Tháp Thần Nông: Điểm đến gìn giữ tinh hoa Kinh Bắc và văn hóa lúa nước
Mối nhân duyên
Chủ nhân của Tháp Thần Nông này là ông Trần Văn Toản - Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Kỹ thương Đông Đô (xã Lâm Thao, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh). Chia sẻ về ý tưởng xây dựng Tháp cối đá tạo hình hạt lúa lớn nhất Việt Nam hiện nay, ông Toản cho biết, gần 20 năm qua, ông và một số anh chị em văn nghệ sỹ ở Hải Phòng đã sưu tầm những chiếc cối đá cũ. Nhưng lúc đầu cũng chỉ là niềm đam mê sưu tầm cối đá cũ, với suy nghĩ giản đơn: Không muốn chúng bị xếp ở bờ ao mà để lưu giữ, bảo tồn nét văn hóa của những vùng quê, lưu giữ ký ức của một thế hệ, một giai đoạn văn hóa lịch sử miền quê Bắc bộ.
Tháp Thần Nông vừa được VietKings trao tặng Kỷ lục Việt Nam và đang xây dựng hồ sơ công nhận kỷ lục thế giới |
Kể cả khi về gây dựng trường đào tạo, sát hạch lái xe tại Bắc Ninh (năm 2008), ông Toản và những người bạn vẫn tiếp tục sưu tầm được hơn 3.000 hiện vật liên quan tới cối đá như cối giã, xay. Tới năm 2021 bắt đầu thực hiện xây dựng khu trưng bày.
Tuy nhiên, lúc đầu, ông và những người bạn có ý tưởng xếp chúng thành hình kim tự tháp nhưng suy đi tính lại thấy không có ý nghĩa, trong khi nhiều nơi đã làm rồi. Sau nhiều lần bàn bạc, cuối cùng đi đến quyết định xây dựng biểu tượng Tháp Thần Nông – nhân vật lịch sử có trong truyền thuyết.
“Khi có ý tưởng như vậy nhưng để hiện thực hóa vô cùng phức tạp, vì bản thân cối đá rất nặng, trong khi hình hạt lúa lại không phải thẳng mà phình to ở giữa, 2 đầu bé, chưa kể những cái cối lại có kích thước khác nhau, có cái còn nguyên vẹn, có cái sứt mẻ, có cái còn 1 phần… Điều này khiến anh em nghiên cứu rất kỹ lưỡng tính kết cấu và độ bền vững”, ông Toản chia sẻ.
Tháp cao 15m, chia thành 5 tầng, được ghép bởi 1.012 chiếc cối đá xếp vòng ngoài, bên trong là khung cột bê tông được đổ kiên cố |
Với sự ủng hộ của đông đảo anh em, bạn bè, sau hơn 2 năm thực hiện, Tháp Thần Nông ở Bắc Ninh đã hoàn thành và được xác lập kỷ lục châu Á. Tháp cao 15m, chia thành 5 tầng, được ghép bởi 1.012 chiếc cối đá xếp vòng ngoài, bên trong là khung cột bê tông được đổ kiên cố.
Là người trợ sức rất lớn để hoàn thành Tháp Thần Nông này, kiến trúc sư, nghệ nhân điêu khắc cảnh quan Nguyễn Sánh cho biết: Bên trong tháp có bậc thang lên xuống, thiết kế với hình hạt thóc được dựng theo chiều thẳng đứng. Quần thể cối đá, trục đá kéo lúa, cối đá xay thóc/gạo… được bài trí xung quanh tháp để hình thành một khu trưng bày đồ đá gắn liền với nền nông nghiệp lúa nước.
Hiện nay, tháp vẫn đang được hoàn thiện hệ thống âm thanh và màu sắc để giúp biến đổi màu sắc sống động theo quá trình hạt lúa xanh đến hạt lúa chín vàng.
Ông Trần Văn Toản chia sẻ thêm: “Trong khi xây dựng, chúng tôi nhận được sự ủng hộ, đánh giá cao của dư luận, xã hội, đặc biệt là tổ chức kỷ lục của Việt Nam và kỷ lục châu Á. Đây là sự động viên lớn với cá nhân tôi cũng như công ty, đã tạo ra được một bảo tháp thần nông này. Mong muốn lớn nhất của tôi, không chỉ nơi đây là điểm đến được du khách trong, ngoài nước biết đến mà vùng đất quê hương Lâm Thao – Lương Tài nói riêng cũng như tỉnh Bắc Ninh nói chung sẽ được du khách biết đến nhiều hơn, để thúc đẩy du lịch nơi đây phát triển”.
