Nguyên tắc "bảo mật thông tin" đã bị phá vỡ trong đàm phán "mở trung tâm outlet và khu phi thuế quan" của IPPG (ảnh minh họa, nguồn internet) |
Cái khác ở đây là đàm phán thất bại nhưng đôi bên đều không có lợi và nhiều “bên” khác cũng bất lợi.
Nhiều bên ở đây chính là UBND TP. Đà Nẵng, là người dân và khách du lịch đến với thành phố này. Vì sao như vậy?
Theo thông tin gửi UBND TP. Đà Nẵng của Công ty TNHH XNK Liên Thái Bình Dương (IPPG) ngày 6/5, thông báo về việc chấm dứt đàm phán với Trung Nam Land trong việc hợp tác xây dựng trung tâm out và khu phi thuế quan dự kiến đặt tại khu vực phía Tây Bắc Đà Nẵng (khu Golden Hill do Trung Nam Land làm chủ đầu tư) do IPPG làm chủ đầu tư có nội dung, theo chủ trương thu hút đầu tư của TP. Đà Nẵng, ngày 16/4/2019, IPP đã có buổi làm việc với UBND TP. Đà Nẵng và các sở ngành liên quan về đề xuất của Công ty đối với 3 dự án đầu tư. Tại buổi hợp IPPG đã báo cáo với UBND TP. Đà Nẵng về việc đang trong quá trình đàm phán với Chủ đầu tư dự án Golden Hill (Trung Nam Land) để đầu tư phát triển dự án Mở trung tâm outlet và Khu Phi Thuế quan tại khu đất này. Vì lý do chưa hoàn tất thương lượng nên IPPG đề nghị không thông tin đến công chúng về vấn đề này.
“Tuy nhiên, sau cuộc họp, chúng tôi (IPPG) được biết các thông tin liên quan tới việc IPPG thực hiện dự án Khu phi thuế quan tại Golden Hill đã xuất hiện trên nhiều kênh thông tin đại chúng. Do việc thương lượng với Trung Nam chưa hoàn tất, nên các thông tin này đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của IPPG, các đối tác và thương hiệu cùng tham gia đầu tư với chúng tôi cũng rất bất ngờ và gây khó khăn cho chúng tôi trong quán trình hợp tác… Được biết, giá đất tại khu vực này cũng tăng mạnh làm ảnh hưởng đến việc đàm phán giữa chúng tôi (IPPG) và Trung Nam Land”, Tổng Giám đốc IPPG – bà Lê Hồng Thủy Tiên trình bày trong văn bản gửi UBND TP. Đà Nẵng.
Chính các lý do này khiến việc đàm phán giữa IPPG và Trung Nam Land không đạt được kết quả cuối cùng và đi đến chấm dứt đàm phán hợp tác dự án này.
Cũng trong văn bản gửi UBND TP. Đà Nẵng, IPPG bày tỏ mong muốn tiếp tục được UBND TP. Đà Nẵng hỗ trợ, giới thiệu vị trí thích hợp để đơn vị này triển khai dự án.
Trước đó, trong buổi tọa đàm mùa Xuân 2019 do Thành ủy Đà Nẵng tổ chức ngày 1/3 vừa qua, Chủ tịch IPPG – ông Jonathan Hạnh Nguyễn cho biết đơn vị này đã tìm kiếm cơ hội hợp tác, đầu tư mở Trung tâm Outlet và khu mua sắm phi thuế quan tại TP. Đà Nẵng đã 2,3 năm nhưng vẫn chưa tìm được khu vực đặt dự án. Ông Hạnh Nguyễn đề nghị với việc thực hiện điều chỉnh quy hoạch chung, doanh nghiệp mong muốn thành phố sớm triển khai và thông báo công khai, rộng rãi những quy hoạch của từng khu vực để doanh nghiệp có kế hoạch đầu tư. “Doanh nghiệp chúng tôi không xin giao đất. Chúng tôi mong muốn được thực hiện đấu giá đất như quy định một cách công khai, minh bạch, bình đẳng như mọi doanh nghiệp để tập trung phát triển mảng bán lẻ phục vụ du lịch, kích thích chi tiêu của khách du lịch khi đến với Đà Nẵng”, ông Jonathan Hạnh Nguyễn nói.
