Thị trường hàng hóa ngày 9/1/2024: Giá dầu lao dốc, giá ngô rơi xuống sát vùng đáy trong 3 năm
Số liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, chốt ngày giao dịch hôm qua (8/1), sắc đỏ hoàn toàn chiếm ưu thế trên bảng giá hàng hoá nguyên liệu.
Đã có 22/31 mặt hàng đang được giao dịch liên thông thế giới đồng loạt giảm giá, kéo chỉ số MXV-Index quay đầu giảm 1,37% xuống 2.089 điểm. Giá trị giao dịch đạt gần 4.500 tỷ đồng.
Giá dầu lao dốc do lo ngại nhu cầu yếu
Theo MXV, kết thúc ngày giao dịch đầu tuần 8/1, giá dầu lao dốc do lo ngại nhu cầu yếu. Ngoài ra, lực bán cũng được thúc đẩy sau khi có báo cáo cho thấy nhóm phiến quân Houthi và các chủ tàu đã có được một số thỏa thuận thống nhất về việc di chuyển an toàn. Chốt phiên, giá dầu WTI giảm 4,1% xuống 70,77 USD/thùng. Dầu Brent giảm 3,4% xuống 76,12 USD/thùng.
Bảng giá năng lượng |
Thị trường dầu chứng kiến lực bán mạnh ngay từ đầu phiên sau khi nhà xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới Saudi Arabia giảm mạnh giá bán dầu Arab Light kỳ hạn tháng 2/2024 sang châu Á. Trong bối cảnh cạnh tranh từ các nhà cung cấp đối thủ và lo ngại về nguồn cung gia tăng, tập đoàn năng lượng nhà nước Saudi Aramco đã giảm giá bán chính thức (OSP) dầu Arab Light kỳ hạn tháng 2/2024 sang châu Á thêm 2 USD/thùng xuống còn 1,5 USD/thùng so với báo giá của Oman/Dubai, mức thấp nhất kể từ tháng 11/2021. Mức cắt giảm lớn nhất trong 13 tháng, nhưng phù hợp với kỳ vọng của thị trường, cho thấy thị trường vật chất duy trì trạng thái suy yếu.
Giá dầu lao dốc do lo ngại nhu cầu yếu |
Cũng góp phần gây áp lực lên giá dầu, khảo sát của Reuters cho thấy sản lượng dầu của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đạt mức trung bình 27,88 triệu thùng/ngày trong tháng 12/2023, tăng 70.000 thùng/ngày so với tháng trước, với mức tăng lớn nhất đến từ Iraq và Angola. Nhu cầu yếu, trong khi nguồn cung có dấu hiệu gia tăng, sẽ làm tăng mức độ thặng dư trên thị trường, đè nặng lên giá dầu.
Đáng chú ý, áp lực bán gia tăng mạnh mẽ sau khi ShippingWatch báo cáo rằng một số công ty vận tải biển đã đạt được thỏa thuận đi lại an toàn với nhóm phiến quân Houthi, giảm bớt tâm lý lo ngại về sự gián đoạn nguồn cung tại Biển Đỏ, một trong những tuyến đường vận chuyển huyết mạch của thế giới. Tuy nhiên, hai hãng vận tải lớn là Maersk và Hapag-Lloyd đã phủ nhận có thỏa thuận này.
Bên cạnh đó, theo dữ liệu của Intercontinental Exchange Inc (ICE) và Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai Hàng hóa (CFTC), các quỹ phòng hộ đã bổ sung khoảng 61.000 vị thế bán đối với hợp đồng tương lai và quyền chọn dầu Brent và WTI trong tuần kết thúc vào ngày 2/1. Đây là mức mở vị thế bán lớn nhất kể từ tháng 3/2023 và lớn thứ hai kể từ năm 2017, cho thấy các nhà đầu cơ đặt cược giá sẽ giảm mạnh trong thời gian tới.
Giá ngô rơi xuống sát vùng đáy trong 3 năm
Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), khép lại phiên giao dịch đầu tuần, giá ngô tiếp tục lao dốc phiên thứ hai liên tiếp, xuống sát vùng thấp nhất trong ba năm qua. Lực bán được đẩy mạnh do ảnh hưởng từ đà lao dốc của giá dầu thô, bất chấp thông tin giao hàng xuất khẩu của Mỹ đã cải thiện trong tuần trước. Bên cạnh đó, triển vọng xuất khẩu của Ukraine cũng góp phần tác động đến giá.
Bảng giá nông sản |
Cụ thể, Bộ trưởng Kinh tế cho biết trong tháng 12/2023, xuất khẩu bằng vận tải đường biển đã tăng 30,7% so với tháng trước. Điều này phản ánh hiệu quả của các hành lang xuất khẩu mới trên Biển Đen được quốc gia này xây dựng vào tháng 8 năm ngoái. Ngoài ra, quốc gia này cũng đặt mục tiêu tăng xuất khẩu hàng hóa từ Ukraine thêm 9% vào năm 2024, nhằm hướng tới mức ổn định trước chiến tranh. Thông tin này đã đặt ra kỳ vọng cho thị trường về nguồn cung ngũ cốc tại một trong những quốc gia sản xuất lương thực quan trọng sẽ gia tăng trong thời gian tới, đồng thời tạo áp lực ngắn hạn tới giá.
Ở một diễn biến khác, Ban thư ký ngoại thương Brazil (Secex) mới đây cho biết nước này đã xuất khẩu mức kỷ lục 55,9 triệu tấn ngô trong năm 2023, tăng gần 30% so với năm trước đó. Nguồn cung dồi dào từ vụ thu hoạch trong năm, cùng với nhu cầu nhập khẩu cao, đặc biệt là từ Trung Quốc, đã giúp Brazil đạt được kết quả trên. Hoạt động xuất khẩu tích cực của quốc gia Nam Mỹ này càng gia tăng áp lực cạnh tranh đối với ngô Mỹ.
Trong khi đó, lúa mì là mặt hàng giảm mạnh nhất trong nhóm nông sản, khi lao dốc 3,21% vào hôm qua. Nguyên nhân chính thúc đẩy phe bán trong phiên vừa rồi chủ yếu đến từ yếu tố kỹ thuật và đà giảm chung của cả nhóm.
Ngoài ra, tin đồn Trung Quốc mua thêm lô hàng lúa mì mới từ Mỹ cuối tuần trước không được xác nhận trong ngày hôm qua đã gây ra một số thất vọng cho thị trường. Điều này phản ánh sự sụt giảm trong nhu cầu của quốc gia Châu Á này với lúa mì Mỹ, đồng thời góp phần củng cố đà giảm của giá trong phiên vừa rồi.
Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong sáng hôm qua (8/1) giá ngô Nam Mỹ nhập khẩu về cảng nước ta tương đối ổn định. Tại cảng Cái Lân, giá ngô Nam Mỹ chào bán trong khoảng 6.650 đồng/kg. Đối với kỳ hạn giao quý II, giá chào bán dao động ở mức 6.600 - 6.650 đồng/kg. Trong khi đó, giá chào bán ngô nhập khẩu tại cảng Vũng Tàu ghi nhận thấp hơn 50 đồng/kg so với giá giao dịch tại cảng Cái Lân.
Giá một số hàng hóa khác
Bảng giá nguyên liệu công nghiệp |
Bảng giá kim loại |