Chủ nhật 22/12/2024 19:21

Thị trường chứng khoán Việt Nam: Làm gì để thu hút ‘'đại bàng’’

Theo các chuyên gia, thị trường chứng khoán muốn đạt chất lượng cao, phát triển bền vững thì nhà đầu tư tổ chức phải chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu nhà đầu tư.

Chia sẻ về bức tranh nhà đầu tư của thị trường chứng khoán Việt Nam, tại chương trình Đối thoại tháng 7 với chủ đề “Nâng hạng, gọi vốn và phát triển nhà đầu tư tổ chức” do Câu lạc bộ Nhà báo Chứng khoán tổ chức, ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch HĐQT Công ty Fiin Group cho biết, tính đến ngày 17/7/2024, nhà đầu tư nước ngoài sở hữu khoảng 14% trên thị trường cổ phiếu Việt Nam (HOSE, HNX, UPCoM). Riêng trên HOSE thì tỷ lệ này là 17,3%, HNX là 5,4% và UPCoM là 3%. Trong khi đó, tại thời điểm cuối năm 2018, tỷ lệ sở hữu nước ngoài lần lượt là 19,83%, 10,99% và 4,24%.

Theo ông Thuân, tỷ lệ cổ phiếu được tự do chuyển nhượng (free-float) trên thị trường chứng khoán Việt Nam ở mức tương đối thấp, ước tính 45,5%, mà một trong những lý do chính là Nhà nước đang nắm sở hữu đến 26% cổ phiếu trên thị trường chứng khoán. Theo đó, cùng với tiến trình thoái vốn Nhà nước ở nhiều doanh nghiệp sắp tới, dư địa để thu hút thêm nhà đầu tư tổ chức trong và ngoài nước còn rất lớn.

Ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch HĐQT Công ty Fiin Group chia sẻ về bức tranh nhà đầu tư của thị trường chứng khoán Việt Nam

Trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, ngân hàng thương mại đang là nhà đầu tư lớn nhất sở hữu 43% giá trị thị trường này vào cuối 2023. Đây là tỷ lệ khá cao trong tương quan với các thị trường trong khu vực. Trong khi đó, các định chế đầu tư tổ chức bao gồm quỹ đầu tư, công ty bảo hiểm, quỹ hưu trí tự nguyện sở hữu trái phiếu riêng lẻ còn rất hạn chế, mới khoảng 9%.

Theo tính toán của FiinGroup, tổng tài sản đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam của 5 nhóm nhà đầu tư tổ chức (tại thời điểm cuối năm 2023) như sau: Nhóm quỹ chủ động trong và ngoài nước là 27,5 tỷ USD; nhóm công ty bảo hiểm và quỹ đầu tư bảo hiểm là 36,1 tỷ USD; nhóm ngân hàng thương mại là 8,1 tỷ USD; nhóm công ty chứng khoán là 9,3 tỷ USD; nhóm bảo hiểm xã hội và quỹ hưu trí tư nhân là 49,4 tỷ USD.

Đồng quan điểm về dư địa cho nhà đầu tư tổ chức còn nhiều, nhưng ông Lê Thanh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) cho biết, nhà đầu tư tổ chức trong hay ngoài nước tham gia mua bán cổ phần nhà nước nước không dễ. Họ rất muốn mua lại phần của Nhà nước và Nhà nước cũng muốn bán bớt cổ phần nắm giữ tại nhiều doanh nghiệp để tăng lượng cung hàng. Tuy nhiên, cách bán khó thu hút, do phải thực hiện đấu giá, công bố thông tin trước 20 ngày.

“Gần đây, SCIC tiếp cận một số quỹ đầu tư vùng Vịnh. Quan điểm của họ là thực hiện giao dịch thỏa thuận nhưng quy trình chúng ta lại là thực hiện đấu giá, không theo quy trình nước ngoài” - ông Tuấn nêu ví dụ về trở ngại và cho rằng, để gỡ vướng cho quy trình bán vốn, cần thay đổi phương thức bán và một số nội dung chính sách. Chẳng hạn, Bộ Tài chính nên rà lại quy định sắp xếp sử dụng đất. Nếu coi đất của doanh nghiệp đều là thuê của Nhà nước thì sẽ dễ dàng hơn.

