Thanh Hóa: Cảnh báo lũ trên sông Bưởi trên mức báo động 3, sẵn sàng phương án hộ đê
Theo cảnh báo lũ mới nhất của Đài Khí tượng thủy văn Thanh Hóa, trong 12 giờ tới, lũ hạ lưu các sông còn tiếp tục lên và có khả năng đạt đỉnh.
Cụ thể, mực nước lũ trên sông Lèn tại Lèn có khả năng lên mức báo động (BĐ) 3 vào lúc 19-21 giờ tối nay (23/9); hạ lưu sông Bưởi tại Kim Tân lên mức 12,1m, trên mức BĐ 3 là 0,1m vào lúc 20-21 giờ tối nay; hạ lưu sông Mã tại Lý Nhân lên mức 11,1m, trên mức BĐ 2 là 0,1m, tại Giàng lên mức 6,1m, dưới BĐ 3 là 0,4m vào lúc 18-20 giờ tối nay.
Mực nước lũ trên các sông tại Thanh Hóa vẫn lên cao. Ảnh: CTV |
Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Thanh Hoá cũng đã phát đi Công điện số 21 cảnh báo lũ trên sông Mã tới Chủ tịch UBND các huyện, thành phố: Cẩm Thủy, Vĩnh Lộc, Yên Định, Hoằng Hóa, Thiệu Hóa, TP Thanh Hóa, TP Sầm Sơn.
Theo đó, yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố triển khai ngay việc tuần tra canh gác đê và hộ đê theo các cấp báo động. Tổ chức kiểm tra, rà soát và có phương án xử lý bảo đảm an toàn cho công trình đê điều; đặc biệt là các đoạn đê xung yếu, cống dưới đê trên địa bàn.
Hai bên cầu treo bị ngập khiến hơn 50 hộ dân ở bản Mạ, thị trấn Thường Xuân tạm thời bị chia cắt. Ảnh: CTV |
Đồng thời, chủ động triển khai phương án sơ tán dân sinh sống ở vùng bãi sông. Tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24h, theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa lũ để sẵn sàng xử lý các tình huống ngay từ giờ đầu; thông tin, báo cáo kịp thời về Văn phòng thường trực Chỉ huy phòng, chống thiên tai tỉnh và Văn phòng thường trực chỉ huy Phòng thủ dân sự, ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh.
Cũng trong chiều nay (23/9), Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có công văn gửi UBND tỉnh Thanh Hóa về công tác tuần tra, canh gác, đảm bảo an toàn đê điều.
Để đảm bảo an toàn hệ thống đê điều, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chính quyền địa phương các cấp và cơ quan chức năng triển khai thực hiện: Kiểm tra, rà soát và triển khai trên thực tế phương án bảo vệ các trọng điểm đê điều xung yếu, các công trình đê điều đã xảy ra sự cố nhưng chưa được xử lý, khắc phục và các công trình đang thi công dở dang; chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện, máy móc, thiết bị để hộ đê, kịp thời xử lý các sự cố xảy ra ngay từ giờ đầu, đảm bảo an toàn cho các tuyến đê.
Một phần cầu Bến Nhạ, tại xã Tân Thành, huyện Thường Xuân bị nước lũ cuốn trôi. Ảnh: CTV |
Tổ chức lực lượng và nghiêm túc thực hiện việc tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều theo đúng quy định tại Thông tư số 01/2009/TT-BNN ngày 06/01/2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc hướng dẫn tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều trong mùa lũ.
Theo dõi chặt chẽ diễn biến mực nước lũ trên các triền sông và tình hình hệ thống đê điều, báo cáo kịp thời các sự cố đê điều về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (qua Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai) để phối hợp chỉ đạo.