Thanh Hóa: Ngành công nghiệp tạo động lực tăng trưởng kinh tế
Ngày 21/10, Tỉnh ủy Thanh Hóa tổ chức Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Báo cáo tại Hội nghị cho thấy, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, song tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân hàng năm giai đoạn 2021 - 2023 ước đạt 9,69%, đứng thứ 5 cả nước và đứng thứ 3 trong nhóm 10 tỉnh, thành phố có quy mô kinh tế lớn nhất cả nước.
Toàn cảnh Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 |
Quy mô GRDP (giá hiện hành) năm 2023 ước đạt 279.074 tỷ đồng, gấp 1,5 lần năm 2020, đứng thứ 8 cả nước và cao nhất các tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải Nam Trung Bộ. GRDP bình quân đầu người năm 2023 ước đạt 3.144 USD, gấp 1,42 lần năm 2020.
Ngành công nghiệp của tỉnh Thanh Hóa duy trì tốc độ tăng trưởng cao, bình quân hàng năm giai đoạn 2021 - 2023 tăng 15,41%, là động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) bình quân hàng năm tăng 14,86%. Một số sản phẩm công nghiệp của tỉnh Thanh Hóa có sản lượng trong nhóm đầu cả nước như: Lọc hóa dầu, xi măng, thép. Giai đoạn 2021 - 2023, tỉnh Thanh Hóa cũng đã hoàn thành, đưa vào hoạt động một số cơ sở công nghiệp mới; triển khai đầu tư một số dự án công nghiệp lớn. Tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề nông thôn tiếp tục có bước phát triển.
Lĩnh vực công nghiệp là động lực phát triển kinh tế tỉnh Thanh Hóa |
Bên cạnh đó, các ngành dịch vụ phục hồi nhanh và tiếp tục phát triển, trong đó có một số lĩnh vực phát triển mạnh. Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021 - 2023 ước đạt 7,95%/năm. Dịch vụ thương mại phát triển mạnh theo hướng văn minh, hiện đại; năm 2023 quy mô thị trường đứng thứ 7 cả nước. Giá trị xuất khẩu tăng bình quân hàng năm đạt 11,6%; giá trị xuất khẩu năm 2023 ước đạt 5,1 tỷ USD, gấp 1,39 lần năm 2020 và bằng 64% mục tiêu Nghị quyết. Nhập khẩu hàng hóa tăng trưởng cao, bình quân tăng 18,4%/năm, giá trị nhập khẩu năm 2023 ước đạt 8,8 tỷ USD, gấp 1,66 lần năm 2020.
Các đại biểu dự Hội nghị |
Giai đoạn 2021 - 2023, tỉnh Thanh Hóa đã hoàn thành, đưa vào sử dụng, khởi công xây dựng một số dự án giao thông trọng điểm. Cảng hàng không Thọ Xuân đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch thành Cảng hàng không quốc tế. Cảng biển Thanh Hóa là cảng biển loại I, đã được Thủ tướng Chính phủ quy hoạch tiềm năng trở thành cảng đặc biệt. Hạ tầng Khu kinh tế Nghi Sơn, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp được ưu tiên đầu tư. Hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, hạ tầng cung cấp điện, hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông, hạ tầng giáo dục, hạ tầng y tế... được quan tâm đầu tư, cải tạo, nâng cấp, đáp ứng tốt hơn yêu cầu phục vụ sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân.
Trong 3 năm qua, tỉnh Thanh Hóa có thêm 5 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, có 46 xã và 208 thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới; 58 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 16 xã và 330 thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; có thêm 282 sản phẩm OCOP đã được đánh giá, xếp hạng. Ước đến hết năm 2023, toàn tỉnh có 13 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (đạt tỷ lệ 48,15%), có 363 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 78,1%), 80 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (đạt 17,2%), 17 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (đạt 3,7%); có 407 sản phẩm OCOP cấp tỉnh, 01 sản phẩm OCOP 5 sao.
Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng phát biểu bế mạc Hội nghị |
Phát biểu kết luận Hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng nhấn mạnh: Tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất, quyết liệt trong chỉ đạo điều hành, nâng cao tinh thần trách nhiệm, chủ động, sáng tạo; khai thác và phát huy hiệu quả tiềm, năng lợi, thế; chủ động ứng phó khó khăn, thách thức, huy động tối đa nguồn lực, sức mạnh cả hệ thống chính trị và toàn dân để phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.
Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng mong rằng: Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa phải sớm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng và phát triển Thanh Hóa “đến năm 2025, trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước - một cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc; đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại; đến năm 2045 là tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại, phát triển toàn diện và kiểu mẫu của cả nước” như Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã xác định.