Thứ ba 19/11/2024 06:47

Thanh toán online: Thay đổi hành vi và “cú hích” mang tên COVID-19

Các chuyên gia cho rằng, dịch COVID-19 đã hình thành thói quen mua sắm online và thanh toán online/thanh toán qua app và thói quen này sẽ kéo dài sau dịch.

Mục tiêu tổng quát của Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020 là làm thay đổi dần tập quán sử dụng các phương tiện thanh toán trong xã hội, giảm tỷ lệ tiền mặt trong lưu thông tính trên tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và trên tổng phương tiện thanh toán...

Tuy nhiên, đến nay, Việt Nam vẫn được đánh giá là một trong những quốc gia có tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt thấp trong khu vực. Kết quả khảo sát thực trạng thanh toán không dùng tiền mặt tại 6 quốc gia ASEAN (gồm Singapore, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Campuchia và Việt Nam) do Tập đoàn Dữ liệu quốc tế (IDG) thực hiện cho thấy tỷ lệ thanh toán bằng tiền mặt ở Việt Nam vẫn còn chiếm tới 79%.

Tất nhiên, để thay đổi một thói quen vốn đã gắn chặt với đông đảo người dân-nhất là với người Việt Nam thì tâm lý “ăn chắc, mặc bền” vốn đã ăn sâu do trải qua nhiều giai đoạn khó khăn, không phải là câu chuyện ‘một sớm, một chiều” và cần phải có nhiều giải pháp tổng thể từ các cơ quan chức năng.

Song, một thực tế gần đây cho thấy chính chất xúc tác là việc đối mặt với tình hình dịch bệnh COVID-19 đã góp phần thúc đẩy và khiến người dân nhận thấy những lợi ích thiết thực của việc thanh toán không dùng tiền mặt, mà thể hiện rõ ràng nhất là các giao dịch “online” đã tăng lên rõ rệt.

Và vì vậy mà giới phân tích cho rằng đây có thể được coi như là cơ hội “ngàn năm có một” để các ngân hàng và doanh nghiệp thúc đẩy các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt.

Từ đầu năm đến nay, do phải đối mặt với dịch bệnh COVID-19 đã khiến nhu cầu thanh toán điện tử tăng vọt khi nhiều gia đình tăng mua hàng online, đặc biệt trong giai đoạn giãn cách xã hội. Thanh toán trên ứng dụng điện thoại di động, bằng thẻ không tiếp xúc… là những phương tiện tăng trưởng đáng kể như một loại hình thanh toán “sạch” được người dân sử dụng thường xuyên.

Khi điện thoại là công cụ mua sắm hữu hiệu

Chị Phạm Thanh Nga (quận Long Biên) tự nhận mình là người cẩn thận trong việc nội trợ, thức ăn cho gia đình hàng ngày phải là tươi sống, không phải hàng cấp đông nên sáng nào cũng đi chợ mua đồ. Nhưng trong thời kỳ dịch bệnh COVID-19 bùng phát và phải hạn chế đi lại, chị Nga đã lên mạng tìm hiểu về phương thức mua hàng online.

“Lúc đầu, tôi rất sợ mua hàng trên mạng họ sẽ không lấy hàng chuẩn, hàng không tươi cho mình nhưng khi đặt thử tôi thấy rất ưng ý. Cái chính là khi mua hàng trên mạng mình sẽ thanh toán qua tài khoản chứ không phải đưa bằng tiền mặt nữa, vừa tránh phải cầm lại tiền thừa vừa không phải ra cây ATM rút tiền,” chị Nga chia sẻ.

