Thái Bình tiên phong trong đổi mới trung tâm học tập cộng đồng thời kỳ chuyển đổi số
Vừa qua, Đoàn công tác của Hội Khuyến học Việt Nam do Giáo sĩ, Tiến sĩ Nguyễn Thị Doan, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam làm trưởng đoàn đã làm việc với Hội Khuyến học tỉnh Thái Bình về đổi mới trung tâm học tập cộng đồng thời kỳ chuyển đổi số.
Đến tháng 12/2024, Thái Bình có 242 trung tâm học tập cộng đồng ở các xã, phường, thị trấn (đạt 100%). Sau hơn 25 năm, các trung tâm học tập cộng đồng của Thái Bình đã huy động được hàng chục triệu lượt người dân tham gia học tập, góp phần vào việc xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, thúc đẩy xây dựng xã hội học tập.
Tuy nhiên, hoạt động của trung tâm học tập cộng đồng có một số hạn chế và bất cập đòi hỏi phải đổi mới. Thái Bình chọn 4 trung tâm học tập cộng đồng ở các huyện, thành phố để thực hiện điểm việc đổi mới trong thời kỳ chuyển đổi số để nhân rộng toàn tỉnh.
Các trung tâm đã đổi mới trong quản lý, điều hành hoạt động; đổi mới phương pháp dạy và học trên nền tảng số; đổi mới cơ sở vật chất. Trong đó, 4 trung tâm đã củng cố, nâng cao hạ tầng chuyển đổi số theo hướng phù hợp với điều kiện thực tế; việc triển khai học tập trực tiếp, trực tuyến qua các nền tảng đã thu hút hơn 1,9 triệu lượt người học tập, khai thác thông tin; ứng dụng công nghệ số trong xây dựng thư viện điện tử, kết nối nguồn lực thực hiện đổi mới trung tâm học tập cộng đồng cũng được đẩy mạnh…
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Doan, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: TBTV |
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã làm rõ những kết quả đạt được, khó khăn, hạn chế, đề xuất các giải pháp, kiến nghị để thực hiện tốt hơn nữa việc đổi mới trung tâm học tập cộng đồng thời kỳ chuyển đổi số.
Phát biểu kết luận, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan ghi nhận, đánh giá cao việc Thái Bình là tỉnh tiên phong trong nghiên cứu, đổi mới mô hình trung tâm học tập cộng đồng trong thời kỳ chuyển đổi số để nhân rộng ra cả nước.
Khẳng định trung tâm học tập cộng đồng là trường học mở, đồng chí cũng gợi mở một số nội dung để Thái Bình làm tốt hơn nữa việc đổi mới trung tâm học tập cộng đồng trong thời kỳ chuyển đổi số như: Đổi mới mô hình, nguồn nhân lực tham gia chuyển đổi số; công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành, hoạt động tại các trung tâm học tập cộng đồng; củng cố, nâng cao hạ tầng chuyển đổi số của các trung tâm học tập cộng đồng theo hướng phù hợp với điều kiện từng địa phương, đơn vị.
Đồng chí mong muốn có sự vào cuộc của các cấp, các ngành để trung tâm học tập cộng đồng đổi mới đáp ứng yêu cầu thực tế hiện nay.