Thêm nguồn vốn 100 triệu USD cho tín dụng xanh, phát triển bền vững
Số liệu tổng hợp từ Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) cho thấy, giai đoạn 2017-2022, dư nợ cấp tín dụng của hệ thống đối với các lĩnh vực xanh có mức tăng trưởng dư nợ bình quân đạt hơn 23%/năm. Cả nước hiện có 43 các tổ chức tín dụng tham gia hoạt động cấp tín dụng xanh.
Đến ngày 30/6/2023, dư nợ cấp tín dụng xanh đạt gần 528,3 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 4,2% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Trong số 12 lĩnh vực xanh Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn các tổ chức tín dụng cho vay, dư nợ tập trung chủ yếu vào các ngành năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (chiếm 45%) và nông nghiệp xanh (31%). Các tổ chức tín dụng đã tăng cường đánh giá rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng với dư nợ được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội đạt khoảng 2.485 triệu tỷ đồng, chiếm gần 20% tổng dư nợ cho vay của nền kinh tế.
Ngân hàng Phát triển doanh nghiệp Hà Lan (FMO) đã ký kết Ý định thư về hợp tác cho vay trung dài hạn với Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) với khoản tài trợ dự kiến lên tới 100 triệu USD |
Theo Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, tốc độ tăng trưởng dư nợ của lĩnh vực này đạt khoảng 26%/năm, tập trung vào các dự án xanh, ít có tác hại tới môi trường, hướng tới mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050.
Nhiều ngân hàng đã dành nguồn vốn trong nước và tìm kiếm các định chế tài chính nước ngoài để có vốn cho vay các dự án xanh, phát triển bền vững. Mới đây, Ngân hàng Phát triển doanh nghiệp Hà Lan (FMO) đã ký kết Ý định thư về hợp tác cho vay trung dài hạn với Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) với khoản tài trợ dự kiến lên tới 100 triệu USD. FMO thành lập năm 1970, trong đó, Chính phủ Hà Lan sở hữu 51% cổ phần. FMO hỗ trợ hoạt động tăng trưởng bền vững của khu vực tư nhân tại các thị trường đang phát triển và thị trường mới nổi thông qua việc đầu tư vào các doanh nghiệp, dự án và các tổ chức tài chính.
Với lần hợp tác này, FMO cùng quỹ khí hậu và phát triển Hà Lan (DFCD) dự kiến tài trợ lên tới 100 triệu USD với kỳ hạn lên tới 9 năm, nhằm mục đích tài trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) và các dự án xanh. Bên cạnh đó, FMO cũng sẽ xem xét hỗ trợ MSB hoàn thiện và nâng cấp hệ thống quản lý rủi ro môi trường và xã hội nhằm đạt được các tiêu chuẩn quốc tế cao hơn.
Đồng thời, với các hỗ trợ kỹ thuật từ đối tác quốc tế, MSB kỳ vọng sẽ đẩy mạnh việc phát triển sản phẩm tín dụng không chỉ riêng tín dụng xanh mà còn các sản phẩm tín dụng gắn liền với tiêu chí “bền vững”.
Khoản tài trợ vốn cho thấy khả năng đáp ứng và cam kết của MSB đối với các tiêu chí môi trường và xã hội (E&S), cũng như định hướng của ngân hàng trong việc nâng tầm quan trọng của các yếu tố môi trường, xã hội trong hoạt động.
Về mảng tín dụng xanh, ngân hàng định hướng tập trung vào các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, chống biến đổi khí hậu, công nghệ phát thải carbon thấp. MSB đã đưa quy trình quản lý rủi ro môi trường - xã hội lồng ghép trong quy trình thẩm định và phê duyệt tín dụng kể từ ngày 1/6/2023.
Đại diện MSB cho biết: “Việc ký kết Ý định thư về hợp tác cho vay trung dài hạn với FMO là dấu mốc quan trọng trong hoạt động của MSB khi chúng tôi có thêm nguồn lực để đẩy mạnh những mảng kinh doanh chiến lược. Hy vọng, trong thời gian tới, MSB sẽ có cơ hội tiếp cận nhiều nguồn tài trợ từ các tổ chức uy tín trên thế giới, góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và các quốc gia, đồng thời chung tay đồng hành cùng Chính phủ trong quá trình đưa phát thải ròng về 0 tới năm 2050.”
Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã tích cực triển khai nhiều giải pháp để thúc đẩy tín dụng xanh. Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước đã hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho tín dụng xanh và ngân hàng xanh; nghiên cứu, đề xuất xây dựng các giải pháp tập trung nguồn lực cho tín dụng xanh; tăng cường triển khai đánh giá rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng.