Thứ tư 27/11/2024 10:44

Thời tiết thuận, người trồng mai mừng

Tính đến thời điểm hiện tại, tình hình thời tiết được đánh giá là khá thuận lợi đối với cây mai, hứa hẹn một mùa mai đẹp trong dịp Tết Canh Tý đã cận kề.    

Nhiều khách đặt mai sớm

Tại các nhà vườn trồng mai tết ở khu vực quận Thủ Đức (TPHCM), nhân công đang tất bật tháo dây kẽm uốn cành, tưới nước… để dưỡng cây chuẩn bị cho mùa Tết đã cận kề. Các nhà vườn đều rất vui mừng vì chất lượng mai đến thời điểm hiện tại khá tốt. Theo đó, nếu trời tiếp tục nắng đẹp, lượng mai cung ứng ra thị trường sẽ dồi dào.

Các nhà vườn đều phấn khởi vì thời tiết đang thuận lợi. Ảnh:N.H

Ông Nguyễn Ngọc Phương – chủ vườn mai Phương Bình (phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức) vui mừng cho biết, trời nắng ráo, ít mưa giúp mai ra nụ đều, to và đẹp. Do đó, lượng mai đạt chuẩn để cung ứng ra thị trường năm nay cũng tăng hơn so với năm trước. Dự kiến, vườn mai Phương Bình sẽ đưa ra thị trường khoảng 1.500 gốc mai. Trong đó, nhiều gốc lớn, đẹp đã có khách tới đặt thuê từ sớm, trong đó đa phần là các khách hàng từ Hà Nội và cả Campuchia...

Các gốc mai trong vườn mai Phương Bình có rất nhiều kích thước khác nhau, đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường, dao động từ mức giá khoảng 5 triệu đồng tới gần 1 tỷ đồng/gốc. Tuy nhiên, những năm gần đây, để tiết kiệm chi phí, người chơi mai thường có xu hướng thuê thay vì “mua đứt bán đoạn” như trước kia. Theo đó, giá cho thuê mai thường ở mức 1/3 - 1/5 giá trị cây mai.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Huệ - chủ vườn mai Hai Còn (phường Linh Đông, quận Thủ Đức) cũng cho hay nhiều cây mai đẹp cũng đều đã được “khách mối” tới chọn lựa “xí” trước. Hiện nhà vườn chỉ tập trung vào việc dưỡng mai cho đẹp để tới ngày đem giao cho khách. Theo đó, khoảng 15 tháng Chạp, các nhà vườn sẽ bắt tay vào vặt lá để mai nở kịp Tết.

Tại vườn mai Chí Công (phường Hiệp Bình Chánh), ông Nguyễn Văn Chí Công – chủ vườn cũng phấn khởi cho biết hiện 2/3 lượng mai trong vườn đã có khách đặt thuê. Số mai còn lại cũng đang được vận chuyển ra điểm bán trên đường Phạm Văn Đồng (quận Thủ Đức) để phục vụ thị trường hoa Tết của TPHCM. Các gốc mai tại vườn Chí Công cũng có giá thuê khá đa dạng, từ 15 triệu đồng đến vài trăm triệu đồng/gốc. Theo ông Công, các khách hàng là doanh nghiệp, cơ quan Nhà nước thường chuộng những cây mai có kích thước lớn, bề thế, trong khi đó, các gia đình, đặc biệt là những gia đình sống tại các căn hộ chung cư lại có xu hướng chọn những cây mai có kích thước nhỏ, dáng bonsai, để bàn…

Thời tiết thuận lợi hứa hẹn mang đến một cái Tết vui cho các nhà vườn trồng mai. Bởi năm trước, nhiều nhà vườn đã phải khóc ròng theo những cơn mưa bất chợt khiến mai nở sớm, rụng… Ông Phương ngậm ngùi kể lại câu chuyện đau lòng trong mùa mai năm trước. Theo đó, với hơn 300 gốc mai cho thuê và gần 100 gốc bán được, ban đầu ông thu về hơn 7 tỷ đồng tiền mai Tết. Nhưng do mưa nhiều, mai nở không đạt yêu cầu nên vườn đã phải đổi lại cho khách, kéo doanh thu giảm xuống chỉ còn hơn 4 tỷ đồng.

Các nhà vườn đang tất bật tháo các cọng kẽm dùng uốn cành để chuẩn bị vặt lá. Ảnh:N.H

Rót tiền tỷ đầu tư chờ vụ Tết

Nghe qua con số doanh thu hàng tỷ đồng của một vườn mai, hẳn nhiều người cho rằng trồng mai là nghề mang lại thu nhập cao. Nhưng thực tế, số vốn mà các nhà vườn bỏ ra để đầu tư cũng không hề nhỏ. Chia sẻ với báo Hải quan, ông Phương cho biết, với 14.000 m2 đất thuê để trồng mai, mỗi năm gia đình ông tốn chi phí tới 1 tỷ đồng. Ngoài ra, để chăm sóc cho gần 6.000 gốc mai lớn nhỏ trong vườn, ông còn thuê 30 người làm công với chi phí mỗi tháng khoảng 300 triệu đồng. Như vậy, tính sơ sơ mỗi năm gia đình ông Phương cũng phải chi ra vài tỷ đồng để đầu tư cho cây mai. Trong khi thành quả cả năm chỉ trông vào mỗi vụ Tết và phụ thuộc rất lớn vào thời tiết, thị hiếu của thị trường. Mới đây, để tránh những cơn mưa trái mùa làm giảm chất lượng mai như những năm trước, vừa rồi ông Phương đã đầu tư hơn 1 tỷ đồng để làm hệ thống lưới che cho toàn bộ diện tích trồng mai.

