dịch các-bon

Nơi thức tỉnh vẻ đẹp và tâm hồn bắt đầu từ sự thư giãn: Éclat toả sáng từ bên trong

Giải mã lý do người trẻ vẫn chưa muốn mua nhà

Tra cứu 'phạt nguội' tại chỗ: Giải pháp tránh ùn ứ

Hành khách khổ vì delay, Cục Hàng không đề xuất sửa luật, tăng mức bồi thường

Học sinh nông thôn sáng tạo công nghệ phục vụ sản xuất

Vietcombank tài trợ 10 tỷ đồng xây dựng 4 cầu giao thông nông thôn tại Bến Tre

Vé máy bay đang đắt, đừng bị lừa bởi bẫy giá rẻ