Thứ hai 18/11/2024 23:20

Thị trường châu Mỹ: Cần xây dựng chuỗi cung ứng hoàn chỉnh để tận dụng ưu đãi từ CPTPP

Hơn 2 năm kể từ khi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực, Hiệp định này đã trở thành động lực đối với trao đổi thương mại Việt Nam và các quốc gia đối tác. Tuy nhiên, tại thị trường châu Mỹ - vốn rất tiềm năng, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vẫn chưa được như kỳ vọng.

Thị trường màu mỡ

Canada là quốc gia đầu tiên tại châu Mỹ phê duyệt Hiệp định CPTPP. Sau 2 năm đi vào thực thi, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Canada đạt 4,4 tỷ USD, tăng 45% so với năm 2018. Trong 3 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu tiếp đà tăng trưởng năm ngoái, tăng 15%.

Bà Đỗ Thị Thu Hương - Tham tán Thương mại Việt Nam tại Canada - cho biết, Canada đang là thị trường tiềm năng đối với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam. Đây là quốc gia phát triển với GDP tăng trưởng trung bình hằng năm đạt khoảng 3%, giá trị nhập khẩu trên đầu người cao gấp đôi Mỹ dù quy mô dân số chỉ bằng 1/10. Chính phủ Canada cũng đưa ra nhiều chính sách khuyến khích hấp dẫn với nhiều mặt hàng được miễn thuế 0% và những dự án hỗ trợ đưa hàng Việt Nam tiếp cận thị trường Canada thuận lợi hơn.

CPTPP mang lại nhiều cơ hội rất lớn đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, thị phần hàng nhập khẩu từ Việt Nam tại Canada vẫn còn khiêm tốn, chiếm 1,4% trong năm 2020. Mặc dù Hiệp định CPTPP giúp đưa thuế nhập khẩu về 0%, tuy nhiên, không phải mặt hàng nào cũng được hưởng ưu đãi này. Thị trường Canada vốn đã là một thị trường mở và tự do. Đối với mặt hàng thực phẩm, thuế suất nhập khẩu đối với hàng hoá xuất xứ từ nước ngoài là rất thấp. 56% mặt hàng thực phẩm từ Việt Nam đã nhận được mức thuế suất 0% dù không có Hiệp định CPTPP. Theo bà Đỗ Thị Thu Hương, các mặt hàng hiện đang chịu thuế trên 0% là thị trường màu mỡ, cần tập trung khai thác, mức thuế chênh lệch có thể lên tới 7-8% đối với hàng dệt may, 9-11% đối với hàng nội thất, 7-11% đối với hàng túi xách.

Một quốc gia khác tại châu Mỹ cũng đã phê chuẩn Hiệp định CPTPP là Mexico lại có ý nghĩa như một cửa ngõ cho hàng hoá Việt Nam nhập khẩu vào lục địa này. Mexico là một quốc gia rất năng động trong tham gia các tổ chức quốc tế. Hiện, quốc gia Bắc Mỹ đã ký kết FTA với 16 quốc gia và vùng lãnh thổ khác, trong đó có 2 hiệp định lớn gồm khối Liên minh Thái Bình Dương (gồm các nước Mexico, Chilê, Columbia, Peru với 230 triệu dân, GDP: 2.100 tỷ USD) và Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (gồm Mỹ, Canada, Mexico với gần 500 triệu dân, GDP: 21.000 tỷ USD).

“Có rất nhiều văn phòng đại diện của các công ty lớn ở châu Mỹ đặt tại Mexico. Chúng ta sử dụng thuận lợi này để có thể xuất khẩu sang các nước khác trong khu vực châu Mỹ”, ông Lưu Vạn Khang - Tham tán Thương mại Việt Nam tại Mexico - cho biết.

Các doanh nghiệp thảo luận về cơ hội và những thách thức của CPTPP mang lại

Chưa khai thác hết tiềm năng

Tại Hội thảo “CPTPP - Cơ hội mở rộng thị trường châu Mỹ cho hàng xuất khẩu Việt Nam” vừa được tổ chức ngày 27/4/2021, bà Nguyễn Cẩm Trang - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương - đánh giá: “Tổng thể kết quả tăng trưởng xuất khẩu chung sang các nước CPTPP vẫn chưa đạt được như kỳ vọng.” Bà Trang lý giải, ngoài những yếu tố khách quan như tình hình dịch Covid-19 thì có những yếu tố chủ quan từ phía doanh nghiệp khiến xuất khẩu hàng hoá vào thị trường các nước châu Mỹ chưa được như kỳ vọng. Nhiều doanh nghiệp vẫn chưa nắm vững các quy định và cam kết của CPTPP. “Đa phần các doanh nghiệp chỉ nghe đến các ưu đãi thuế quan chứ chưa nắm sâu và tận dụng được lợi thế” - bà Nguyễn Cẩm Trang thông tin.

