CôngThương - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), ông Võ Văn Quyền cho biết, hiện nay một số loại phân bón chúng ta đã chủ động SX được như urê, NPK và một phần DAP (phân DAP Nhà máy DAP Đình Vũ, Hải Phòng với công suất 330.000 tấn/năm đáp ứng được 30%), các mặt hàng còn lại như kali, SA, MAP... chúng ta vẫn vẫn phải nhập khẩu 100% để phục vụ sản xuất nông nghiệp trong nước.
Theo số liệu của Vụ Thương mại biên giới và miền núi (Bộ Công thương), trong những năm qua, mặt hàng phân bón được nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc qua các cửa khẩu phụ, lối mở trên tuyến biên giới Việt - Trung. Trong đó, cửa khẩu phụ Bản Vược (Bát Xát - Lào Cai) chiếm hơn 90% lượng phân bón nhập khẩu theo đường biên mậu, chủ yếu là phân DAP, urê và một số loại trong nước chưa sản xuất được như MAP, SA, Kali.
Thống kê của Bộ Công thương cho thấy, lượng phân bón nhập khẩu biên mậu qua từng năm cũng tăng đáng kể. Nếu như 2010 chỉ có 80.000 tấn thì 2011 tăng lên 362.000 tấn, sang đến 2012 đạt 560.000 tấn và trong 4 tháng đầu năm 2013 đã nhập khoảng 200.000 tấn.
Chia sẻ với chúng tôi, các DN SX urê, DAP trong nước cho biết, việc mặt hàng phân bón của Trung Quốc nhập qua đường tiểu ngạch, không phải chịu bất cứ loại thuế quan nào đang cạnh tranh không lành mạnh với DN nội địa.
Trước các đề xuất chính đáng của DN SX phân bón trong nước, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Võ Văn Quyền nhấn mạnh, sắp tới Bộ Công thương sẽ có những thay đổi mạnh mẽ các cơ chế, chính sách nhằm giảm dần lượng phân nhập khẩu.
Đặc biệt, đối với những loại phân bón trong nước đã sản xuất được, đáp ứng đủ nhu cầu trong nước, Bộ Công thương sẽ hạn chế hoặc tạm dừng nhập biên mậu qua các cửa khẩu phụ, lối mở biên giới theo từng thời điểm.
Theo Hiệp hội Phân bón Việt Nam, giá phân urê trên thị trường thế giới có thể đã gần chạm đáy sau một thời gian dài trượt dốc. Một số nhà kinh doanh từ Nam Mỹ quay lại thị trường và mua vào với suy nghĩ giá gần chạm đáy.
Giá chào phân urê cao hơn được ghi nhận tại Trung Đông cho hàng hạt đục và hạt trong tại Ai Cập ở mức 352-360 USD/tấn. Thị trường Mỹ cũng rục rịch muốn dò đáy của phân đạm. Ấn Độ đang mua thêm hàng và có thể may mắn tìm được mức giá thấp hơn ít nữa. Tuy nhiên, điều này phần lớn tùy vào thỏa thuận giữa Trung Quốc và Ấn Độ.
Tại Việt Nam, các nhà nhập phân bón đang quan tâm khi urê Trung Quốc bao bì tiếng Anh chào ở mức trên 330 USD/tấn. Đối với hàng bao bì tiếng Trung Quốc, giá chốt thấp hơn một chút. Thị trường urê trong nước vẫn khá vững về nguồn cung khi đạm Phú Mỹ và đạm Cà Mau không thiếu hàng. Lượng hàng urê nhập trong tháng 5 tổng cộng khoảng 33.563 tấn, trong đó trên 28.000 tấn từ Trung Quốc.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, lượng phân bón SA nhập trong tháng 5 gần 100.000 tấn, trong đó từ Trung Quốc khoảng 66.000 tấn, Nhật 20.000 tấn. Lượng phân AN (Ammonium Nitrat) nhập trong tháng 5 khoảng 11.600 tấn, tất cả đều từ Trung Quốc.
Về thị trường DAP và NPK, phân bón DAP thế giới từ ổn định đến yếu nhẹ. Giá phân DAP chào từ Mỹ giao động từ 465-475 USD/tấn. Giá phân DAP và phân NPK trong nước bình ổn. Một số nhà sản xuất NPK lớn trong nước phàn nàn tình hình kinh doanh không thuận lợi, có lẽ do nguồn cung gia tăng từ các nhà máy phân NPK nhỏ lẻ hiện hữu trong khi nhu cầu phân NPK lại thấp hơn mức bình thường.
Số liệu giao dịch trong tháng 5 cho thấy, lượng phân DAP nhập trong tháng 5 xấp xỉ 92.000 tấn, gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước. Nguồn cung ứng chính là từ Trung Quốc, khoảng 67.000 tấn, Nga 17.000 tấn. Tổng lượng nhập phân DAP trong 5 tháng đầu năm lên tới 340.088 tấn, cao hơn cùng kỳ năm 2012 khoảng 81%.
Trong số các thị trường cung cấp mặt hàng phân bón cho Việt Nam, Trung Quốc vẫn là thị trường chính, chiếm 41,9% tổng lượng phân bón nhập khẩu, tương đương với 638.000 tấn.
Được biết, đối với loại phân bón trong nước chưa sản xuất được hoặc đã sản xuất được nhưng chưa đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội địa, Bộ Công thương sẽ tiếp tục cho phép nhập theo từng lô hàng và có thời gian xác định để có thể kiếm soát số lượng phân bón qua đường biên mậu, không ảnh hưởng tới cung cầu trong nước. |