Nơi gìn giữ văn hóa lúa nước
Cũng phải nói thêm, chủ nhân của Tháp Thần Nông này - ông Trần Văn Toản sinh ra và lớn lên ở Hải Phòng, nhưng hơn 1 thập kỷ lập nghiệp trên mảnh đất Kinh Bắc, ông coi nơi đây như một phần quê hương của mình. Chứng kiến sự đổi thay, phát triển kinh tế ở vùng Lâm Thao – Lương Tài, ông luôn đau đáu làm được chút gì đó cho vùng quê ngày càng phát triển. “Tôi muốn khu trưng bày sẽ là địa chỉ để thế hệ con em mình được trải nghiệm, biết đến những vật dụng gắn với đời sống của thế hệ trước".
Khu sinh thái Đông Đô được xây dựng với các dịch vụ đa năng, trong đó điểm nhấn là hệ thống vườn cối đá sinh thái với hơn 3.000 hiện vật liên quan đến cối đá, trục đá cũ |
Trở lại câu chuyện về Công ty TNHH Kỹ thương Đông Đô (Bắc Ninh). Công ty thành lập từ năm 2008, được biết đến là Trung tâm đào tạo và sát hạch lái xe. Đây cũng như là Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới của tỉnh Bắc Ninh. Hiện nơi đây đã triển khai đầu tư xây dựng Khu sinh thái Đông Đô Village kết hợp giáo dục trải nghiệm trên diện tích 20.000m2.
Khu sinh thái Đông Đô được xây dựng với các dịch vụ đa năng, bao gồm khu trò chơi, nghỉ ngơi thư giãn và các khu trải nghiệm. Trong đó, điểm nhấn là hệ thống vườn cối đá sinh thái với hơn 3.000 hiện vật liên quan đến cối đá, trục đá cũ do ông Trần Văn Toản - Chủ tịch HĐTV Công ty dành nhiều thời gian, công sức sưu tập.
Cùng với việc trưng bày cối đá và văn hóa lúa nước, chủ đầu tư vẫn kết hợp đào tạo kỹ năng tham gia giao thông an toàn, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên các địa phương lân cận; học viên của Trường đào tạo, sát hạch lái xe Đông Đô, doanh nghiệp hoạt động tại Khu công nghiệp Lâm Bình…
Nhiều người dân, du khách đến chiêm ngưỡng và ghi hình về Tháp Thần Nông và những hoạt động trong Khu sinh thái Đông Đô |
Chị Mai Hương - du khách ở Hà Nội nhưng là người con sinh ra ở Lương Tài (Bắc Ninh) chia sẻ: Rất khâm phục ý tưởng độc đáo của các thành viên thực hiện công trình này. Theo chị Hương, khi đứng tại đây, chứng kiến những cối đá này, chị như được sống lại tuổi thơ của mình, một thời đã gắn bó với những mẻ thóc, mẻ gạo.
Theo ông Trịnh Hữu Hùng - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh, sau khi Tháp Thần Nông hình hạt lúa khổng lồ đạt kỷ lục châu Á, tỉnh Bắc Ninh đang tiếp tục xây dựng để trở thành điểm đến gìn giữ tinh hoa Kinh Bắc và văn hóa lúa nước. Qua đó tạo điểm đến thu hút du khách trong và ngoài nước tham quan, trải nghiệm.
Tháp Thần Nông được đặt ngay vị trí trung tâm Khu sinh thái Đông Đô, thiết kế theo hình hạt lúa |
Ông Toản cho biết thêm: Với nền tảng đã tạo dựng Tháp Thần Nông, ông cùng cộng sự tiếp tục nghiên cứu xây dựng điểm đến trải nghiệm cho các em nhỏ, để các em biết đến văn hóa giao thông, an toàn giao thông, trải nghiệm lúa nước. Xa hơn nữa, ông mong muốn vùng đất chiêm trũng Lương Tài sẽ trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn, nơi bảo tồn nét văn hóa Lương Tài nói riêng, Bắc Ninh nói chung.
Tháp Thần Nông được đặt ngay vị trí trung tâm Khu sinh thái Đông Đô (xã Lâm Thao, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh), được thiết kế theo hình hạt lúa. Hiện, công trình đang xây dựng hồ sơ để công nhận kỷ lục thế giới. Đây là công trình khá đặc biệt mang biểu tượng văn hóa lúa nước. |