Cũng như chị Nga, anh Đồng Văn Thỏa ở Thành Công, Ba Đình (Hà Nội) cho hay anh có thói quen giao dịch 100% bằng tiền mặt hàng ngày, nhưng từ khi xuất hiện dịch bệnh, anh đã chuyển hẳn sang sử dụng online banking hay tận dụng tính năng QR Pay trên Mobile. Ngoài ra, anh Thỏa cũng vận động, hướng dẫn vợ hạn chế sử dụng trực tiếp tiền mặt, trừ khi đi chợ truyền thống hay mua sắm những mặt hàng có giá trị nhỏ…

Việc hạn chế sử dụng thanh toán bằng tiền mặt không chỉ được nhiều người tiêu dùng như chị Nga hay anh Thỏa hưởng ứng mà các siêu thị, cửa hàng tiện ích, cửa hàng lớn cũng nhanh chóng “vào cuộc”.

Theo quan sát, tại các hệ thống siêu thị Vinmart, Intimex hay Hapro… có tới 70% lượng người thanh toán không dùng tiền mặt. Những hệ thống siêu thị này cũng khuyến khích người dùng nên sử dụng phương thức thanh toán không tiếp xúc thay vì tiền giấy.

Trong lĩnh vực bán lẻ, những "đại gia" lớn trong ngành cũng nhanh chóng bắt “trend", đưa ra nhiều tiện ích thông minh, mang trải nghiệm mua sắm 4.0 tiện lợi, an toàn đến người tiêu dùng trong thời điểm dịch bệnh đang diễn biến phức tạp.

Nếu như trước đây, mua sắm online chủ yếu là các mặt hàng thời trang, đồ dùng nhưng nay có cả thực phẩm tươi sống. Người mua có thể thể lựa chọn từng mớ rau, con cá chất lượng hay các mặt hàng nhu yếu phẩm ngay trên ứng dụng ngân hàng mà không phải mất thời gian đi lại, hạn chế tới nơi đông người.

Trước “làn sóng” chuyển đổi số và tình hình dịch bệnh diễn biến ngày càng phức tạp, VietinBank và BIDV đã cùng với VNPAY đã đưa kênh mua sắm “VinMart: Siêu thị tại nhà" lên ứng dụng iPay Mobile, giúp người dùng mua sắm an toàn trong mùa dịch.

Điểm nhấn nổi bật của kênh mua sắm “Vinmart: Siêu thị tại nhà” trên iPay Mobile đó là quy trình đóng gói, bảo quản và giao hàng được đồng bộ hóa. Thực phẩm tươi sống được sử dụng các phương pháp bảo quản lạnh tốt nhất, giao hàng đạt chuẩn, đảm bảo tươi ngon trong thời gian ngắn nhất.

Theo khảo sát của các tổ chức, người Việt mua hàng ở “chợ mạng” nhiều nhất là từ 12-14 giờ và từ 20-22 giờ, do có thói quen sử dụng điện thoại vào giờ nghỉ trưa và buổi tối trước khi đi ngủ.

Còn theo khảo sát của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương), 36% số người được hỏi cho biết sử dụng Internet từ 3-5 giờ đồng hồ mỗi ngày. Máy tính xách tay và điện thoại di động tiếp tục là phương tiện phổ biến nhất được người truy cập Internet sử dụng, với tỷ lệ tương ứng là 75% và 65%.

Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội thương mại điện tử (VECOM) cũng cho biết lượng truy cập mua sắm trên sàn thương mại điện tử tăng hơn 150% so với cùng kỳ năm ngoái và chủ yếu tại Shopee, Lazada, Tiki, Sendo.

Mỗi ngày có khoảng 4 triệu lần truy cập các sàn thương mại điện tử mua sắm như tại Shopee Việt Nam có tới 43,15 triệu lượt truy cập; Tiki đứng thứ 2 với gần 24 triệu lượt; Lazada với 19,76 triệu lượt truy cập; Sendo17,59 triệu lượt và vật giá gần 2 triệu truy cập.

Cũng theo ông Nguyễn Ngọc Dũng, người dân đã hạn chế ra ngoài tụ tập ăn uống, chủ động tích trữ thực phẩm, gọi đồ ăn và giải trí tại nhà. Theo kết quả khảo sát có tới 83% người dân ít ra ngoài ăn uống, 65% người dân hạn chế ra ngoài mua sắm; 26% người dân đã gọi đồ ăn, thực phẩm qua app.

