Thị trường carbon, công cụ hữu hiệu để đạt mục tiêu Net Zero
Sáng ngày 23/8, tại Hà Nội diễn ra tọa đàm “Thị trường tín chỉ carbon – đường đến Net Zero” do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức.
Tham dự tọa đàm, các đại biểu Quốc hội, đại diện cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia, doanh nghiệp đã cùng thảo luận làm rõ về tầm quan trọng của thị trường carbon; tiềm năng, cơ hội của Việt Nam khi tham gia thị trường này cùng những khó khăn, thách thức; đề xuất các giải pháp để bảo đảm việc vận hành thị trường theo kế hoạch, đạt hiệu quả. Đây sẽ là nguồn thông tin tham khảo hữu ích đối với các cơ quan quản lý nhà nước trong quá trình xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách có liên quan đến vận hành thị trường carbon trong thời gian tới.
Toàn cảnh Tọa đàm “Thị trường tín chỉ carbon - đường đến Net Zero” |
Tại Hội nghị COP 26, Việt Nam lần đầu tiên cam kết sẽ đạt phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050. Mục tiêu này cũng đã được đưa vào Chiến lược Quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050, theo Quyết định 896/QĐ-TTg ngày 26/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ.
Song song với việc thực hiện hoạt động, biện pháp giảm phát thải khí nhà kính và tăng cường hấp thụ khí nhà kính trong các lĩnh vực như năng lượng, nông nghiệp, lâm nghiệp và sử dụng đất, chất thải, các quá trình công nghiệp và sử dụng sản phẩm công nghiệp, thị trường carbon là một trong những công cụ hữu hiệu để đạt mục tiêu Net Zero.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, Phó Tổng Biên tập Báo Đại biểu Nhân dân Lê Thanh Kim cho biết, thế giới đang chuyển động rất nhanh trong tiến trình phát triển xanh; thúc đẩy chuyển đổi xanh trở thành một nguồn động lực mới cho tăng trưởng nhanh và bền vững. Tăng trưởng xanh không còn là lựa chọn, mà là nhu cầu cấp thiết đối với mọi quốc gia hiện nay.
Tại Việt Nam, Đảng và Nhà nước đã rất quan tâm tới tăng trưởng xanh. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã chỉ rõ “xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường”. Chính phủ cũng đã ban hành Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Để hiện thực hóa các mục tiêu, tầm nhìn phát triển này, nhiều chính sách, công cụ thúc đẩy tăng trưởng xanh đã được ban hành, trong đó có việc đẩy mạnh phát triển thị trường carbon.
Trong bối cảnh xu thế định giá carbon ngày càng phổ biến và trở thành công cụ then chốt để thực hiện các mục tiêu khí hậu theo cam kết tại Hiệp định Pari về chống biến đổi khí hậu năm 2015, việc vận hành thị trường carbon vừa có ý nghĩa điều chỉnh giảm phát thải, vừa tạo doanh thu để đầu tư cho các mục tiêu khí hậu.
Thống kê cho thấy, đến nay đã có 48 quốc gia triển khai thị trường carbon theo cơ chế bắt buộc. Bên cạnh đó là thị trường carbon tự nguyện do các doanh nghiệp, tổ chức quốc tế thành lập. Dù chưa có sự thống nhất trên phạm vi toàn cầu về trao đổi hạn ngạch phát thải, tín chỉ carbon xuyên biên giới, nhưng đã có 82 quốc gia và vùng lãnh thổ ký thỏa thuận về trao đổi hạn ngạch, tín chỉ carbon.
Tại Việt Nam, hiện có khoảng 150 chương trình, dự án được cấp 40,2 triệu tín chỉ carbon và thực hiện theo các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon quốc tế để trao đổi trên thị trường carbon thế giới.
Theo lộ trình của Chính phủ tại Nghị định 06/2022/NĐ-CP quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô dôn, năm 2025 sẽ thí điểm thị trường carbon trong nước và vận hành chính thức từ năm 2028. Việc thành lập thị trường carbon là vấn đề khó, phức tạp.
Theo lộ trình của Chính phủ, năm 2025 sẽ thí điểm thị trường carbon trong nước và vận hành chính thức từ năm 2028. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã xây dựng Đề án thành lập thị trường carbon, nhằm phát triển thị trường carbon tuân thủ tại Việt Nam, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính theo Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) với chi phí của doanh nghiệp và xã hội thấp, thúc đẩy phát triển công nghệ phát thải thấp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, phát triển nền kinh tế carbon thấp và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng tới Net Zero vào năm 2050. |