Vừa qua, nhóm nghiên cứu của Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) đã thực hiện các khảo sát, phân tích dựa trên các ứng dụng chứng nhận an toàn dịch bệnh của các quốc gia và tổ chức trên thế giới, nhằm giới thiệu và đề xuất Chính phủ thực hiện chương trình thí điểm hộ chiếu vắc xin (thẻ thông hành xanh) ở Việt Nam, đồng thời nhằm đem lại sự yên tâm cho Chính phủ, chính quyền các địa phương, doanh nghiệp và người dân mở cửa lại các công việc kinh doanh, đi lại, từng bước phục hồi sự phát triển kinh tế sớm nhất.
Thẻ thông hành xanh sẽ là chìa khóa phục hồi các hoạt động kinh tế |
Theo đại diện TAB, hình thức thẻ thông hành an toàn về dịch bệnh lần đầu tiên được sử dụng vào năm 1930 để xác định một hành khách đã được tiêm vắc xin. Kể từ khi vắc xin được phát hiện vào cuối năm 2020, ý tưởng về một loại giấy tờ được một quốc gia hay một tổ chức quốc tế xác nhận công dân mang giấy tờ đó đã được tiêm vắc xin đã hình thành. Khái niệm về loại giấy tờ cần thiết cho thông hành an toàn chưa được thống nhất trên toàn thế giới. Có thể có nhiều tên gọi khác nhau như hộ chiếu vắc xin, chứng nhận vắc xin, hay hộ chiếu Covid-19.
Ngoài ra, về hình thức và quy trình áp dụng cũng khác nhau. Để triển khai chương trình giấy chứng nhận hoặc hộ chiếu vắc xin, hành khách cần phải thực hiện thủ tục truy cập vào hệ thống đăng ký của một quốc gia về xác nhận y tế phòng dịch Covid-19 và tiếp cận phương thức an toàn của quốc gia đó để xác định rằng họ có đủ điều kiện về y tế để đi lại. Mặt khác, một quốc gia chấp nhận hình thức chứng nhận điện tử tại cửa khẩu cần phải được các quốc gia khác công nhận, hoặc được các quốc gia trong khu vực công nhận theo thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau, cũng như chứng nhận đó phải tuân thủ các tiêu chuẩn chung do các tổ chức như WHO hoặc EU đặt ra.
Thời gian qua, nhiều quốc gia đã bắt đầu cho phép công dân dùng hộ chiếu vắc xin (chứng nhận tiêm chủng vắc xin Covid-19) để du lịch và sử dụng cho các hoạt động khác trong nước. Các chuyên gia tin rằng, chứng nhận này có thể đóng vai trò quan trọng trong việc di chuyển nội địa và quốc tế trong tương lai. Bởi việc kết nối lại các hoạt động đi lại, giao thương trên toàn cầu đang trở nên ngày càng cấp thiết.
Trưởng Ban thư ký TAB - ông Hoàng Nhân Chính - cho hay, trên thế giới, hầu hết các hộ chiếu vắc xin được xuất trình dưới hình thức một mã QR hoặc chứng thực tương tự được gửi đến điện thoại thông minh của công dân. Để giảm thiểu sự phân biệt đối với những người chưa hoặc chưa thể được tiêm chủng một số hộ chiếu vắc xin có kèm theo tiện ích xét nghiệm và/hoặc xác nhận hồi phục sau khi nhiễm Covid-19. Trong trường hợp công dân không có điện thoại thông minh, cơ quan chức năng cho phép thay thế thẻ thông hành điện tử bằng thẻ thông hành giấy.
Đánh giá về lợi ích của hộ chiếu vắc xin, theo đại diện TAB đó là cho phép truy xuất nhanh thông tin về y tế phòng dịch Covid-19: Hộ chiếu vắc xin là ứng dụng trên điện thoại thông minh cho phép truy cập và trích xuất nhanh thông tin của người dùng theo thời gian thực. Đồng thời, hộ chiếu vắc xin áp dụng các giải pháp công nghệ sẽ đảm bảo thông tin là chính xác và duy nhất, khó có thể làm giả mạo, góp phần hạn chế tình trạng làm giả các giấy tờ xác nhận y tế phòng dịch Covid-19; giúp góp phần phục hồi các hoạt động giao thông vận tải, thương mại, du lịch, sản xuất... trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và có thể còn diễn biến lâu dài.
