Dành tất cả tình yêu thương, những gì quý giá nhất cho trẻ em! Lai Châu: Kịp thời ngăn chặn vụ một bé gái nghi bị lừa dụ dỗ đi làm ''việc nhẹ lương cao'' |
Vẫn còn nhiều trẻ bị đuối nước, bị xâm hại
Theo số liệu từ Sở Lao động, Thương bình và Xã hội tỉnh Thanh Hóa, từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn tỉnh này đã xảy ra 16 vụ tai nạn, thương tích trẻ em, làm tử vong đối với 20 trẻ em (giảm 11 vụ và 12 trẻ em so với cùng kỳ năm 2023). Trong đó, xảy ra 12 vụ tai nạn đuối nước trẻ em, gây tử vong đối với 15 trẻ em (giảm 05 vụ, 05 trẻ em tử vong so với cùng kỳ năm 2023). Gần nhất, vào ngày 22/6/2024, tại bãi biển xã Hoằng Phụ, huyện Hoằng Hóa đã xảy ra 01 vụ đuối nước gây tử vong đối với 03 người (trong đó có 01 trẻ em).
Một vụ tai nạn đuối nước xảy ra ngày 22/6, tại khu vực bãi biển thôn Xuân Phụ, xã Hoàng Phụ, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa khiến 3 thiếu niên tử vong (Ảnh: CTV) |
Đáng chú ý, tình trạng trẻ em bị xâm hại vẫn còn diễn ra ở nhiều địa phương của tỉnh Thanh Hóa. Theo thống kê của Công an tỉnh Thanh Hóa, trong năm 2023, lực lượng công an trên địa bàn tỉnh đã tiếp nhận, xử lý 64 trường hợp có dấu hiệu xâm hại tình dục, trong đó có 47 vụ nạn nhân dưới 16 tuổi.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, đại diện Lãnh đạo Sở Lao động, Thương bình và Xã hội tỉnh Thanh Hóa cho biết: Để đảm bảo an toàn cho trẻ em trên địa bàn, thời gian qua các cấp chính quyền, các sở, ban, ngành và các địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp, biện pháp về phòng, chống tai nạn đuối nước. Tuy nhiên, tại một số địa phương cấp ủy, chính quyền chưa dành sự quan tâm đúng mức và chỉ đạo sát sao; công tác tuyên truyền phòng, chống đuối nước ở trẻ em chưa được thường xuyên.
Bên cạnh đó, việc tổ chức rà soát, thực hiện các biện pháp bảo vệ an toàn cho trẻ em tại các khu vực, địa điểm có nguy cơ gây tai nạn đuối nước trẻ em tại một số địa phương chưa được chú trọng, còn hình thức, hiệu quả chưa cao. Hoạt động thông tin, giáo dục, trang bị kỹ năng an toàn trong môi trường nước và dạy bơi cho trẻ em tại cộng đồng, học sinh trong nhà trường chưa được triển khai thực hiện rộng rãi.
Đoàn Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thanh Hóa phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức "phiên tòa giả định" tuyên truyền phòng chống xâm hại tình dục trẻ em. (Ảnh: Nguyễn Thùy) |
Từ thực tiễn đó, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Thanh Hóa đã tham mưu cho UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan chức năng, chính quyền các cấp cần phối hợp chặt chẽ, kịp thời trong việc phát hiện, xử lý hành vi bóc lột, xâm hại, bạo lực trẻ em; tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra, giám sát của cấp uỷ Đảng các địa phương trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về trẻ em.
Trẻ em mong muốn được đảm bảo môi trường sống an toàn
Để nắm bắt tâm tư nguyện vọng của trẻ em, từ đó tìm ra các giải pháp hạn chế tối đa trẻ em bị đuối nước, trẻ em bị xâm hại, tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức diễn đàn trẻ em “Lắng nghe trẻ em để chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em”.
Tại diễn đàn diễn ra ngày 18/8, với sự tham gia của 64 trẻ em đến từ 8 huyện, thành phố, đại diện cho gần 954.000 trẻ em trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã có cuộc đối thoại với lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa nhằm chia sẻ tâm tư và có các kiến nghị về phòng, chống tai nạn thương tích để đảm bảo quyền được sống của trẻ em.
Nhóm 8 em trên địa bàn các huyện, thành phố của tỉnh Thanh Hóa đưa ra thông điệp tại diễn đàn “Lắng nghe trẻ em để chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em”. (Ảnh: QT) |
Thông qua diễn đàn này, trẻ em đã kiến nghị các cấp, các ngành của tỉnh Thanh Hóa đưa ra các giải pháp để hạn chế tai nạn đuối nước và tai nạn giao thông; các giải pháp để phát hiện, ngăn chặn kịp thời hành vi xâm hại tình dục trẻ em, giải pháp để chăm sóc, hỗ trợ y tế cho những trường hợp bị xâm hại tình dục; vấn đề đảm bảo quyền vui chơi, giải trí của trẻ em; vấn đề bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, các biện pháp để nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, chị Lê Thị Hạnh, trú tại phường Đông Vệ, TP. Thanh Hóa cho biết: "Diễn đàn “Lắng nghe trẻ em để chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em” là chương trình rất ý nghĩa. Từ chương trình này, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, các sở, ban, ngành và các địa phương sẽ nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của trẻ em, từ đó đưa ra những giải pháp thiết thực, hiệu quả trong việc phòng, chống xâm hại ở trẻ em, tạo cho các em được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh, không còn trẻ em bị xâm hại".
Còn anh Lê Văn Hùng, trú tại huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Tôi mong các cơ quan chức năng tổ chức thường xuyên diễn đàn “Lắng nghe trẻ em để chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em” để các cháu có dịp bày tỏ tâm tư, nguyện vọng của mình, từ đó tạo ra môi trường sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em".
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng cho biết: Để tạo cơ hội cho các em được phát triển cả về thể chất, trí tuệ, tinh thần, đạo đức và mối quan hệ xã hội, đề nghị các ban, sở, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát lại tất cả những vấn đề liên quan đến thông điệp của trẻ em để có biện pháp thực hiện phù hợp.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng yêu cầu các cơ quan chức năng, các địa phương trên địa bàn tỉnh cần tổ chức rộng rãi mô hình "Diễn đàn trẻ em" các cấp để các em được nói lên ý kiến, nguyện vọng của mình. (Ảnh: QT). |
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng đề nghị các sở, ban, ngành; các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, triển khai thực hiện Luật Trẻ em năm 2016 và các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và của Chủ tịch UBND tỉnh về công tác bảo đảm quyền trẻ em. Các cơ quan chức năng, chính quyền các cấp phối hợp chặt chẽ, kịp thời trong việc phát hiện, xử lý hành vi bóc lột, xâm hại, bạo lực trẻ em; đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của cấp uỷ Đảng các địa phương trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về trẻ em; đa dạng hóa vận động nguồn lực cho việc thực hiện các chương trình, kế hoạch về bảo đảm quyền trẻ em.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng cũng yêu cầu các cơ quan chức năng, các địa phương trên địa bàn tỉnh cần tổ chức rộng rãi mô hình "Diễn đàn trẻ em" các cấp để các em được nói lên ý kiến, nguyện vọng của mình.