“Hiện nay, để thoái vốn, chúng tôi đều phải đề nghị doanh nghiệp sắp xếp lại đất. Có những doanh nghiệp lớn có đất tại 63 tỉnh, thành phố, như FPT và SCIC phải làm việc với cả 63 tỉnh. Hay thử hình dung, nếu thoái vốn MobiFone, Agribank thì sẽ thấy công việc sẽ lớn như thế nào” - ông Tuấn cho biết. Trong khi đó, với những đợt thoái vốn lớn, nguồn vốn trong nước là không đủ và phải thu hút nhà đầu tư tổ chức nước ngoài. Ví dụ với FPT, với khẩu vị nhà đầu tư trong nước, thì việc thoái 6% vốn, tương đương hàng nghìn tỷ đồng là rất khó.

Chương trình Đối thoại tháng 7 với chủ đề “Nâng hạng, gọi vốn và phát triển nhà đầu tư tổ chức” do Câu lạc bộ Nhà báo Chứng khoán tổ chức

Ở góc nhìn của một tổ chức đầu tư gắn bó và có 30 năm kinh nghiệm trên thị trường Việt Nam, ông Dominic Scriven, Chủ tịch Công ty Quản lý Quỹ Dragon Capital Việt Nam cho biết, trong 4 năm nay, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ra 4 tỷ USD, trong đó, năm nay đã bán ròng hơn 2 tỷ USD.

Trong khi đó, đầu tư trực tiếp nước ngoài giữ được nhiệt huyết với Việt Nam. “Dường như câu chuyên về Việt Nam gần đây không có yếu tố mới, yếu tố thú vị để thu hút sự quan tâm của dòng vốn đầu tư tài chính quốc tế, trong khi nhiều thị trường khác họ có” - ông Dominic Scriven thẳng thắn chỉ rõ.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Sơn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Lưu ký chứng khoán cho rằng, rút vốn ròng của khối ngoại trên thị trường chứng khoán Việt Nam là do không có nhiều cái mới trên thị trường, đặc biệt về hàng hoá. Sau nhiều năm, tốc độ cổ phần hóa, thoái vốn thời gian qua vẫn chậm. Khâu chào bán ra công chúng cũng hạn chế, thiếu các doanh nghiệp, tập đoàn mới. “Các món hàng cũ đã rất nhiều năm. Trong khi đó, với các nhà đầu tư quốc tế, có được mức tăng trưởng 10% là họ đã có thể hiện thực hóa lợi nhuận đầu tư và các thị trường trong khu vực như Indonesia, Malaysia đang đáp ứng tốt yêu cầu này” - ông Sơn chia sẻ.

Phát biểu tại cuộc Đối thoại tháng 7, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh, thị trường chứng khoán muốn phát triển bền vững thì nhà đầu tư tổ chức phải chiếm tỷ trọng lớn. Hiện, số lượng tài khoản nhà đầu tư trên thị trường gần 8 triệu. Nhưng, nhìn về cơ cấu, lượng tài khoản của nhà đầu tư tổ chức rất khiêm tốn. Đây là điểm chưa mạnh, chưa bền vững của thị trường chứng khoán Việt Nam. Bộ Tài chính, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đã nhận ra vấn đề này từ lâu, đã báo cáo Chính phủ và xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm phát triển thị trường giai đoạn tới là phát triển nhà đầu tư tổ chức.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi phát biểu tại chương trình

Về phía cơ quan quản lý, Bộ Tài chính sẽ tạo điều kiện, mở ra hoạt động cho các dạng quỹ đầu tư. Vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) và Bộ Tài chính được giao rà soát, đánh giá, báo cáo sửa đổi, bổ sung quy định về quỹ hưu trí tự nguyện. “Chúng ta cần có quy định để khuyến khích, huy động được nguồn lực này vì còn dư địa rất lớn” - Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho biết.

