Tận dụng hiệu quả các FTA: “Chìa khóa” cho xuất khẩu hàng hóa năm 2023 Quảng Ninh: Xây dựng mô hình cửa khẩu số, hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng hiệu quả các FTA |
Tiến trình thực thi các FTA đã có những tác động tích cực trong phát triển kinh tế của các địa phương, đặc biệt thúc đẩy tăng trưởng giá trị thương mại. Bà Tô Thị Hương Lan - Phó Giám đốc Sở Công Thương Thái Bình đã chia sẻ về những tác động từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mang lại cho địa phương.
Thưa bà Tô Thị Hương Lan, bà có thể chia sẻ về việc thực thi các FTA thế hệ mới trong thời gian vừa qua đã tác động như thế nào tới tình hình xuất nhập khẩu của tỉnh Thái Bình và địa phương đã có hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp thực thi FTA cụ thể ra sao?
Bà Tô Thị Hương Lan - Phó Giám đốc Sở Công Thương Thái Bình |
Trong những năm gần đây, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Thái Bình luôn đạt được mức tăng trưởng khá. Đặc biệt trong ba năm gần đây, mặc dù tình hình kinh tế cũng có nhiều khó khăn, đặc biệt là ảnh hưởng dịch bệnh Covid. Thế nhưng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh cũng đạt được mức tăng trưởng khá.
Cụ thể, năm 2021 tăng trưởng ở mức 23,9%, năm 2022 đạt được mức 13,5%, cho đến năm 2023 có thể nói là một năm rất nhiều khó khăn đối với hoạt động xuất khẩu của cả nước nói chung, trong đó có Thái Bình. Tuy nhiên kim ngạch xuất khẩu vẫn đạt được mức tăng trưởng và tính trung bình trong ba năm gần đây xuất khẩu của Thái Bình đạt được tăng trưởng khoảng 14,3%.
Một số mặt hàng đã tận dụng tốt được các FTA, kể cả là Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu-Việt Nam (EVFTA) như là mặt hàng may mặc, thủy sản, giày da…
Để được có được kết quả đó, ngoài năng lực và sự chủ động của doanh nghiệp còn có những sự hỗ trợ tích cực từ phía các cơ quan nhà nước, đặc biệt trong công tác tuyên truyền, hướng dẫn doanh nghiệp để đẩy mạnh tận dụng các lợi thế từ các FTA mà Việt Nam đã ký kết.
Có thể nói ngay khi các Hiệp định thương mại tự do được ký kết và có hiệu lực thì Sở Công Thương Thái Bình đã kịp thời tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện FTA mà Việt Nam là thành viên, đặc biệt là các FTA thế hệ mới.
Trong đó Sở Công Thương đã tập trung vào công tác tuyên truyền, đặc biệt đã phối hợp với các đơn vị Cục, Vụ của Bộ Công Thương tổ chức một số hội nghị tuyên truyền, phổ biến cho cán bộ cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để nắm được những thông tin cũng như những quy định của các hiệp định.
Việc tuyên truyền được tổ chức với nhiều hình thức khác nhau như biên soạn sổ tay, cẩm nang hoặc phối hợp với các cơ quan truyền thông để xây dựng các chuyên đề, chuyên mục về hội nhập kinh tế, về các FTA để người dân và doanh nghiệp cùng nắm được.
Bên cạnh đó, Sở cũng tham mưu một đề án đẩy mạnh xuất khẩu của tỉnh và đề án này cũng đã được tỉnh ban hành năm 2022; làm đầu mối tham mưu Ủy ban nhân tỉnh tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Đặc biệt, trong những năm gần đây, tỉnh đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động sản xuất kinh doanh để nâng cao năng lực cũng như quy mô sản xuất đối với một số mặt hàng, đặc biệt là các mặt hàng chủ lực của tỉnh.
Cùng với đó là công tác cải cách thủ tục hành chính. Sở Công Thương Thái Bình được Bộ Công Thương cho phép thành lập Phòng Quản lý xuất nhập khẩu khu vực Thái Bình để thực hiện các thủ tục cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa ưu đãi cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh và một số doanh nghiệp xung quanh.
Trong công tác này, chúng tôi đã tập trung chỉ đạo cán bộ làm sao tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp sớm có được chứng nhận xuất xứ để thực hiện việc xuất khẩu.
Qua đó có thể nói công tác tuyên truyền về các FTA đã góp phần không nhỏ vào nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh và cũng góp phần vào thúc đẩy hoạt động xuất khẩu của tỉnh Thái Bình trong thời gian vừa qua.
Quá trình thực thi các FTA của các doanh nghiệp tại tỉnh Thái Bình đã gặp những thuận lợi và khó khăn gì và Sở đã hỗ trợ giải quyết những khó khăn đó như thế nào, thưa bà?
Đối với các hàng hóa xuất khẩu sang thị trường mà Việt Nam đã ký các hiệp định thương mại tự do thì doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Bình sẽ được hướng dẫn việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa giúp cho khách hàng được hưởng ưu đãi về thuế nhập khẩu, qua đó cũng tăng sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.
Về tỷ lệ tận dụng của các FTA trên địa bàn tỉnh, hiện nay theo chúng tôi tính, kim ngạch xuất khẩu cũng đã chiếm được đến khoảng trên dưới 40% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Trong đó chiếm tỉ trọng lớn nhất vẫn là một số các thị trường như Hàn Quốc chiếm khoảng 14,4%.