Ông Jonathan Hạnh Nguyễn trình bày về nguyện vọng đầu tư trung tâm outlet và khu phi thuế quan tại buổi tọa đàm mùa Xuân 2019 do Thành ủy Đà Nẵng tổ chức ngày 1/3 vừa qua |
Có lẽ, sau buổi tọa đàm mùa Xuân, IPPG và UBND TP. Đà Nẵng đã có những trao đổi đưa đến kết quả là IPPG trình bày kế hoạch triển khai dự án mở trung tâm Outlet và khu phi thuế quan tại phía Tây Bắc thành phố, mà cụ thể là tại khu Golden Hill do Trung Nam land làm chủ đầu tư phát triển bất động sản tại đây.
Được biết, sau khi thông tin về việc "Đà Nẵng sẽ có một trung tâm Outlet và Khu phi thuế quan tại khu vực Tây Bắc thành phố" đăng tải trên một số cơ quan báo chí, nhiều trang thông tin bất động sản và giới môi giới bất động sản TP. Đà Nẵng đã ngay lập tức dẫn nguồn các thông tin này để chào mời các lô đất nền tại khu vực này với giá cao trên trời.
Chính những nguồn thông tin không được kiểm chứng này là một trong những nguyên nhân khiến giá đất tại TP. Đà Nẵng “sốt ảo”. Kết quả là, giá đất tăng ảo, và “các bên cùng thiệt”, chỉ có “cò đất” là hưởng lợi.
Về phía UBND TP. Đà Nẵng, sau sự thất bại này, liệu có đảm bảo niềm tin của chủ đầu tư có ý định đầu tư các dự án vào thành phố này về tính bảo mật thông tin của chính quyền. Chủ đầu tư, mà cụ thể ở đây là IPPG mặc dù khi thông báo dừng dự án này tại Golden Hill cũng bày tỏ mong muốn được TP. Đà Nẵng hỗ trợ giới thiệu khu vực, vị trí mới để nghiên cứu triển khai dự án, nhưng, như ông Jonnathan Hạnh Nguyễn đã nói “IPPG đã tìm kiếm cơ hội đầu tư tại TP. Đà Nẵng 2, 3 năm mà vẫn chưa được”, cộng thêm với sự việc lần này, đến khi nào dự án này mới có thể triển khai, và nỗ lực thu hút những nhà thu hút đầu tư có uy tín tại TP. Đà Nẵng lại bị thêm 1 điểm trừ.
Về phía IPPG, tất nhiên, đàm phán không thành công thì đàm phán lại ở vị trí khác, nhưng khi nào, ở đâu là cả một vấn đề lớn. Chưa nói đến việc tiếp tục triển khai dự án mới, nhưng ngay trong vụ việc trên, IPPG phải lên tiếng vì các thông tin này rò rỉ “đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của IPPG, các đối tác và thương hiệu cùng tham gia đầu tư với chúng tôi (IPPG) cũng rất bất ngờ và gây khó khăn cho chúng tôi trong quá trình hợp tác…”
Còn về phía người dân và khách du lịch tại TP. Đà Nẵng, việc được sử dụng những dịch vụ, sản phẩm chất lượng cao của các thương hiệu lớn trên thế giới, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng với giá cả hợp lý tiếp tục nằm ngoài TP. Đà Nẵng, lĩnh vực du lịch tiếp tục đau đầu với bài toán kích cầu tiêu dùng mua sắm trong du lịch vì “du khách cầm tiền đi rồi lại phải cầm tiền về”.