Thí điểm xây dựng tổng đài hỗ trợ người bị bạo lực giới
Thông tin tại hội thảo tham vấn: Dự thảo đề án thí điểm tổng đài quốc gia hỗ trợ phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, tổ chức sáng ngày 30/11, bà Trần Thị Bích Loan - Phó Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - cho biết: Bạo lực trên cơ sở giới đang là vấn đề xã hội có tính toàn cầu và được coi là một trong những hình thức vi phạm quyền con người phổ biến nhất. Nạn nhân của bạo lực trên cơ sở giới có xu hướng tập trung vào phụ nữ và trẻ em.
Ông Nguyễn Công Hiệu - Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Dịch vụ truyền thông - trình bày đề án |
Theo Tổ chức Y tế thế giới, 30% phụ nữ đã từng trải qua hình thức bạo lực thể xác trong đời, khoảng 10 triệu trẻ em trên thế giới bị bạo hành mỗi ngày. Bạo lực trên cơ sở giới đã ảnh hưởng đến thể xác, tinh thần, sức khỏe, khả năng tìm kiếm thu nhập của người bị bạo lực.
Tại Việt Nam, kết quả điều tra quốc gia về bạo lực với phụ nữ năm 2010 và 2019 cho thấy, tình trạng bạo lực chưa có nhiều thay đổi. Vẫn còn 49,6% phụ nữ bị bạo lực về thể xác nhưng không kể với ai, và hầu hết họ không tìm kiếm sự giúp đỡ từ các cơ quan chức năng, đơn vị cung cấp hỗ trợ.
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đã, đang có những tác động tiêu cực tới đời sống của người dân và trở thành chất xúc tác làm tăng bạo lực. Số lượng người bị bạo lực tìm kiếm sự hỗ trợ từ các đường dây tư vấn tăng đột biến. Điều này cho thấy, số nạn nhân bị bạo lực cần được hỗ trợ thông qua các hình thức trợ giúp khác nhau rất lớn; trong đó nhu cầu được tư vấn, hỗ trợ để giúp người bị bạo lực được cung cấp thông tin, tư vấn và kết nối các dịch vụ, đặc biệt trong những trường hợp khẩn cấp cần có sự can thiệp, bảo vệ kịp thời từ các cơ quan chức năng liên quan.
“Vì vậy, việc xây dựng và vận hành tổng đài điện thoại quốc gia tư vấn hỗ trợ về bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới là cần thiết, ý nghĩa và nhân văn”, bà Trần Thị Bích Loan chia sẻ.
Tại hội thảo, ông Nguyễn Công Hiệu - Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn và dịch vụ truyền thông, Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã trình bày đề án thí điểm xây dựng tổng đài điện thoại quốc gia hỗ trợ phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.
Đề án được thực hiện từ năm 2022 - 2025, nhằm mục tiêu nâng cao nhận thức của người dân và các dịch vụ phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới trên phạm vi cả nước, đặc biệt là người dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Tổng đài được cấp số điện thoại dễ nhớ, dễ tiếp cận; xây dựng, vận hành mạng lưới kết nối giữa tổng đài và các địa phương để nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ, cũng như trực tiếp hỗ trợ, can thiệp ca tại địa phương.
Có 3 phương án sử dựng đầu số điện thoại và các kênh tiếp nhận thông tin được đưa ra, đó là: Một kênh của đầu số 111; sử dụng số điện thoại 18001567; đăng ký và sử dụng một đầu số điện thoại 4 số.
Dự kiến, kết quả thực hiện đề án thí điểm giai đoạn 2022 - 2025 sẽ có trung bình 10 - 15 nghìn cuộc gọi tới tổng đài quốc gia giới/tháng; số lượng cuộc gọi tư vấn, can thiệp, hỗ trợ sẽ chiếm khoảng 25 - 30% số lượng cuộc gọi được trả lời; tổng đài có khả năng tiếp nhận cuộc gọi với đa dạng giọng nói địa phương, vùng miền, có khả năng tiếp nhận cuộc gọi đối với một số ngôn ngữ dân tộc thiểu số…
Tất cả nhân viên tư vấn, cộng tác viên ở tổng đài trung ương và nhánh trung tâm vùng, cán bộ đầu mối các địa phương được đào tạo, tập huấn để có đủ khả năng đáp ứng nhu cầu công việc cung cấp dịch vụ tư vấn, hỗ trợ can thiệp bạo vệ nạn nhân bị bạo lực trên cơ sở giới.