Dây chuyền sản xuất phân bón tại Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao
CôngThương - Sức tiêu thụ yếu, sản lượng giảm
Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy,t hị trường phân bón tháng 8 biến động không nhiều do vụ lúa hè thu ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang thu hoạch và nhu cầu sử dụng phân bón cho vụ thu đông tới chưa đáng kể. Biến động nhiều nhất ở nhóm phân NPK và lân nung chảy. So với tháng 7, sản lượng phân NPK tháng 8 ước đạt 203,1 nghìn tấn, giảm 2%; phân DAP ước đạt 16 nghìn tấn, giảm 31,3% do dây chuyền sản xuất trục trặc làm giảm mạnh công suất. Tính chung 8 tháng so với cùng kỳ, phân NPK ước đạt trên 1,6 triệu tấn, giảm 1,6%; phân DAP ước đạt 166 nghìn tấn, giảm 7,2%.
Hiện một số vùng của ĐBSCL bắt đầu nhưng diện tích xuống giống chưa nhiều nên nhu cầu chưa cao. Mặt khác, các tỉnh miền Đông cũng đã qua thời kỳ chăm sóc cho các loại cây công nghiệp nên trong tháng 9 lượng tiêu thụ phân bón sẽ chậm.
Ông Phạm Mạnh Ninh - Giám đốc Công ty CP Phân lân Ninh Bình - cho biết, so với cùng kỳ năm ngoái, sản lượng NPK sản xuất chỉ bằng 95%. Hiện công ty cũng gặp khó khăn với vấn đề tiêu thụ do giá nông sản xuống thấp, nhất là giá lúa gạo và cà phê, ảnh hưởng trực tiếp tới giá phân bón. Với mặt hàng lân nung chảy, do tiêu thụ chậm nên nhiều DN sản xuất mặt hàng này giảm giá, công ty cũng giảm giá theo. Tuy nhiên vẫn không bán được bởi người nông dân có tâm lý chờ giá xuống thấp nữa mới mua. Riêng với phân NPK, công ty không bị áp lực tồn kho, chỉ còn khoảng hơn 1.000 tấn do công ty sản xuất theo mùa vụ, đặt hàng tới đâu sản xuất tới đó.
Ông Nguyễn Hạc Thúy - Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón: Sức tiêu thụ trong nước yếu và giá các loại phân bón trên thị trường thế giới giảm là nguyên nhân chính kéo giá phân đạm trong nước giảm xuống mức thấp trong một vài tháng tới. |
Cần nhất “tính thời điểm”
Ông Hoàng Văn Tại - Tổng giám đốc Công ty CP phân lân nung chảy Văn Điển - chia sẻ, 8 tháng đầu năm, sản lượng phân NPK của công ty sụt giảm 3% so với cùng kỳ. Đây đang là thời điểm khó khăn của DN vì tháng 9 không phải vào mùa vụ. Thời điểm tiêu thụ phân bón mạnh nhất của công ty là dịp Tết Nguyên đán hàng năm, khi công ty dồn sức cung ứng cho vụ đông xuân. Tuy nhiên, Tết Nguyên đán vừa qua, công ty lại không tiêu thụ được hàng vì bị… cấm đường! (Theo Kế hoạch số 04 của Liên ngành Giao thông vận tải - Công an TP.Hà Nội từ ngày 28/1 đến 25/2/2013, cấm hoạt động trong giờ cao điểm với các loại xe ôtô vận tải có trọng lượng 1,25 tấn). Lệnh cấm đường đến gần 1 tháng đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc tiêu thụ hàng hóa của DN.
Tháng 9 là khoảng thời gian “nhàn rỗi” nhất của công ty vì chưa tới mùa vụ. Hiện công ty đang tồn lượng phân bón khá lớn, lên đến 40.000 tấn tổng sản lượng, trong đó tồn kho NPK khoảng 10.000 tấn. “Để chấm dứt nghịch lý: Thời điểm “nước sôi lửa bỏng” thì bị cấm đường, giai đoạn không mùa vụ thì lại “đường thông hè thoáng”, chúng tôi đề nghị, đến mùa cao điểm, đừng cấm đường” - ông Tại kiến nghị.
Trong bức tranh trầm lắng chung của thị trường phân bón, Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao lại có tín hiệu đáng mừng: 8 tháng đầu năm, tăng trưởng tốt, với sản lượng tiêu thụ phân NPK đạt 620,410 tấn, tăng 6,05% so với cùng kỳ năm ngoái; doanh thu tăng 6%. Bí quyết của DN cũng nằm ở chính tính “thời điểm”: Do nắm bắt được yếu tố thị trường, công ty đã nhập được lưu huỳnh từ nước ngoài đúng thời điểm giá rẻ (chỉ bằng 1/2 giá bình thường) nên so với các đơn vị khác, giá thành NPK của công ty sẽ rẻ hơn. Việc này tạo điều kiện giảm giá thành phân bón cho nông dân, nâng cao năng lực cạnh tranh.