Thanh Hóa: Kiên quyết thu hồi đất đối với các dự án chậm tiến độ kéo dài
Hàng trăm dự án chậm tiến độ
Báo cáo của UBND tỉnh Thanh Hóa cho thấy, thời gian qua, với tinh thần đồng hành, hỗ trợ nhà đầu tư, tỉnh Thanh Hóa đều gia hạn thời gian hoàn thành cho các dự án chậm tiến độ do nguyên nhân khách quan. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư vẫn cố tình chây ì, thiếu trách nhiệm trong thực hiện các dự án, vi phạm Luật Đất đai, Luật Đầu tư, xây dựng.
Theo số liệu từ Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa, trên địa bàn tỉnh này hiện có 339 dự án không thực hiện hoặc thực hiện đầu tư dự án chậm tiến độ (chiếm 10,5% tổng số dự án được giao đất, cho thuê đất). Trong đó, có 18 dự án không triển khai thực hiện, không sử dụng đất trong thời hạn 12 tháng liên tục. Có 321 dự án chậm tiến độ đầu tư, trong đó có 154 dự án chậm tiến độ quá 24 tháng vi phạm quy định tại điểm i, khoản 1 Điều 64 Luật Đất đai năm 2013.
Dự án nhà ở xã hội AMC I tọa lạc trên “đất vàng” tại ngã tư Quốc lộ 1A tránh TP. Thanh Hóa và Đại lộ Võ Nguyên Giáp chậm tiến độ nhiều năm nay. |
Còn theo thống kê của UBND TP. Thanh Hóa, hiện trên địa bàn thành phố có nhiều dự án chậm tiến độ, làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư. Tại phường Quảng Thịnh, TP. Thanh Hoá hiện có 2 dự án có quyết định chấp thuận đầu tư từ năm 2019 và năm 2020, trong đó có 1 dự án đã có văn bản gia hạn 1 lần. Tuy nhiên đến nay, nhà đầu tư vẫn chưa tích cực phối hợp với chính quyền địa phương trong bồi thường, giải phóng mặt bằng, chưa hoàn thiện hồ sơ thẩm định trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Vì vậy hơn 1.200m2 đất được giao cho các doanh nghiệp để xây dựng tổ hợp thương mại và Khu dịch vụ tổng hợp vẫn đang để hoang.
Tại phường Quảng Thắng, TP. Thanh Hoá, một dự án Trường mầm non được chấp thuận chủ trương đầu tư từ năm 2020 với diện tích 530m2 vẫn còn nằm trên giấy khi cả việc giải phóng mặt bằng và hoàn thiện thủ tục đầu tư vẫn chưa được thực hiện.
Theo lý giải của một lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa, các dự án chậm tiến độ có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu vẫn là nguyên nhân xuất phát từ phía chủ đầu tư. Một số nhà đầu tư khi xây dựng dự án có tính khả thi không cao, hoặc do năng lực tài chính yếu, năng lực quản lý đầu tư dự án hạn chế, giữ đất để tìm kiếm liên kết hoặc chờ cơ hội để chuyển nhượng dự án... dẫn đến dự án chậm tiến độ.
Bên cạnh đó, cũng có nguyên nhân từ phía cơ quan nhà nước như: Công tác phối hợp, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn của một số sở, ngành, UBND cấp huyện đối với các nhà đầu tư có lúc có nơi trách nhiệm chưa cao, chưa kịp thời.
Kiên quyết thu hồi các dự án chậm tiến độ kéo dài
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa, không chỉ ở TP. Thanh Hoá, tình trạng dự án chậm tiến độ còn diễn ra ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh này.
Sau khi UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa rà soát và đề xuất lên UBND tỉnh đã thống nhất không gia hạn đối với 20 dự án mà nhà đầu tư không tích cực phối hợp để triển khai công tác giải phóng mặt bằng và thực hiện hồ sơ, thủ tục của dự án; không còn phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng của địa phương; đã bị thu hồi để Nhà nước đầu tư thực hiện các dự án giao thông, diện tích còn lại không đảm bảo thực hiện dự án và nhà đầu tư không còn kế hoạch thực hiện. Ngoài ra, UBND tỉnh Thanh Hóa cũng chỉ đạo xử lý đối với 6 dự án còn lại tại các huyện Vĩnh Lộc, Ngọc Lặc, Hoằng Hoá và thị xã Nghi Sơn.
Tỉnh Thanh Hóa kiên quyết thu hồi đất đối với các dự án chậm tiến độ kéo dài. |
Liên quan đến các dự án chậm tiến độ, tại phiên chất vấn diễn ra đợt tháng 7/2023, Kỳ họp thứ 14, Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021-2026, ông Lê Sỹ Nghiêm, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh đã đề xuất một số giải pháp cụ thể. Đối với các dự án chậm tiến độ đầu tư nhưng chưa quá 24 tháng, đó là:
Đôn đốc các chủ đầu tư tập trung tối đa các nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư, hoàn thành đưa dự án vào sử dụng. Trường hợp có khó khăn, vướng mắc trong việc hoàn thiện hồ sơ, thủ tục, chủ đầu tư chủ động báo cáo, phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để được hướng dẫn, giải quyết.
Đối với các dự án chậm tiến độ đã được gia hạn sử dụng đất 24 tháng, với những dự án chủ đầu tư có năng lực tài chính yếu hoặc mục tiêu, quy mô dự án không còn phù hợp thì hướng dẫn chủ đầu tư tự nguyện trả đất (theo Luật Đất đai) hoặc báo cáo chấm dứt dự án đầu tư (theo Luật Đầu tư) để tránh lãng phí nguồn lực của cả Nhà nước và chủ đầu tư.
Đôn đốc các chủ đầu tư chậm tiến độ và đã được gia hạn sử dụng đất khẩn trương tập trung tối đa các nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án đảm bảo thời gian. Yêu cầu nhà đầu tư phải thực hiện việc báo cáo định kỳ về tiến độ đầu tư xây dựng cơ bản, tiến độ sử dụng đất. Trường hợp không hoàn thành dự án trong thời gian được gia hạn thì tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định thu hồi đất theo quy định của pháp luật.
Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng yêu cầu: UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành chức năng nâng cao chất lượng tham mưu chấp thuận chủ trương, địa điểm đầu tư dự án; đánh giá đúng năng lực nhà đầu tư, nhu cầu sử dụng đất, tính khả thi trong triển khai dự án, hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án. Không chấp nhận nhà đầu tư năng lực tài chính, năng lực triển khai thực hiện dự án hạn chế, không đảm bảo nguồn vốn và năng lực để hoàn thành đầu tư dự án; có dấu hiệu đầu cơ giữ đất để chuyển nhượng kiếm lời, không có ý định đầu tư.
Có thể thấy, tỉnh Thanh Hóa kiên quyết thu hồi đất đối với các dự án chậm tiến độ, nhằm loại bỏ các nhà đầu tư ảo, đồng thời ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về đầu tư, đất đai, xây dựng, qua đó làm lành mạnh môi trường đầu tư, tạo điều kiện để các nhà đầu tư có năng lực có đất để triển khai các dự án, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.