Trong cuộc chiến với Israel, Iran sẽ cần tiền, không chỉ để mua vũ khí và duy trì nền kinh tế, mà còn để tái vũ trang cho các lực lượng dân quân như Hamas và Hezbollah.
Theo các nguồn tin, hằng năm, Iran chuyển hàng chục tỷ USD từ việc bán dầu vào các tài khoản ngân hàng trên khắp thế giới. 6 năm trước, khi Mỹ áp đặt lại lệnh phong tỏa, xuất khẩu dầu thô của Iran đã sụp đổ. Tuy nhiên, từ đó đến nay, xuất khẩu mặt hàng này đã tăng gấp 12 lần, lên 1,8 triệu thùng/ngày vào tháng 9/2024. Năm 2023, doanh số này tạo ra 35-50 tỷ USD và xuất khẩu hóa dầu tăng thêm 15-20 tỷ USD.
Cuộc điều tra của Economist cho thấy, Iran đã xây dựng các kênh tài chính ngầm rộng lớn, chạy từ các giàn khoan dầu đến các kho tiền ảo của ngân hàng trung ương nước này. Các ngân hàng và trung tâm tài chính toàn cầu, thường bị sử dụng như những “mắt xích” quan trọng mà không hề hay biết. Một nguồn tin thông thạo sổ sách của Iran cho biết, tính đến tháng 7/2024, nước này có 53 tỷ USD, 17 tỷ Euro (tương đương 19 tỷ USD) và các quỹ nhỏ hơn bằng các loại tiền tệ khác, được bố trí ở nước ngoài.
Mặc dù phải đối mặt với các lệnh trừng phạt quốc tế nghiêm ngặt nhưng Iran vẫn duy trì được nguồn thu hàng chục tỷ USD mỗi năm thông qua một mạng lưới buôn bán dầu mỏ bí mật. Ảnh: Anadolu Agency |
Theo báo cáo của Economist, hầu hết các quốc gia dầu mỏ đều xuất khẩu dầu thông qua công ty dầu do nhà nước sở hữu, nhưng Iran thì khác. Công ty dầu khí quốc gia Iran (NIOC) nắm độc quyền sản xuất, trong khi công ty con Naftiran Intertrade Company (NICO) có trụ sở tại Thụy Sĩ tiếp thị dầu mỏ ra nước ngoài. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều dầu mỏ được phân bổ cho các bộ, tổ chức tôn giáo, thậm chí quỹ hưu trí của Iran để tự bán.
Ở một quốc gia thiếu tiền tệ mạnh, dầu thô là một hình thức thanh khoản thay thế. Ngân sách của Iran năm 2023 cho phép các lực lượng vũ trang bán dầu để thu về 4,9 tỷ USD. Việc phân bổ cũng ưu tiên phần thưởng cho những người trung thành: Năm 2022, những cá nhân vượt qua quá trình thẩm tra được cung cấp lượng dầu mỏ với tổng trị giá 3,6 tỷ USD. Lực lượng vệ binh cách mạng Hồi giáo (IRGC) cũng nhận được một lượng lớn dầu mỏ, thường là ngoài sổ sách.
Một cựu quan chức Iran cho biết, lực lượng IRGC đã kiếm được 12 tỷ USD từ các giao dịch như vậy trong năm 2022. Tất cả các thực thể này đều có kênh bán hàng riêng, mặc dù NICO và IRGC thường cho những bên khác mượn dịch vụ.
Theo Bộ Tài chính Mỹ, Công ty Sahara Thunder hoạt động tại Iran điều hành giao dịch bán hàng cho các lực lượng vũ trang trong khi đóng giả là công ty thương mại tư nhân. Bộ Tư pháp Mỹ cho hay, Iran thường xuyên thuê bên thứ ba ở nước ngoài - như ASB, một công ty của Thổ Nhĩ Kỳ - để thực hiện các giao dịch bán hàng.
Các nguồn tin tiết lộ, có hơn 100 công ty bình phong được lập ra để mua tàu chở dầu. Nhiều tàu đã có tuổi đời hàng thập kỷ, treo cờ Panama và được đổi tên để đánh lạc hướng người theo dõi. Các tàu bắt đầu với việc lấy dầu tại một trong những cảng xuất khẩu của Iran. Để tránh sự chú ý, họ thường cho các tàu khác đang đi vòng quanh khu vực mượn thiết bị phát đáp, hoặc sử dụng phần mềm để làm cho giống như họ đang ở nơi khác. Sau đó, các tàu sẽ đến Iraq hoặc Oman, nơi hàng hóa có thể được chuyển sang một tàu mới.
Ngoài ra, hệ thống ngân hàng ngầm của Iran là một bí ẩn. Các công ty dầu mỏ lớn nhất nước này, như NIOC và Petrochemical Commercial Company (PCC), công ty xuất khẩu hóa dầu lớn do Bộ Quốc phòng Iran kiểm soát, có các phòng tài chính lớn hoạt động như các ngân hàng. Các đơn vị này thành lập công ty tại Iran, được gọi là “điểm giao dịch tiền tệ”, xử lý các khoản thanh toán nước ngoài bất hợp pháp không chỉ cho các nhà xuất khẩu dầu mỏ mà còn cho phần lớn nền kinh tế Iran.
Vào tháng 7, Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Javad Oji cho biết, nước này hiện đang xuất khẩu dầu thô sang 17 quốc gia, trong đó có một số nước ở châu Âu, đồng thời khẳng định ngành dầu mỏ của Iran đã được đầu tư hiệu quả trong 3 năm qua.
Ông Oji thông báo, sản lượng dầu thô của Iran đã tăng đáng kể trong 3 năm qua, từ 2,2 triệu thùng/ngày ghi nhận vào tháng 8/2021, lên khoảng 3,57 triệu thùng/ngày. Xuất khẩu dầu thô của Iran đã tăng từ 182 triệu thùng năm 2019 lên 565 triệu thùng vào năm 2023.
Theo ông, tổng giá trị xuất khẩu dầu thô, khí ngưng tụ cũng như các sản phẩm dầu mỏ và hóa dầu khác của Iran đã tăng 3,5 lần từ 10,8 tỷ USD năm 2019 lên 36 tỷ USD vào năm 2023.
Báo cáo của hãng cung cấp thông tin thị trường năng lượng toàn cầu Vortexa chỉ ra, xuất khẩu dầu và khí ngưng tụ của Iran hiện đã đạt mức cao nhất kể từ năm 2018, thời điểm Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế cứng rắn chống lại Tehran, đặc biệt nhắm vào ngành dầu khí của quốc gia Trung Đông này.
Báo cáo của Vortexa lưu ý, xuất khẩu dầu thô và khí ngưng tụ của Iran hiện chiếm 9% tổng khối lượng xuất khẩu dầu và khí ngưng tụ của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC).