Thứ tư 01/01/2025 22:18

Thái Bình: Liên kết để tạo đột phá về thương mại, dịch vụ

Nhằm phát huy tối đa tiềm năng, những năm qua, Thái Bình đã thực hiện nhiều giải pháp để đẩy mạnh liên kết phát triển TM, góp phần phát triển KT - XH của tỉnh.

Giao thông đi trước mở đường

Thái Bình - vùng đất vốn được biết đến như một "ốc đảo" của Đồng bằng sông Hồng - khi có tới 3 mặt sông, 1 mặt giáp biển. Nhận thức được đây sẽ là những "trở lực" kìm hãm phát triển, lãnh đạo tỉnh đã quyết tâm tạo ra sự đột phá, biến khó khăn, thách thức thành nội lực, lợi thế phát triển.

Sản phẩm OCOP Thái Bình được người tiêu dùng đón nhận

Hiện, Thái Bình đang là một trong những địa phương có dấu ấn nổi bật trong việc tạo lập không gian phát triển, tăng tính liên kết giữa các địa phương trong vùng. Nhận thức rất rõ tầm quan trọng của liên kết vùng, tạo không gian mới cho phát triển, những năm qua, với phương châm "giao thông đi trước mở đường" để đón các nhà đầu tư, tỉnh đã đầu tư đồng bộ hệ thống giao thông, hiện đại, cả đường bộ, đường sông, kết nối giữa các địa phương trong tỉnh, các tỉnh trong vùng và tam giác tăng trưởng kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Qua đó, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, tăng tính liên kết giữa Thái Bình với các địa phương trong vùng.

Tỉnh đã tạo cơ chế thu hút đầu tư vào Khu kinh tế ven biển Thái Bình để khai thác tối đa lợi thế về điều kiện tự nhiên, vị trí trong việc kết nối kinh tế, thương mại, dịch vụ của tỉnh với địa bàn lân cận, góp phần thu hẹp khoảng cách khu vực này với các vùng khác trong cả nước và vùng Đồng bằng sông Hồng… Đây cũng là chiến lược phát triển của địa phương, bám sát với mục tiêu của vùng Đồng bằng sông Hồng là phát triển kinh tế biển bền vững theo quy hoạch, phát triển hạ tầng các khu kinh tế, khu công nghiệp ven biển gắn với đô thị ven biển, trung tâm du lịch, dịch vụ logistics.

Chính nhờ những quyết sách mang tính chiến lược từ hạ tầng giao thông đã tạo điều kiện kết nối vùng miền, thúc đẩy lưu thông hàng hóa. Sản xuất công nghiệp theo hướng phát triển các ngành có công nghệ hiện đại, tiên tiến, thân thiện với môi trường, tạo ra các sản phẩm có thương hiệu, lợi thế cạnh tranh, giá trị gia tăng cao. Sản xuất nông nghiệp đẩy mạnh sản xuất hữu cơ tạo nguồn hàng hóa, sản phẩm dồi dào, phong phú, đa dạng. Toàn tỉnh hiện có 64 sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sao, 25 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, là những sản phẩm có quy mô sản lượng khá, được sản xuất theo tiêu chuẩn đảm bảo an toàn thực phẩm, ISO, HACCP. Đây là những điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh kết nối cung - cầu, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp nông thôn của tỉnh.

Quyết tâm "cất cánh"

Cùng với phát triển hạ tầng giao thông, Thái Bình cũng đang nỗ lực triển khai cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, tạo không gian thông thoáng cho phát triển lĩnh vực thương mại, dịch vụ. Tỉnh đã ban hành hàng loạt đề án: Phát triển ngành Công Thương; đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa tỉnh Thái Bình giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"; Kế hoạch phát triển thương mại điện tử, các chương trình khuyến công, khuyến thương, nhằm hỗ trợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm, đổi mới phương thức kinh doanh, kết nối cung - cầu thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm.

Thái Bình chủ động liên kết "4 nhà" (nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà nông" - để đẩy mạnh công tác kết nối cung - cầu, xúc tiến thương mại, tạo ra các chuỗi liên kết trong sản xuất. Đồng thời, tổ chức hàng loạt sự kiện, kết nối đầu tư, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm tiêu biểu. Các hội nghị đã tập trung giới thiệu, kết nối kênh phân phối trong tỉnh với tập đoàn phân phối bán lẻ, trung tâm thương mại siêu thị, chợ đầu mối, doanh nghiệp trong nước và quốc tế...

Bên cạnh đó, công tác xúc tiến xuất khẩu được tổ chức gắn với các hoạt động đầu tư ngoài nước. Qua các chương trình kết nối cung - cầu, xúc tiến thương mại, các sản phẩm đặc trưng địa phương, sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh hiện diện trên giá kệ của chuỗi các siêu thị thuộc các tập đoàn phân phối bán lẻ trong nước và nước ngoài, cũng như tiêu thụ tốt qua một số sàn thương mại điện tử. Một số sản phẩm của Thái Bình đã có doanh số khá tốt, tăng đều từ 20- 30%/năm.

Thái Bình mong muốn, với những vị trí thuận lợi, cùng tiềm năng, lợi thế vượt trội, cùng nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị và người dân, doanh nghiệp, những sản phẩm của tỉnh cũng như các địa phương khác sẽ đến gần hơn nữa với người tiêu dùng trong nước và quốc tế. Từ đó, giúp Thái Bình và các tỉnh tiếp nhận được nhiều hơn nữa thông tin, nhu cầu thị trường nhằm định hướng phát triển, nâng cao giá trị sản phẩm, cải thiện thu nhập người dân, góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp, công nghiệp bền vững.

Thụy Anh
Bài viết cùng chủ đề: Thái Bình