“Dịch COVID-19 đã hình thành thói quen mua sắm online và thanh toán online/thanh toán qua app và thói quen này sẽ kéo dài sau dịch,” ông Dũng nhấn mạnh.

Ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán-Ngân hàng Nhà nước, cũng đưa ra các con số thống kê cho thấy thanh toán không dùng tiền mặt được “hưởng lợi” sau thời kỳ COVID. Cụ thể, thanh toán qua kênh điện thoại di động của toàn ngành ngân hàng tăng 198,8% về số lượng và 21,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019. Ngoài ra, thanh toán nội địa qua thẻ ngân hàng tăng 26,2% về số lượng và 15,7% về giá trị; thanh toán qua kênh Internet tăng 3,2% về số lượng và 45,7% giá trị.

Thanh toán qua kênh điện thoại di động tăng mạnh

Nở rộ các kênh giao dịch trực tuyến

Theo đại diện Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op), kênh mua sắm qua điện thoại, website của doanh nghiệp này đã tăng trưởng nhanh trong thời gian ngắn với hàng triệu lượt tương tác mỗi ngày. Ước tính đơn hàng giao dịch thông qua kênh giao dịch trực tuyến này tăng gấp 10 lần so với ngày thường.

Cùng với đó, số lượng đơn hàng của trang thương mại điện tử SpeedL thuộc Lotte Mart cũng tăng từ 150-200% so với ngày thường từ khi dịch COVID-19 bùng phát.

Vì thế, để đáp ứng nhu cầu thị trường, nguồn hàng hệ thống siêu thị Lotte Mart phải phân bổ cho trang online tăng gấp đôi và cử thêm nhân sự bán hàng.

Báo cáo của Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước cũng cho thấy thời gian qua, hoạt động thanh toán tăng cả chất và lượng với nhiều sản phẩm, dịch vụ thanh toán mới tiện ích và hiện đại dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin. Hạ tầng kỹ thuật và công nghệ phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt, nhất là thanh toán điện tử cũng được đầu tư, nâng cấp. Hiện cả nước có trên 78 tổ chức triển khai dịch vụ thanh toán qua Internet và 47 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động.

Không nằm ngoài “cuộc chơi,” các ngân hàng cũng ngay lập tức triển khai rầm rộ các dịch vụ thanh toán qua mạng. Đơn cử như Agribank đã nghiên cứu và triển khai thành công nhiều sản phẩm dịch vụ, tiện ích thanh toán trực tuyến mới như: mở rộng chức năng rút tiền bằng mã (Cash by Code) tại ATM, dịch vụ thanh toán QR Code, chấp nhận thanh toán thẻ không tiếp xúc thương hiệu Visa tại POS, thí điểm thành công dịch vụ thanh toán Samsung Pay, tiền gửi trực tuyến (trên Internet Banking, Mobile Banking, AUTOBANK…).

Đến nay, tổng số tài khoản tiền gửi thanh toán của Agribank đạt gần 14 triệu tài khoản; trong đó số khách hàng sử dụng mobile banking đạt khoảng 9,86 triệu khách hàng, tỷ lệ khách hàng có tài khoản thanh toán sử dụng dịch vụ mobile banking đạt 72,7%, số lượng khách hàng sử dụng dịch vụ Internet Banking đạt hơn 200 nghìn khách hàng. Cùng với đó, Agribank phục vụ hơn 13 triệu chủ thẻ đang hoạt động và luôn duy trì vị thế tốp 3 ngân hàng thương mại trên thị trường.

Trong khi đó, ông Nguyễn Minh Tâm-Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn Thương tín (Sacombank), cho biết mặc dù dịch bệnh nhưng 4 tháng đầu năm doanh số chấp nhận thẻ của ngân hàng vẫn tăng trưởng 15% so với cùng kỳ năm trước, nhờ vào sự tăng trưởng của doanh số thanh toán online, với tỷ trọng lên đến 35% trên tổng doanh số thanh toán chấp nhận thẻ tại Sacombank. Theo ông Tâm, dịch COVID-19 đã khiến nhu cầu thanh toán điện tử tăng vọt, nhiều gia đình đã quan tâm đến loại hình mua hàng online, đặc biệt trong thời gian giãn cách xã hội. Loại hình thanh toán không tiếp xúc (thẻ contactless) cũng tăng trưởng đáng kể.

