Thị trường hàng hóa tháng 3 "giảm nhiệt" so với 2 tháng Tết |
Ông Võ Văn Quyền – Tổ phó Tổ Điều hành thị trường trong nước, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho hay, cũng trong tháng 3, do ảnh hưởng của dịch cúm gia cầm tại một số nước lân cận và nguồn cung một số mặt hàng tăng vì vào vụ thu hoạch nên giá nhiều loại thực phẩm như gà, rau củ vụ Đông giảm mạnh. Các mặt hàng nhóm nhiên liệu năng lượng do tác động của giá thế giới nên cũng có xu hướng giảm.
Nhìn chung, trong cả quý 1, thị trường hàng hóa chủ yếu sôi động với các hoạt động phục vụ Tết. Do công tác chuẩn bị hàng hóa chu đáo, tình hình dịch bệnh cuối năm 2016 khá ổn định, giúp hỗ trợ cho sản xuất nông nghiệp nên nguồn cung hàng thực phẩm tương đối dồi dào, đa dạng, giá tương đối thấp, giúp duy trì ổn định giá hàng hóa thực phẩm những ngày cận Tết. Theo báo cáo của các địa phương, dịp tết Đinh Dậu 2017, cả nước có 30/59 địa phương có thực hiện chương trình bình ổn thị trường. Xu hướng bình ổn đang đi theo hướng xã hội hóa khi có 16/30 địa phương triển khai chương trình bình ổn thị trường thông qua hình thức doanh nghiệp tự bỏ vốn hoặc được kết nối vay vốn ngân hàng và cam kết thực hiện bình ổn thị trường.
Nhằm đẩy mạnh công tác bảo đảm bảo an toàn thực phẩm và cân đối cung cầu, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các thành phố lớn đẩy mạnh các hoạt động kết nối các sản phẩm nông sản thực phẩm sạch, an toàn để đáp ứng nhu cầu của người dân trong dịp cao điểm Lễ, Tết. Các mặt hàng phục vụ Tết khác như hoa, cây cảnh, trái cây, bánh mứt kẹo, đồ uống cũng không có biến động lớn so với cùng kỳ năm trước, nguồn cung ngày càng phong phú, đáp ứng tốt nhu cầu của người dân. Theo khảo sát của Bộ Công Thương, trên thị trường hàng tiêu dùng, hàng Việt Nam ngày càng chiếm ưu thế với chất lượng khá tốt và giá cả hợp lý, được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn.
Với diễn biến như vậy, theo Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội tháng 3/2017 đạt 312.460 tỷ đồng, tăng 1,35% so với tháng trước. Tính chung cả quý 1, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội đạt 921.061 tỷ đồng, tăng 9,18% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó các nhóm tăng cao nhất là các nhóm hàng phục vụ nhu cầu thiết yếu như thực phẩm, may mặc, lưu trú ăn uống (với mức tăng từ 8,79 – 10,39%). Nếu loại trừ yếu tố tăng giá, tổng mức bán lẻ 3 tháng đầu năm chỉ tăng 4,6%, là mức thấp và chịu tác động của chỉ số giá các nhóm giáo dục, y tế tăng theo lộ trình. Ông Võ Văn Quyền cho hay, sức mua trên thị trường vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc do ảnh hưởng của thu nhập người dân chưa được cải thiện nhiều, sức hút nguồn chi tiêu xã hội đang bị ảnh hưởng bởi thị trường bất động sản đang dần sôi động trở lại.
Tổ Điều hành thị trường trong nước cũng đưa ra dự báo, thời gian tới, thị trường hàng hóa sẽ chịu tác động của các yếu tố như dịch bệnh trên vật nuôi (cúm gia cầm) đang có nguy cơ nhiễm và bùng phát trở lại, ảnh hưởng lớn đến nguồn cung và giá cả các mặt hàng thực phẩm. Tình hình thời tiết, khí hậu vẫn có nhiều khả năng ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất nông nghiệp và nguồn cung các mặt hàng nông sản trên thị trường. Giá các mặt hàng nhóm nhiên liệu năng lượng vẫn được dự báo có thể tăng cao sẽ ảnh hưởng đến giá xăng dầu, khí đốt tại thị trường trong nước. Một số mặt hàng do Nhà nước quản lý như phí dịch vụ y tế, giáo dục, giá điện vẫn tiếp tục lộ trình tăng; lương cơ bản được điều chỉnh tăng; giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi sau thời gian thực hiện bình ổn giá (gần 3 năm) sẽ kết thúc vào cuối tháng 3 nên có khả năng sẽ được các hãng sữa điều chỉnh tăng từ nay đến cuối năm 2017… Các yếu tố trên sẽ tác động đến mặt bằng giá trong nước.
Ông Võ Văn Quyền khẳng định: “Để thực hiện mục tiêu CPI bình quân năm 2017 do Quốc hội giao ở mức 4% là rất khó khăn, đòi hỏi các Bộ ngành cần tập trung, phối hợp điều hành và vận dụng linh hoạt các công cụ điều hành thị trường để kiểm soát mức tăng CPI”.