Theo số liệu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), sau 2 năm thực thi CPTPP, tỷ lệ tận dụng ưu đã thuế quan từ hiệp định của hàng hoá xuất khẩu Việt Nam chỉ mới đạt 4%. Trong đó, con số này đối với thị trường Mexico chỉ đạt 1,3%, Canada chiếm 1,1%...

Ông Nguyễn Chánh Phương - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Đồ gỗ và mỹ nghệ TP.HCM - cũng thừa nhận: “Doanh nghiệp vẫn chờ người mua hàng đến là nhiều, chưa có tính chủ động.”

Chia sẻ tại buổi hội thảo, ông Thân Đức Việt - Tổng giám đốc Tổng công ty May 10 - cho biết: “Đối với thị trường mới như Canada, khó khăn lớn nhất của chúng tôi là các quy tắc xuất xứ. Đối với các nước châu Âu đã ký FTA với Việt Nam, họ chỉ yêu cầu từng đường may, còn đối với các nước ký kết CPTPP, họ yêu cầu từng sợi chỉ. Khi chúng tôi xúc tiến thương mại, nếu chỉ may không có xuất xứ từ Việt Nam thì họ cũng sẽ không cho phép nhập khẩu vào thị trường Canada. Do đó, nguồn nguyên liệu vải, sợi là nút thắt ảnh hưởng đến việc liệu có áp dụng được quy tắc xuất xứ hay không.”

Theo ông Việt, mặc dù chỉ có 30% trong tổng số 6,5 triệu USD giá trị hàng hoá của Công ty May 10 xuất khẩu vào Canada được hưởng ưu đãi thuế suất 0%, và để nhận được ưu đãi thuế quan, công ty này đang liên kết rất chặt chẽ với các nhà sản xuất vải và sợi trong nước để tìm ra các mặt hàng tạo thành chuỗi cung ứng.

Trong tương lai gần, Việt Nam cần phải xây dựng chuỗi cung ứng hoàn chỉnh để chúng ta hưởng toàn bộ ưu đãi thuế quan, không chỉ là CPTPP mà còn là EVFTA”, ông Thân Đức Việt kiến nghị.

Bà Đỗ Thị Thu Hương, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Canada đề xuất, các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động hơn nữa trong việc tìm hiểu về Hiệp định CPTPP, tìm hiểu sâu, rõ về thuế nhập khẩu ưu đãi, quy tắc xuất xứ, thủ tục lưu trữ, chứng minh xuất xứ.

Thu Thủy
Bài viết cùng chủ đề: Thị trường châu Mỹ

Tin cùng chuyên mục

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Các Tham tán tại châu Mỹ đóng góp quan trọng vào kết quả của ngành Công Thương

Tổng thống đắc cử Donald Trump thông báo bổ nhiệm Chủ tịch Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (FCC)

Quảng Nam: Xây dựng hệ sinh thái tận dụng FTA trong lĩnh vực thủy sản

Chiến sự Nga-Ukraine sáng 18/11: Kịch chiến nảy lửa tại Kursk; UAV Ukraine phá hủy xe phòng không Buk của Nga

Chiến sự Nga-Ukraine hôm nay ngày 17/11/2024: Sau Mỹ, đến lượt Anh ngừng cung cấp tên lửa cho Ukraine

Tăng tốc xuất khẩu sang Indonesia nhờ khai thác cơ hội từ RCEP

Chiến sự Nga-Ukraine sáng 17/11: Lữ đoàn số 79 Ukraine đầu hàng; Chỉ huy đặc nhiệm Ukraine làm tình báo cho Nga

RCEP tạo 'con đường tơ lụa' cho hàng Việt khai thác thị trường ASEAN

Củng cố quan hệ chính trị, tạo đột phá thương mại giữa Việt Nam - Brazil và các đối tác

Chiến sự Nga-Ukraine hôm nay ngày 16/11/2024: Ukraine nhận đạn dược kém chất lượng; Nga tấn công mọi mặt trận

Ấn Độ tham dự Vietnam FoodExpo 2024 và hoạt động xúc tiến thương mại tại Long An

Vì sao Nga siết chặt chính sách quản lý người nhập cư?

Chiến sự Nga-Ukraine sáng 16/11: Lính Ukraine rút lui ồ ạt ở Kurakhove; Ukraine thiêu rụi kho đạn tại Kharkov

Lùi một năm thực thi EUDR, Việt Nam thêm thời gian đảm bảo chuỗi cung ứng

Chiến sự Nga-Ukraine trưa 15/11: 1.000 lính Ukraine thương vong; Mỹ lần đầu xuất kích tấn công Houthi

RCEP thúc đẩy mạnh mẽ giao thương ASEAN - Trung Quốc

Việt Nam đóng góp tích cực tại Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế APEC lần thứ 35

Kalashnikov giao loạt súng bắn tỉa Chukavin mới cho quân đội Nga

Chiến sự Nga-Ukraine sáng 15/11: Nga diệt tàn quân Ukraine ở Kursk; Ukraine đẩy lùi cuộc tấn công Nga

Doanh nghiệp thay đổi tích cực để thích ứng với Quy định chống phá rừng của EU