“Số lượng giao dịch qua ứng dụng mbanking và Sacombank Pay cũng tăng trưởng rất nhiều. Đổi lại, ngân hàng cũng đã triển khai rất nhiều chương trình ưu đãi hoàn tiền, giảm giá, quay số trúng thưởng, giảm phí dịch vụ… để khuyến khích người dân sử dụng các kênh ngân hàng số và thanh toán không dùng tiền mặt,” ông Tâm chia sẻ thêm.

Còn ông Nguyễn Hữu Đặng, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HDBank) cũng cho biết kết thúc quý 1, giao dịch qua Internet Banking tại HDBank tăng trưởng 112%, số lượng thẻ thanh toán mở mới trong quý 1 cũng tăng 67% so với cùng kỳ 2019.

Tương tự, tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Quốc Tế (VIB) trong quý 1 số lượng thẻ tín dụng mở mới cũng tăng hơn 40%, số lượng giao dịch qua thẻ tín dụng tăng trên 60%, theo đó VIB ghi nhận tăng trưởng ấn tượng trên 140% về số lượng và giá trị giao dịch qua Internet Banking và ứng dụng MyVIB.

Điều này cho thấy hành vi của người tiêu dùng đã thay đổi và trong thời gian tới, con số này dự kiến sẽ còn tăng hơn nhiều lần khi các ngân hàng đang tích cực “chạy đua” để không bị tụt hậu trong thời buổi kinh tế số.

Theo TTXVN
Bài viết cùng chủ đề: Mua sắm

Tin cùng chuyên mục

Nhà băng 'tung' ưu đãi, ‘trợ lực’ cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu dịp cuối năm

Manulife được vinh danh vì những đóng góp tiêu biểu cho cộng đồng năm 2024

Cơ hội vàng cho doanh nghiệp SME: Mở tài khoản BIZ MBBank, rinh xe hơi Vinfast VF3 và iPhone 15 Pro Max

Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam: 25 năm hành trình vun đắp niềm tin

VietinBank có thu nhập hoạt động (TOI) cao nhất ngành Ngân hàng

BIDV và KIOTVIET hợp tác triển khai dịch vụ ngân hàng tích hợp

Quý 3/2024, tập đoàn Manulife toàn cầu tiếp tục tăng trưởng ấn tượng

Tập đoàn FPT bắt tay Sun Life Việt Nam hợp tác chuyển đổi số nhằm nâng tầm trải nghiệm Khách hàng

Hội thảo góp ý dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đối với đồ uống có cồn

Khác biệt làm nên sức hút của các dịch vụ ngân hàng số TPBank

Lãi suất tiền gửi dưới 6 tháng tối đa chỉ 5,25%/năm

Trung bình mỗi ngày người dân mang 2.882 tỷ đồng gửi tiết kiệm ngân hàng

Tín dụng tiêu dùng kỳ vọng tăng tốc dịp cuối năm

Cổ phiếu MZG của Công ty Cổ phần Miza chính thức lên sàn UPCoM HNX

Thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam triển vọng tích cực giai đoạn cuối năm 2024

Manulife nâng cấp sản phẩm Sống Khỏe Mỗi Ngày, đáp ứng nhu cầu của khách hàng về bảo hiểm sức khỏe

Tín dụng chính sách: Yếu tố giúp Việt Nam thành hình mẫu của thế giới về giảm nghèo

Doanh nghiệp châu Âu lạc quan về triển vọng đầu tư dài hạn tại Việt Nam

Techcombank tiên phong triển khai dịch vụ xác thực điện tử qua VNeID

Thị trường chứng khoán tuần tới: Nhà đầu tư đang chờ đợi tín hiệu hạ nhiệt của tỷ giá