Thành công chương trình “10 nghìn sáng kiến” bắt nguồn từ cơ sở (Bài 3)
Theo đó, chương trình “10 nghìn sáng kiến” Công đoàn Tổng công ty Điện lực Thành phố Hà Nội đã có 363/223 sáng kiến, đạt 163% kế hoạch giao, là đơn vị có nhiều sáng kiến và tỉ lệ vượt kế hoạch cao nhất trong tập đoàn. Kết quả đó bắt nguồn từ các cấp công đoàn cơ sở trực thuộc.
Tạo không khí thoải mái nhất khi tổ chức “Giờ cải tiến”
Tham luận tại Hội nghị sơ kết thi đua đợt 1 và phát động thi đua đợt 2 Chương trình “10 nghìn sáng kiến” ông Đoàn Phan Sơn - Phó Giám đốc, Chủ tịch Công đoàn Công ty Công nghệ thông tin Điện lực Hà Nội thuộc Tổng công ty Điện lực TP. Hà Nội cho biết.
Ông Đoàn Phan Sơn - Phó Giám đốc, Chủ tịch Công đoàn Công ty Công nghệ thông tin Điện lực Hà Nội phát biểu tham luận tại Hội nghị sơ kết thi đua giai đoạn 1 |
Công ty luôn coi trọng và đẩy mạnh công tác sáng kiến, cải tiến trong sản xuất kinh doanh (SXKD); thường xuyên tổ chức các “Giờ cải tiến” giữa các Phòng chức năng, các Tổ sản xuất để cùng nhau họp bàn, trao đổi, thảo luận về các vướng mắc, những vấn đề chưa hợp lý trong công tác chuyên môn, bất cứ các ý kiến của các cá nhân đều được coi trọng, chúng tôi luôn tạo không khí thoải mái nhất có thể khi tổ chức “Giờ cải tiến”; nhằm mục đích động viên, khích lệ tinh thần sáng tạo, đổi mới cho các cá nhân, để từ đó đề xuất các ý tưởng sáng kiến, các giải pháp kỹ thuật, giải pháp quản lý, giải pháp ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, tự động hóa mang lại hiệu quả, giá trị thiết thực phục vụ công tác sản xuất kinh doanh của công ty. Để triển khai đạt kết quả cao Chương trình “10 nghìn sáng kiến” công ty đã triển khai một số giải pháp sau:
Cử 01 đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Công đoàn công ty phối hợp chặt chẽ với 8 Tổ trưởng Công đoàn cơ sở tương ứng với 08 Phòng chức năng trong công ty để hướng dẫn, giúp đỡ người lao động triển khai thực hiện sáng kiến; Hỗ trợ đoàn viên, người lao động đăng ký và làm các thủ tục, hồ sơ để được xét duyệt và công nhận. (Thực tế rất nhiều cá nhân có những ý tưởng rất hay nhưng rất ngại làm các thủ tục theo quy định, do đó chúng tôi phải cử 01 đồng chí để thực hiện giúp các công việc trên). Phổ biến, tuyên truyền các giải thưởng về sáng kiến, sáng tạo của công đoàn và của Tập đoàn Điện lực Việt Nam đến người lao động. Phối hợp với chuyên môn đồng cấp củng cố, tăng cường các cuộc họp trao đổi, thảo luận, đề xuất các ý tưởng sáng kiến cấp Công ty, khối các phòng tham mưu, khối các phòng vận hành. Đưa tiêu chí tham gia chương trình vào nội dung thi đua, bình xét Tổ Công đoàn có thành tích xuất sắc trong hoạt động công đoàn. Công đoàn phối hợp với chuyên môn đồng cấp dành nguồn kinh phí thi đua khen thưởng của đơn vị để biểu dương, khen thưởng đột xuất cho các cá nhân có sáng kiến đăng ký tham gia chương trình.
Ông Đoàn Phan Sơn (thứ 2 từ phải qua) đại diện Công đoàn Công ty Công nghệ thông tin Điện lực Hà Nội nhận Bằng khen của Công đoàn ĐLVN vì có thành tích hoàn thành xuất sắc Chương trình “10 nghìn sáng kiến” giai đoạn 1. |
Kết thúc giai đoạn 1 công đoàn Công ty Công nghệ thông tin Điện lực Hà Nội đã có 13 sáng kiến được công nhận, hoàn thành vượt mức kế hoạch số lượng sáng kiến mà Công đoàn Tổng công ty giao trước 20 ngày so với thời gian kết thúc giai đoạn 1.
