Nguồn cung đa dạng, giá cả ổn định
Theo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), nhìn chung, thị trường các mặt hàng phục vụ Tết khá sôi động, sức mua trên thị trường đối với các nhóm hàng lương thực, thực phẩm hàng tiêu dùng tăng khoảng 15-20% so với các tháng thường và tăng khoảng 10-12% so với Tết năm 2018. Trong tuần cận Tết, nhiều chương trình khuyến mại giảm giá liên tục được các doanh nghiệp áp dụng để cạnh tranh và thu hút nhu cầu mua sắm cuối năm.
Nguồn cung hàng hóa dồi dào trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi |
Bên cạnh đó, với sự phát triển của hệ thống phân phối hiện đại, tại các thành phố lớn xu hướng mua sắm Tết của người dân đến các trung tâm thương mại, siêu thị ngày càng nhiều do mặt hàng đa dạng, chất lượng tốt, giá cả ổn định nhiều sự lựa chọn. Tại các chợ dân sinh, hoạt động mua bán cũng khá tấp nập, chủ yếu tập trung vào các mặt hàng thực phẩm tươi sống, hoa, trái cây, đồ thờ cúng. Ngoài ra, trong dịp Tết Nguyên đán, tại hầu hết các địa phương đều tổ chức các chợ hoa Tết, Hội chợ Xuân... cũng là các địa điểm thu hút đông người tiêu dùng đến tham quan và mua sắm. Hàng hóa tại đây cũng rất đa dạng, hình thức đẹp và được tổ chức vào những ngày cận Tết (từ ngày 25 đến sáng ngày 30 Tết) nên cũng giảm tải cho các chợ truyền thống.
Tại các đô thị, các mặt hàng Tết, nhất là hàng đặc sản vùng miền, hàng nhập khẩu... còn được trao đổi mua bán qua nhiều kênh, nhiều hình thức đa dạng như điện thoại, internet, giao hàng tận nhà... nên đã đáp ứng khá tốt nhu cầu của người dân. Bên cạnh đó, để đáp ứng nhu cầu hàng thực phẩm an toàn, cao cấp, các chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch, trái cây đặc sản, trái cây nhập khẩu ngày càng phát triển mạnh với các thương hiệu như UCA mart, Home food, Big Green, Bác Tôm, Clever fruit, Luôn tươi sạch... cùng với các quầy thực phẩm lớn tại các siêu thị như Vinmart, Intimex, Fivimart, Aeon, Big C, Lotte mart... đã góp phần cung ứng cho thị trường những mặt hàng chất lượng cao.
Đơn cử, với mặt hàng gạo, theo Sở Công Thương các địa phương, từ cuối tháng 11 năm 2018, doanh nghiệp và tiểu thương đã chủ động chuẩn bị nguồn cung gạo phục vụ nhu cầu các tháng cuối năm và Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019. Tuy nhiên, sức mua chỉ thực sự tăng từ sau ngày 23 tháng Chạp. Nguồn cung gạo năm nay nhìn chung tương đối dồi dào, người dân tiếp tục xu hướng chuyển sang dùng gạo chất lượng cao như Séng Cù, Tám thơm, Nàng thơm chợ Đào, Bắc Hương... Ước lượng gạo dự trữ tăng khoảng 15% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu là gạo tẻ chất lượng cao và gạo nếp. Giá gạo tẻ chất lượng cao tăng khoảng 1.000 – 2.000 đồng/kg, tuỳ loại và địa phương. Giá gạo nếp cũng có xu hướng tăng nhẹ so với ngày thường và tăng khoảng 2.000 – 2.500 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước.
Nhằm ổn định giá cả mặt hàng gạo, một số địa phương như Cao Bằng, Sóc Trăng, Đồng Nai…đã có kế hoạch đưa mặt hàng gạo thực hiện Chương trình Bình ổn thị trường với giá bán ổn định và thấp hơn giá thị trường khoảng 5-10% so với giá thị trường. Ước lượng gạo dự trữ tăng khoảng 10-15% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu là gạo tẻ chất lượng cao và gạo nếp. Bên cạnh đó, nguồn cung gạo cho thị trường trong dịp Tết còn được bổ sung từ việc thu hoạch sớm vụ Đông Xuân tại các tỉnh phía Nam nên nguồn cung gạo các loại tương đối dồi dào, thị trường không xảy ra tình trạng mất cân đối cung cầu.
