Tổng số lợn bị mắc bệnh và tiêu hủy là 2.470 con (với tổng trọng lượng tiêu hủy hơn 172.505 kg) và đã gây ra tổn thất hàng chục tỷ đồng.
Một số tỉnh phía Bắc công bố dịch tả lợn châu Phi |
Cụ thể, tại tỉnh Hưng Yên, dịch tả lợn châu Phi xảy ra tại 7 xã gồm: xã Trung Nghĩa thuộc TP. Hưng Yên; xã Yên Hòa và xã Đồng Than thuộc huyện Yên Mỹ; xã Bãi Sậy thuộc huyện Ân Thi; 2 xã Nghĩa Dân và xã Đức Hợp thuộc huyện Kim Động. Toàn bộ 1.628 con lợn dương tính với bệnh đã được xử lý tiêu hủy bằng phương pháp chôn (với trọng lượng tiêu hủy hơn 140.526kg).
Tại tỉnh Thái Bình, dịch tả lợn châu Phi xảy ra tại 36 hộ của 5 xã (gồm các xã: Đông Đô, Tây Đô thuộc huyện Hưng Hà; Lô Giang thuộc huyện Đông Hưng; Đông Hải và An Dục thuộc huyện Quỳnh Phụ). Toàn bộ 370 con lợn dương tính với bệnh đã được xử lý tiêu hủy bằng phương pháp chôn (với trọng lượng tiêu hủy hơn 20.973kg).
Tại TP. Hải Phòng, bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra tại 20 hộ, 5 xã (gồm: Chính Mỹ, Đông Sơn, Lưu Kiểm và Liên Khê của huyện Thủy Nguyên; xã Nam Hưng của huyện Tiên Lãng). Toàn bộ 231 con lợn dương tính với bệnh đã được xử lý tiêu hủy bằng phương pháp chôn (với trọng lượng tiêu hủy hơn 9.882kg).
Tại Thanh Hóa, bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra tại hộ ông Lê Văn Thanh, thôn Tân Ngữ 2, xã Định Long, huyện Yên Định. Toàn bộ 226 con lợn dương tính với bệnh đã được xử lý tiêu hủy bằng phương pháp chôn (với trọng lượng tiêu hủy hơn 5.886kg).
Tại tỉnh Hà Nam, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã được phát hiện tại 1 hộ chăn nuôi lợn rừng tại xã Văn Xã, huyện Kim Bảng. Toàn bộ 15 con lợn dương tính với bệnh đã được xử lý tiêu hủy bằng phương pháp chôn.
Nhận định về nguyên nhân lây lan của dịch, Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT)) cho rằng, do việc buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, không rõ nguồn gốc, nhất là tại các tỉnh biên giới phía Bắc vào dịp cuối năm và Tết Nguyên đán. Tần suất vận chuyển lợn, sản phẩm lợn gia tăng mạnh vào các tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán.
Bên cạnh đó, dân cư biên giới giữa Việt Nam và các nước có nhiều hoạt động giao thương, qua lại giữa Việt Nam và các nước (đặc biệt tại một số địa phương như Quảng Ninh, có ngày có trên 10.000 lượt người qua lại ở biên giới hai nước). Lượng xe cộ, phương tiện vận chuyển cũng được người dân Việt Nam và các nước sử dụng nhiều nên rất có thể mang theo mầm bệnh dịch tả lợn châu Phi vào Việt Nam.
Bên cạnh lượng khách đi du lịch từ các nước qua đường bộ, đường hàng không và đường biển vào Việt Nam rất lớn, nhất là khách từ các nước châu Á thường có thói quen mang theo thực phẩm có chứa thịt lợn nên có thể đưa mầm bệnh dịch tả lợn châu Phi vào Việt Nam (tương tự như đã phát hiện tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Đài Loan,...).
Mặt khác, một số nước xung quanh Việt Nam có thể đã có dịch tả lợn châu Phi nhưng chưa báo cáo, thông tin chính thức, nên chưa tổ chức có hiệu quả các biện pháp phòng, chống và ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Theo Cục Thú y, tại Việt Nam, thời tiết tại các tỉnh phía Bắc biến đổi bất lợi, rét và mưa nhiều, tạo điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh phát triển, lây lan. Trong khi hiện nay chưa có vắc xin và thuốc điều trị được bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Để ngăn chặn dịch lây lan, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo nghiêm cấm mọi hình thức vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc, kể cả hình thức cho, tặng của các tổ chức, cá nhân và cư dân khu vực biên giới.
Từ tháng 11/2018 đến nay, Bộ NN&PTNT đã thành lập nhiều đoàn công tác do Thứ trưởng Phùng Đức Tiến làm trưởng đoàn đến các địa phương trọng điểm (Lạng Sơn, Quảng Ninh, Lào Cai, Hòa Bình, Hưng Yên, Thái Bính, Hải Phòng và Thanh Hóa) kiểm tra, hướng dẫn và đôn đốc việc thực hiện các biện phòng, ngăn chặn dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam.
Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo các cơ quan thú y tổ chức lấy mẫu xét nghiệm bệnh dịch tả lợn châu Phi đối với các loại lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, vận chuyển trái phép từ nước ngoài vào Việt Nam. Đến nay, tổng cộng đã có trên 6.000 mẫu được xét nghiệm bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Để ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi lây lan ra toàn quốc, Bộ NN&PTNT yêu cầu các tỉnh tập trung các nguồn lực của địa phương để tổ chức xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để phát sinh ổ dịch mới. Tổ chức xử lý tiêu hủy động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh, chết; tổng vệ sinh, phun thuốc khử trùng, tiêu độc (bằng vôi bột, hóa chất,...). Thành lập các chốt kiểm dịch tạm thời, để tổ chức kiểm soát chặt chẽ 24/24 giờ đối với lợn và sản phẩm lợn ra vào địa bàn cấp tỉnh. Bố trí các lực lượng thú y, quản lý thị trường, công an và các lực lượng liên quan để tổ chức kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển lợn, sản phẩm lợn....