Thị trường hàng hóa hôm nay 9/12: Giá cà phê thế giới diễn biến trái chiều Giá cà phê hôm nay 11/12/2024: Giá cà phê tăng 2.000 đồng/kg |
Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), sắc xanh áp đảo trên bảng giá hàng hóa nguyên liệu thế giới trong phiên giao dịch ngày hôm qua (10/12). Đóng cửa, chỉ số MXV-Index tăng 0,39% lên 2.221 điểm. Đáng chú ý, trên thị trường nguyên liệu công nghiệp, giá mặt hàng cà phê Arabica tiếp tục chinh phục kỷ lục lịch sử khi tiến sát mốc 7.400 USD. Bên cạnh đó, thị trường nông sản cũng có 5 trên 7 mặt hàng đồng loạt tăng giá tích cực, trong đó ngô ghi nhận phiên tăng thứ tư liên tiếp.
Chỉ số MXV-Index |
Giá cà phê Arabica chinh phục đỉnh mới
Khép lại phiên giao dịch ngày hôm qua, bảng giá các mặt hàng nhóm nguyên liệu công nghiệp chứng kiến phân hóa sắc xanh và đỏ. Đáng chú ý, giá hai mặt hàng cà phê cùng biến động mạnh, khởi sắc so với mức tham chiếu.
Trong đó, giá cà phê Arabica tăng 1,23%, tiếp tục neo tại mức cao nhất trong 47 năm và đã có thời điểm trong phiên chạm mức cao nhất lịch sử khi tiến sát mốc 7.400 USD/tấn. Giá cà phê Robusta ghi nhận phiên tăng thứ 5 liên tiếp sau khi nhích thêm 0,62% trong phiên hôm qua. Lo ngại về nguồn cung tại Brazil giữ nhịp tăng giá bất chấp áp lực chốt lời.
Bảng giá nguyên liệu công nghiệp |
Volcafe hạ dự báo sản lượng cà phê Arabica Brazil niên vụ 2025 - 2026 xuống còn 34,4 triệu bao, giảm khoảng 11 triệu bao so với ước tính tháng 9 sau khi khảo sát thực tế cho thấy mức độ nghiêm trọng của đợt hạn hán kéo dài. Đồng thời, Volcafe dự báo thâm hụt cà phê Arabica toàn cầu năm 2025 - 2026 ở mức 8,5 triệu bao, cao hơn mức thâm hụt 5,5 triệu bao của niên vụ 2024 - 2025 và là năm thâm hụt thứ 5 liên tiếp.
Lo ngại về triển vọng nguồn cung cà phê niên vụ 2025 - 2026 của Brazil tiếp tục gia tăng khi lượng mưa duy trì dưới mức trung bình lịch sử. Somar Meteorologia báo cáo lượng mưa tại Minas Gerais, bang trồng cà phê Arabica lớn nhất Brazil trong tuần trước chỉ đạt 60,9 mm, bằng 91% lượng mưa trung bình trong lịch sử.
Dù vậy, Brazil cùng các quốc gia sản xuất lớn tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu cà phê sau thu hoạch niên vụ 2024 - 2025, góp phần bổ sung nguồn cung cho thị trường trong ngắn hạn và tạo áp lực lên giá. Hiệp hội Những nhà Xuất khẩu Cà phê Brazil (CECAFE) công bố trong tháng 11, quốc gia Nam Mỹ này đã xuất khẩu 4,66 triệu bao cà phê loại 60 kg, tăng 5,4% so với cùng tháng năm 2023. Tính chung 11 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu cà phê của Brazil đã đạt kỷ lục gần 46,4 triệu bao, vượt 3,78% so với mức cao nhất ghi nhận năm 2020 và tăng 32,2% so với cùng kỳ năm 2023. Trước đó, Chính phủ Brazil công bố trong tháng 11, nước này xuất khẩu hơn 285.000 tấn cà phê nhân, tăng 21,6% so với cùng kỳ năm 2023.
Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo sản lượng cà phê niên vụ 2024 - 2025 của Việt Nam đạt 30,1 triệu bao loại 60 kg, tăng 1,1 triệu bao so với dự đoán của USDA trụ sở tại Mỹ và cao hơn 2,6 triệu bao so với niên vụ 2023 - 2024. Sản lượng tăng kéo theo xuất khẩu dự kiến đạt 26,9 triệu bao, tăng 380.000 bao so với dự báo ban đầu của USDA và cao hơn 2,52 triệu bao so với vụ 2023 - 2024.
Tại thị trường nội địa, giá cà phê tại Tây Nguyên và Đông Nam bộ trong sáng nay (11/12) dao động quanh mức 124.200 - 124.700 đồng/kg, tăng 700 - 1.200 đồng/kg so với hôm qua. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm ngoái giá cà phê hiện đã tăng gấp đôi.
Giá ngô tăng phiên thứ tư liên tiếp sau báo cáo WASDE
Theo MXV, giá ngô tăng hơn 1,6% trong phiên hôm qua, nối dài chuỗi tăng phiên thứ 4 liên tiếp. Thị trường được hỗ trợ bởi các số liệu tích cực từ báo cáo cung - cầu nông sản Thế giới (WASDE) tháng 12.
Bảng giá nông sản |
Báo cáo tháng này tập trung vào nhu cầu nội địa đối với ngô. Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) tăng dự báo tiêu thụ ngô cho hoạt động sản xuất ethanol thêm 50 triệu giạ so với báo cáo trước, lên mức 5,5 tỷ giạ. Dự báo xuất khẩu cũng được điều chỉnh tăng 150 triệu giạ nhờ nhu cầu tích cực thời gian gần đây. Điều này khiến tồn kho cuối niên vụ 2024 - 2025 của Mỹ giảm 200 triệu giạ so với báo cáo tháng trước, xuống còn 1,74 tỷ giạ, thấp hơn khoảng dự đoán của thị trường và mức 1,76 tỷ giạ trong niên vụ trước.
Đối với số liệu thế giới, tồn kho ngô cũng giảm mạnh xuống còn 296 triệu tấn, so với mức 304 triệu tấn trong tháng 11 và thấp hơn nhiều so với mức 316,2 triệu tấn của niên vụ 2023 - 2024. Con số này gây bất ngờ khi nằm dưới khoảng dự đoán của giới phân tích, góp phần giải thích cho việc giá tăng vọt sau báo cáo.
Tương tự diễn biến chung của hầu hết các mặt hàng, giá đậu tương cũng ghi nhận mức tăng nhẹ trong phiên hôm qua. Khác với ngô, lực mua đối với thị trường không đến từ báo cáo WASDE mà chủ yếu từ triển vọng nhu cầu tích cực của Trung Quốc.
Trong báo cáo lần này, USDA không thực hiện nhiều thay đổi đối với đậu tương. Cơ quan này giữ nguyên dự báo tồn kho cuối kỳ của Mỹ ở mức 470 triệu giạ, với các số liệu về cung - cầu đều duy trì như báo cáo tháng trước. Đối với số liệu toàn cầu, tồn kho đậu tương cuối niên vụ 2024 - 2025 được điều chỉnh tăng nhẹ lên mức 131,87 triệu tấn, từ mức 131,74 triệu tấn trong tháng 11. Dự báo sản lượng đậu tương của Argentina được nâng lên mức 52 triệu tấn, trong khi Brazil giữ nguyên ở mức 169 triệu tấn.
Về mặt nhu cầu, triển vọng nhập khẩu tích cực từ Trung Quốc vẫn là yếu tố đáng chú ý. Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan nước này, Trung Quốc đã nhập khẩu 7,15 triệu tấn đậu tương trong tháng 11, thấp hơn kỳ vọng do lượng hàng từ Brazil giảm. Mặc dù vậy, các chuyên gia cho biết nhập khẩu của nước này trong cả năm nay dự kiến vẫn vượt mức kỷ lục của năm ngoái khi nhập khẩu có thể tăng mạnh trong tháng 12. Đây là yếu tố giúp phe mua chiếm ưu thế trên thị trường trong phiên hôm qua.
Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong ngày 10/12, giá chào khô đậu tương Nam Mỹ về các cảng nước ta giảm nhẹ. Tại cảng Vũng Tàu, giá chào khô đậu tương kỳ hạn giao tháng 1/2025 ở mức 10.550 đồng/kg, trong khi kỳ hạn tháng 2/2025 dao động quanh mức 10.400 - 10.550 đồng/kg. Tại cảng Cái Lân, giá chào bán cao hơn khoảng 100 - 150 đồng/kg so với cảng Vũng Tàu.
Giá một số loại hàng hóa khác
Bảng giá kim loại |
Barng giá năng lượng |