Trong khi đó, tại vườn mai Hai Còn, để không tốn chi phí cho việc thuê người làm, vợ chồng ông Huệ cùng gia đình hai người con trai đều dồn sức cho việc chăm sóc vườn mai. Mặc dù vậy, ông vẫn tốn một khoản kha khá cho việc thuê đất cũng như giá cả các vật tư đầu vào như phân, thuốc, nước tưới liên tục tăng lên. Ngoài ra, việc thuê mặt bằng để bán mai vào mỗi dịp Tết cũng "ngốn" một khoản không nhỏ, chưa kể tới các chi phí vận chuyển khác. Sau Tết, các nhà vườn lại phải đi gom các gốc mai đã cho thuê từ khắp các tỉnh thành về để chăm tiếp cho mùa Tết năm sau, trong khi đó, giá cho thuê cũng như bán mai lại không thể tăng lên. “Giá mai mấy năm nay vẫn ở mức cũ, chỉ cần tăng nhẹ là sẽ mất khách” – ông Huệ chia sẻ. Thậm chí, ông chủ vườn mai Chí Công còn cho hay, với những “mối” quen đã thuê mai nhiều năm, đôi khi còn phải giảm giá đôi chút để giữ chân khách. Hơn nữa, những cây mai đã cho hoa đẹp, được giá cao năm nay thì năm sau thường cũng sẽ kém hơn, nên giá cũng thấp hơn.

Chi phí tăng trong khi giá cả đầu ra không tăng khiến cho thu nhập người trồng mai ngày một giảm. Chính vì vậy, hiện không còn nhiều người gắn bó với nghề trồng mai ở Thủ Đức - nơi từng được mệnh danh là thủ phủ mai vàng của TPHCM. Vườn mai Hai Còn của gia đình ông Huệ cũng đã trải qua không ít thăng trầm, có giai đoạn phải vay tiền ngân hàng để duy trì. Ông Phương tâm sự: "Từ thời ông cố, gia đình tôi đã gắn bó với nghề trồng mai ở khu vực Thủ Đức. Không đành lòng nhìn những vườn mai biến mất dần dưới những căn biệt thự, chung cư cao tầng, nên tôi muốn tìm mọi cách để lưu giữ nghề này”.

Theo Báo Hải quan

Tin cùng chuyên mục

Thừa Thiên Huế: Di dời hơn 200 hộ dân sống ở vùng nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn

Quảng Nam: Sóng lớn lại xé toạc bờ biển Hội An

Quảng Nam: Phát hiện một cá thể voi đi lạc giữa đồng bằng

Quảng Ninh: Đông Triều nỗ lực hướng tới môi trường xanh trong sản xuất, khai thác than

An Giang: Giới thiệu tiềm năng đầu tư và quảng bá sản phẩm đặc trưng

Tuyên Quang: Chia sẻ kinh nghiệm về quản lý, phát triển chợ, siêu thị

Vĩnh Phúc: Nhiều cơ hội phát triển dịch vụ logistics xanh

Khai mạc Hội chợ Nông nghiệp quốc tế Đồng bằng Bắc Bộ 2024 tại Thái Bình

Hạ tầng số hiện đại - 'chìa khóa' để Quảng Ninh tăng tốc chuyển đổi số

Quảng Ninh: Tăng tốc hoàn thành kế hoạch, giữ vững tăng trưởng 2 con số

Lạng Sơn: Phê duyệt mức hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo

Quảng Nam: Mưa lớn gây sạt lở nhiều nơi ở huyện miền núi Bắc Trà My

Sau sắp xếp đơn vị hành chính, thành phố Thanh Hóa sẽ có bao nhiêu phường, xã?

Thừa Thiên Huế: Công điện hoả tốc ứng phó mưa lũ, học sinh được nghỉ học

Nước lũ dâng cao, tỉnh Quảng Ngãi di dời khẩn cấp người dân

Quảng Nam: Mưa lớn gây sạt lở làm sập tường ở điểm trường Răng Chuỗi huyện Nam Trà My

Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh): Hướng tới ‘cái nôi’ giá trị văn hóa lịch sử

Quảng Ninh: Doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh

Sẽ sớm ổn định cuộc sống cho người dân khu tái định cư dự án Trung tâm điện lực Quảng Trạch

Bình Định: Chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu theo chiều sâu