Hiện các quốc gia trên toàn cầu đã bắt đầu công bố “hộ chiếu vắc xin”, cho phép công dân của họ sử dụng chứng nhận tiêm chủng để đi du lịch và cũng để sử dụng cho các hoạt động trong nước, ví dụ như tham dự các sự kiện hoặc thậm chí ăn uống tại nhà hàng. Các chuyên gia tin rằng hộ chiếu vắc xin có thể sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc đi lại trong nước và quốc tế trong tương lai.
Tại Việt Nam, TAB đề xuất thay thế cụm từ "Hộ chiếu vắc xin " bằng "Thẻ thông hành xanh Việt Nam" nhằm tránh cách hiểu chưa đầy đủ, hình thức chứng nhận mới này sẽ áp dụng cho di chuyển trong và ngoài nước. Theo đó, thẻ thông hành xanh Việt Nam cần được cấp miễn phí cho tất cả công dân Việt Nam và người nước ngoài đã đăng ký tạm trú ở Việt Nam. Đây là giấy thông hành xác nhận người dùng có thể tham dự hoặc sử dụng các dịch vụ ngoài trời hoặc trong nhà; đi lại trên các phương tiện giao thông công cộng; đi công tác, du lịch, thăm thân đến các địa phương trong nước vẫn còn cần kiểm soát dịch bệnh; đi công tác hoặc du lịch nước ngoài theo thỏa thuận song phương hoặc đa phương giữa Chính phủ Việt Nam và các quốc gia/vùng lãnh thổ khác trên thế giới.
TAB cũng đề xuất, Bộ Thông tin và Truyền thông cần phối hợp với Bộ Công an, Bộ Y tế và Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 xây dựng dự án thí điểm. Đạt được thỏa thuận về phạm vi thử nghiệm, danh sách các cơ sở y tế tham gia dự án thí điểm (cơ sở y tế thực hiện tiêm chủng vắc xin, xét nghiệm và xác nhận hồi phục sau khi nhiễm Covid-19). Nhập và cập nhật các quy định về phòng chống dịch Covid-19, quy định về đi lại, mở cửa dịch vụ trong các vùng với các mức nguy cơ khác nhau do Bộ Y tế hoặc Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 ban hành.
Chính phủ cần triển khai đàm phán song phương hoặc đa phương với các quốc gia/vùng lãnh thổ khác trên thế giới để ký thỏa thuận cho phép công dân Việt Nam sử dụng thẻ thông hành xanh Việt Nam xác nhận về số liệu y tế phòng dịch Covid-19 khi nhập cảnh vào nước khác. Ưu tiên đàm phán thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau giữa các nước trong khối ASEAN, Liên minh châu Âu, Hiệp hội Vận tải hàng không thế giới (Thẻ thông hành IATA Travel Pass)...
Tuy nhiên, theo ông Hoàng Nhân Chính, có nhhững thách thức đặt ra khi áp dụng hộ chiếu vắc xin. Đó là làm sao tạo được sự tin cậy cả người dân và Chính phủ đối với thông tin y tế phòng dịch Covid-19 (như kết quả xét nghiệm Covid-19, chứng nhận tiêm chủng vắc xin) của mỗi cá nhân. Để đạt được sự tin cậy thì hộ chiếu vắc xin cần phải chú trọng giải quyết về tính pháp lý và khả năng bảo mật thông tin. Mặt khác, phải có giải pháp đảm bảo các thông tin không thể làm giả mạo hoặc sai sót; hộ chiếu vắc xin cần phải cung cấp thông tin chính xác, minh bạch, kịp thời, đảm bảo không có sự giả mạo để đem lại sự công bằng cho mọi người dùng, kể cả người có hoặc không có điện thoại thông minh. Đặc biệt là tạo sự thuận lợi khi sử dụng, theo đó, ứng dụng cần phải tạo sự thuận lợi cho mọi người dụng, trên các nền tảng khác nhau (iOS và Android) của điện thoại thông minh. Kết quả (mã QR) dễ dàng truy xuất trên điện thoại thông minh hoặc in ra trên giấy để sử dụng.
Trong thời điểm hiện tại, khi chiến dịch tiêm chủng đang được triển khai trên diện rộng, ông Hoàng Nhân Chính cho rằng, ngành du lịch nên kiến nghị Chính phủ giao nhiệm vụ nghiên cứu, triển khai thí điểm sớm, đồng bộ thẻ thông hành xanh trên cả nước cho một bộ, ngành làm đầu mối và chịu trách nhiệm. Thực tế hiện đang có ứng dụng sổ sức khỏe điện tử của Bộ Y tế, xác định người dân tiêm đủ 2 mũi vắc xin. Đây chính là cơ sở giúp cơ quan quản lý dễ dàng kiểm soát khách nội địa khi họ di chuyển.