Với thực phẩm, giá các sản phẩm thịt bò và thịt gà ổn định trong suốt cả năm 2018 và bắt đầu tăng vào cuối tháng 1/2019, đặc biệt từ những ngày gần Tết (từ 23 Tết) nhưng mức tăng không lớn do các siêu thị tham gia chương trình bình ổn thị trường vẫn giữ giá ổn định và một số siêu thị có chương trình giảm giá bán thực phẩm tươi sống vào ngày 30 Tết. Các mặt hàng nông sản, thực phẩm khô ổn định. Giá thịt lợn hiện tăng khoảng 6 – 12% so với cuối năm 2018 nhưng cao hơn cùng kỳ năm trước khoảng 7-15%. Giá thịt bò, thịt gà, thủy hải sản tăng khoảng 10-15% so với các tháng thường trước Tết nhưng chỉ tương đương với Tết Mậu Tuất 2018.
Tổ chức tốt hệ thống phân phối
Cũng theo Bộ Công Thương, cùng với việc chuẩn bị nguồn hàng, các địa phương cũng luôn quan tâm tới việc tổ chức tốt hệ thống phân phối để đưa hàng Tết đến tay người tiêu dùng, đặc biệt là hàng bình ổn thông qua việc hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tổ chức các điểm bán hàng Tết, các Hội chợ, phiên chợ Tết, kết hợp Chương trình bình ổn thị trường với các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, khu công nghiệp... Ngoài ra, các địa phương cũng đã tổ chức các hoạt động đưa hàng hóa phục vụ bà con đón Tết tại các xã huyện vùng sâu, vùng xa, các xã đảo cách xa đất liền.
Trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, ngoài Kiên Giang là địa phương luôn dành một phần ngân sách tỉnh để hỗ trợ chi phí vận chuyển cho các doanh nghiệp tham gia Chương trình bình ổn đưa hàng ra các xã đảo và các xã vùng sâu, biên giới, các địa phương khác như Đà Nẵng, Bình Thuận, Cần Thơ, Đồng Nai... cũng hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc đưa hàng về phục vụ bà con tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng có nhiều khó khăn.
Tại các siêu thị, trung tâm thương mại nhất là các đơn vị tham gia chương trình bình ổn, giá hàng hóa tương đối ổn định. Trên thị trường, hàng Việt Nam ngày càng chiếm ưu thế với chất lượng khá tốt và giá cả hợp lý, được người tiêu dùng ưu tiên lực chọn. Các hàng bánh mứt kẹo, đồ uống cũng không có biến động lớn chỉ tăng khoảng 5-7% so với cùng kỳ năm trước, nguồn cung đa dạng, đáp ứng tốt nhu cầu của người dân.
Ngày Mùng 1 Tết, hoạt động mua bán diễn ra rất ít, người dân chủ yếu đi chúc Tết, lễ chùa. Từ ngày mùng 2 Tết, sau thời gian nghỉ, một số doanh nghiệp phân phối và các hộ kinh doanh cá thể tại các chợ đã bắt đầu mở cửa khai xuân bán hàng trở lại, nhu cầu trong những ngày này chưa cao và chủ yếu tập trung vào các mặt hàng rau xanh, trái cây, thực phẩm tươi sống và các mặt hàng phục vụ việc thờ cúng. Do nguồn cung khá dồi dào, đáp ứng tốt nhu cầu, sức mua không lớn nên giá phần lớn các mặt hàng đã giảm so với những ngày cận Tết, một số mặt hàng như thủy sản, rau xanh, hoa tươi tương đương so với những ngày cận Tết. Thị trường tương đối ổn định, không có hiện tượng mất cân đối cung cầu gây tăng giá bất thường.