Nhìn chung, việc tận dụng các ưu đãi thuế quan từ các FTA mà Việt Nam đã ký kết của các doanh nghiệp Thái Bình tương đối thuận lợi.
Về cơ cấu hàng xuất khẩu chủ yếu hiện nay, đối với Thái Bình thì hàng dệt may, xơ sợi chiếm tổng kim ngạch khoảng 60%, bên cạnh đó là giày da…
Các mặt hàng hầu hết đều đã đáp ứng được các tiêu chí xuất xứ quy định trong các hiệp định và cũng tận dụng được các ưu đãi mà Hiệp định mang lại, đặc biệt đối với Hiệp định EVFTA. Chúng tôi cũng đã giúp một số các doanh nghiệp xuất khẩu sang Nhật Bản tận dụng được các ưu đãi thuế quan do trước đây nhiều doanh nghiệp chưa đáp ứng được các quy định trong Hiệp định ASEAN - Nhật Bản hay là Việt Nam - Nhật Bản.
Bên cạnh đó, còn một số các mặt hàng khác là sản phẩm từ nhựa, sản phẩm kim loại, thủ công mỹ nghệ, nông sản, thực phẩm... hầu hết là các mặt hàng này cũng đã đáp ứng được các quy tắc xuất xứ trong hiệp định và các doanh nghiệp cũng đã khai thác được các ưu đãi về Hiệp định.
Về cơ cấu hàng xuất khẩu chủ yếu hiện nay của Thái Bình, hàng dệt may, xơ sợi chiếm tổng kim ngạch khoảng 60%, bên cạnh đó là giày da… |
Còn một số khó khăn và một số các hạn chế do doanh nghiệp chưa khai thác được các ưu đãi của các Hiệp định này chủ yếu xảy ra đối với hàng may mặc khi chưa đáp ứng được các tiêu chí theo quy định từ các hiệp định như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hoặc là Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) hay EVFTA khi các hiệp định này yêu cầu nguồn nguyên liệu phải có xuất xứ từ nội khối, đặc biệt là CPTPP yêu cầu xuất xứ từ sợi. Trong khi đó nguyên liệu dệt may của các doanh nghiệp chủ yếu là nhập khẩu từ ngoại khối nên chưa đáp ứng được các quy tắc xuất xứ ở trong hiệp định.
Về phía các cơ quan nhà nước, chúng tôi cũng đã tập trung vào tổ chức tập huấn và hướng dẫn doanh nghiệp hiểu đúng và nắm được chắc quy định trong các hiệp định.
Vì thế cho đến nay nhiều doanh nghiệp dệt may trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển hướng nguồn nguyên liệu đến các nguồn nguyên liệu trong khối để đáp ứng được các tiêu chí xuất xứ trong hiệp định và tận dụng tối đa các ưu đãi thuế quan mà các hiệp định mang lại.
Thưa bà trong thời gian tới, Sở Công Thương tỉnh Thái Bình dự kiến sẽ có thêm những giải pháp như thế nào để hỗ trợ cho các doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh và tận dụng tối đa các FTA?
Trong thời gian tới, để tận dụng các FTA đẩy mạnh sản xuất cũng như đẩy mạnh xuất khẩu, Sở Công Thương sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cũng như quy mô sản xuất và hỗ trợ thúc đẩy thực hiện các giải pháp đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu.
Đặc biệt tiếp tục triển khai các kế hoạch, đề án đã ban hành như Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương cũng như đẩy mạnh Đề án đẩy mạnh xuất khẩu; tiếp tục triển khai các kế hoạch triển khai thực hiện các FTA đã ban hành trong đó phát huy vai trò của Sở Công Thương là đầu mối trên địa bàn tỉnh để triển khai các FTA.
Đồng thời, phối hợp với các sở, ban, ngành tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh và tiếp tục thực hiện những giải pháp thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, khu kinh tế, cụm công nghiệp, đặc biệt là đối với đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực, ngành nghề có ưu thế để tận dụng các FTA đẩy mạnh xuất khẩu.
Chúng tôi cũng sẽ tiếp tục tập trung vào hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn tập huấn cho doanh nghiệp tận dụng cũng như nắm bắt các cơ hội từ các FTA, rồi quy tắc xuất xứ theo các chuyên ngành, ngành hàng để làm sao mà các doanh nghiệp hiểu rõ, nắm rõ và thực hiện được đúng các quy tắc xuất xứ, từ đó sẽ chủ động được trong chiến lược sản xuất kinh doanh của mình.
Đối với giải pháp về cải cách hành hành chính, thủ tục hành chính, chúng tôi cũng sẽ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp thông qua việc giải quyết nhanh gọn các thủ tục liên quan đến chứng nhận xuất xứ, các thủ tục khác liên quan đến xuất khẩu, để làm sao doanh nghiệp sớm hoàn thiện bộ chứng từ xuất khẩu để thực hiện xuất khẩu.
Trong thời gian tới, chúng tôi mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của Bộ Công Thương, đặc biệt là các đơn vị Cục, Vụ phối hợp trực tiếp với chúng tôi trong việc triển khai các Hiệp định FTA một cách hiệu quả hơn và chất lượng hơn, đặc biệt là các giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp.
Xin cảm ơn bà!