Sáng kiến tiêu biểu “Tối ưu hóa cơ sở dữ liệu hóa đơn điện tử của hệ thống CMIS cho 2,6 triệu khách hàng”
Hiện trạng: Tổng công ty Điện lực TP. Hà Nội đang phục vụ cung cấp hóa đơn điện tử cho trên 2,6 triệu khách hàng; hiện tại các hệ thống liên quan đến chăm sóc khách hàng như email thông báo hóa đơn, web/app EVNHANOI, thông báo tiền điện đều kết nối đến cơ sơ dữ liệu, hệ thống quản lý thông tin khách hàng (CMIS). Trong khi đó phần hóa đơn điện tử chưa được tối ưu, dẫn đến thời gian truy vấn dữ liệu lâu hơn 1 phút, ảnh hưởng đến hiệu năng tổng thể của cơ sơ dữ liệu, CMIS; dung lượng lớn.
Nội dung giải pháp: Tách phần hóa đơn điện tử ra một cơ sơ dữ liệu riêng biệt để không ảnh hưởng đến hiệu năng của cơ sơ dữ liệu, CMIS. Tổ chức lại bảng lưu trữ hóa đơn điện tử theo điều kiện truy vấn (partition table). Do hóa đơn điện tử dùng để hiển thị nên sử dụng cơ chế nén dữ liệu để giảm dung lượng lưu trữ và tăng tốc độ truy vấn (ưu điểm khi nén dữ liệu thì cơ chế đọc dữ liệu sẽ nhanh hơn. Nhược điểm là khi thay đổi dữ liệu (insert, update, delete) sẽ mất nhiều thời gian hơn. Do vậy áp dụng cơ chế nén dữ liệu với các dữ liệu lịch sử ít thay đổi dữ liệu để tăng tính hiệu quả.
Hiệu quả mang lại: Sau khi tổ chức lại bảng lưu trữ hóa đơn điện tử tốc độ truy vấn dữ liệu hóa đơn điện tử (thực tế giảm từ hơn 1 phút xuống còn 5s đến 7s cho 1 hóa đơn lịch sử các năm cũ) đối với hơn 2,6 triệu khách hàng thì giá trị là rất lớn; đem lại sự trải nghiệm, hài lòng cho khách hàng tốt hơn. Dung lượng lưu trữ hóa đơn của 2,6 triệu khách hàng sau khi được nén giảm 60% so với khi không được nén. Mất thêm tài nguyên cho CSDL hóa đơn điện tử, nhưng hiệu năng cơ sơ dữ liệu, CMIS được cải thiện khoảng 15% giúp cho các thao tác trên chương trình CMIS nhanh chóng, kịp thời hơn so với trước.
Thời gian truy vấn dữ liệu hóa đơn điện tử phục vụ nghiệp vụ hỗ trợ giảm xuống 80%; Thời gian truy vấn dữ liệu từ các dịch vụ web app giảm xuống 60%; Tối ưu hiệu năng của hệ thống cơ sở dữ liệu CMIS, tài nguyên RAM sử dụng giảm xuống từ 5~8%.
Với sáng kiến tiêu biểu “Tối ưu hóa cơ sở dữ liệu hóa đơn điện tử của hệ thống CMIS cho 2,6 triệu khách hàng” của Tổng công ty Điện lực TP. Hà Nội như trên; đã góp phần hoàn thành Chương trình “10 nghìn sáng kiến” mà Tập đoàn và Công đoàn Điện lực Việt Nam phát động. Đồng thời thực hiện thành công mục tiêu đưa EVN trở thành doanh nghiệp số vào năm 2025, trong đó chuyển đổi số cơ bản hoàn thành năm 2022 theo Nghị quyết số 03-NQ/ĐU ngày 11/01/2021 của Đảng ủy EVN; tăng năng suất, hiệu quả lao động, đèm lại sự hài lòng, phục vụ khách hàng nhanh chóng, kịp thời, chính xác, mọi lúc, mọi nơi tất cả bằng công nghệ chuyển đổi số.