Trong điều hành, Bộ Tài chính đặt trọng tâm là làm sao cởi bỏ những điều kiện chặt chẽ, để nhà đầu tư tổ chức tham gia thuận lợi hơn, để dòng tiền từ họ vào nhiều hơn trên thị trường chứng khoán. Ví dụ, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đã lấy ý kiến về việc nhà đầu tư nước ngoài không cần phải ký quỹ 100% khi mua cổ phiếu tại Việt Nam.

Từ góc nhìn của Ngân hàng Nhà nước, bà Nguyễn Linh Phương - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, trong các quyết định phê duyệt phê duyệt Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025 và kế hoạch hành động của Ngân hàng Nhà nước đều đề cập đến mục tiêu thu hút nhà đầu tư có năng lực trong và ngoài nước tham gia tái cơ cấu tổ chức tín dụng. Điều này cho thấy thu hút dòng vốn ngoại được xem là giải pháp quan trọng với hệ thống ngân hàng tại Việt Nam.

Cũng theo bà Linh Phương, theo quy định hiện tại, nhà đầu tư chiến lược nước ngoài có thể sở hữu 20% vốn điều lệ của ngân hàng và tổng sở hữu của khối ngoại không quá 30%. Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã dự thảo sửa đổi bổ sung quy định về vấn đề này và đang trình Thủ tướng xem xét. Trong đó, tỷ lệ sở hữu nước ngoài của ngân hàng tối đa có thể tăng lên 49%.

“Như vậy, nhà đầu tư nước ngoài có cơ hội hợp tác đa dạng, để tham gia quá trình tái cơ cấu tổ chức tín dụng tiến tới các chuẩn mực cao và bền vững hơn. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ điều hành chính sách tiền tệ để tỷ giá không biến động đáng kể, hỗ trợ thanh khoản thị trường, đồng thời sẽ áp dụng nhiều giải pháp để đảm bảo thị trường thông suốt, góp phần ổn định vĩ mô” - bà Linh cho hay.

Tính đến ngày 31/12/2023, tổng giá trị danh mục đầu tư gián tiếp của nhà đầu tư nước ngoài đạt 45,64 tỷ USD, tương đương 19% quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu.
Ngân Thương
Bài viết cùng chủ đề: thị trường chứng khoán việt nam

Tin cùng chuyên mục

Nuôi dưỡng nguồn thu thuế vì nền tài chính lành mạnh của quốc gia

LPBank bổ nhiệm thêm thành viên Ban điều hành, tạo động lực cho chiến lược phát triển toàn diện

'Cái bắt tay' trị giá 100 tỷ USD giữa ông Donald Trump và tỷ phú Nhật Bản

F88 cung cấp dịch vụ ngân hàng sau ký kết hợp tác chiến lược với MB

Chứng khoán Bảo Việt: đón nhận nhiều giải thưởng uy tín, khẳng định vị thế 25 năm trên thị trường

Sớm thành lập các trung tâm tài chính, tạo 'cú hích' cho nền kinh tế

D2D dự chi 233 tỷ đồng làm 6 nhà xưởng cho thuê, hoàn vốn sau 10 năm

VietinBank mở rộng thanh toán xuyên biên giới sang Lào

Bac A Bank ra mắt giao diện mới của ứng dụng ngân hàng điện tử

Việt Nam là điểm sáng trong chính sách đầu tư của các tập đoàn toàn cầu

Phó Thủ tướng: Ngành ngân hàng triển khai hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp trên tinh thần ‘cả hai cùng thắng’

Ngành ngân hàng tập trung tái cơ cấu trong năm 2025

Dòng vốn 3.000 tỷ đồng kỳ vọng vực dậy DIC Corp

Nâng hạng thị trường chứng khoán: Cơ hội để Việt Nam hút vốn ngoại

Nam A Bank lọt top 50 công ty kinh doanh hiệu quả nhất Việt Nam 2024

Nhận diện thách thức, tìm cơ hội cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2025

Đón 'sóng' thoái vốn nhà nước của VNSteel, nhà đầu tư trúng đậm

Thêm tổ chức quốc tế nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam

Cơ cấu nợ cho khách hàng bị thiệt hại bởi bão số 3- chính sách tín dụng đậm ý nghĩa nhân văn

Đề xuất rút ngắn quy trình niêm yết chứng khoán xuống 30 ngày